IEA thúc giục ngành năng lượng nhanh chóng giảm phát thải khí metan
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 07:30, 23/02/2023
Theo nghiên cứu của Ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), mức tăng nồng độ khí metan trong khí quyển là tác nhân thứ hai sau CO2 và trong mức tăng nhiệt độ toàn cầu 1,1°C thời gian qua có 0,3°C đóng góp từ khí metan. Tổng lượng phát thải khí metan toàn cầu năm 2019 vào khoảng 9,8 tỷ tấn CO2 tương đương (CO2tđ) trên tổng phát thải khí nhà kính toàn cầu khoảng 59,1 tỷ tấn CO2tđ.
Mức phát thải khí metan toàn cầu giai đoạn 2010-2019 đã tăng khoảng 1,2% mỗi năm và chiếm khoảng 17% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Số liệu từ báo cáo “Theo dõi khí metan toàn cầu” của IEA cho biết, trong năm 2022, riêng ngành năng lượng phát thải khoảng 135 triệu tấn khí metan, gần bằng mức kỷ lục ghi nhận năm 2019.
Kể từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất khí metan góp phần gây ra khoảng 30% mức tăng nhiệt toàn cầu. Hiện ngành sản xuất năng lượng chiếm khoảng 40% tổng lượng phát thải metan từ hoạt động của con người, chỉ sau ngành nông nghiệp.
Do đó, việc giảm phát thải metan được cho là một trong những phương án ít tốn kém nhất để hạn chế tình trạng ấm lên toàn cầu trong ngắn hạn và cải thiện nhanh chất lượng không khí. Tuy nhiên, trong một phát biểu gần đây, Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol, nhấn mạnh lượng phát thải metan vẫn ở mức quá cao và giảm không đủ nhanh.
Theo đại diện IEA, các công nghệ hiện có sẽ giúp giảm 70% lượng phát thải metan từ riêng lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt. Cơ quan này cũng ước tính khoản đầu tư 100 tỷ USD, chưa đến 3% thu nhập của các công ty dầu mỏ và khí đốt trên thế giới vào năm ngoái, sẽ đủ để đạt được mục tiêu giảm 75% lượng khí thải metan.
Bên cạnh đó, IEA cho rằng biện pháp hiệu quả nhất mà các quốc gia có thể thực hiện để hạn chế lượng phát thải là ngừng tất cả các hoạt động đốt và thải khí metan không cần thiết. Đến nay, hơn 150 nước đã cam kết đến năm 2030 giảm ít nhất 30% lượng khí thải metan so với mức của năm 2020. Hàng chục công ty dầu khí cũng tự nguyện cam kết giảm phát thải thông qua một số sáng kiến riêng của ngành.
Theo ước tính, lượng phát thải từ lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch cần giảm 75% vào năm 2030 để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây được xem là mục tiêu tiềm năng để kiềm chế mức tăng nhiệt trung bình toàn cầu dưới 2 độ C theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Tại Việt Nam, ngày 05/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động giảm phát thải khí metan đến năm 2030 nhằm thực hiện Cam kết giảm phát thải khí metan toàn cầu. Việt Nam tham gia cam kết với mục tiêu đóng góp giảm ít nhất 30% tổng lượng phát thải khí metan vào năm 2030 so với mức năm 2020 trong các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, quản lý chất thải rắn, xử lý nước thải, khai thác dầu khí, khai thác than và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch.
"Cam kết giảm phát thải khí metan toàn cầu" là sáng kiến do Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ khởi xướng, đưa ra Hội nghị COP 26 nhằm góp phần đạt được mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu là giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 2ºC, hướng tới hạn chế ở ngưỡng 1,5ºC vào cuối thế kỷ 21 thông qua kêu gọi các quốc gia thực hiện các hoạt động giảm phát thải khí metan mạnh mẽ hơn.