Đua bò Bảy Núi - Một trong các lễ hội ở Việt Nam thú vị
Môi trường du lịch - Ngày đăng : 08:30, 23/02/2023
Lễ hội đua bò Bảy Núi có nguồn gốc từ đâu?
Theo đó, vào ngày lễ Dolta, đồng bào dân tộc Khmer ở Tịnh Biên – Tri Tôn (An Giang) thường mang thức ăn dâng lên các nhà sư để cầu nguyện cho linh hồn những người đã khuất được siêu thoát. Trong các ngày lễ này, thanh niên trai tráng trong phum sóc (làng) sẽ mang những đôi bò đến để cày ruộng giúp nhà chùa, khi cày xong các chủ bò chọn những đôi bò bắt cặp với nhau để tranh tài kéo bừa trên những thửa ruộng vừa cày xong. Dần dần tục lệ này đã trở thành một môn thể thao truyền thống thu hút đông đảo du khách đến tham quan và xem các cặp bò tranh tài.
Đặc sắc đua bò Bảy Núi
Để chuẩn bị cho trận đua bò, người ta chọn một khu ruộng bằng phẳng, chiều dài chừng 200m, chiều ngang 100m có nước xăm xắp, được “trục” xới nhiều lần cho có độ trơn, xung quanh có bờ bao và điểm đích có đoạn đường trống để làm độ dừng an toàn cho bò. Đoạn đường đua chính chỉ cần 120m theo khu ruộng cặp sát bờ bao. Vị trí xuất phát được cắm 2 cây cờ màu xanh và màu đỏ mỗi cây cách nhau 5m, và tại điểm đích cũng vậy. Khi đôi bò đứng ở vị trí cây cờ màu gì thì điểm đích cũng theo màu của cây cờ đó.
Trong khi đua, nếu đôi bò nào chạy tạt ra khỏi đường đua thì sẽ bị loại và đôi bò sau chạy lên giàn bừa của đôi bò trước sẽ thắng cuộc. Còn người điều khiển phải đứng thật vững nếu bị ngã hoặc rơi ra khỏi giàn bừa cũng bị coi như đã thua cuộc. Những “nài đua bò” được người dân địa phương gọi là người cầm vàm và sẽ điều khiển đôi bò trong cuộc đua. Ðôi bò phải kéo theo chiếc bừa và người cầm vàm đứng trên đó sẽ là người điều khiển. Các con bò còn được đeo cặp lục lạc vàng rực phát ra rộn ràng những tiếng nhạc vui tai.
Vào sáng sớm của ngày hội đua bò, du khách khắp nơi kéo đến, đứng thành hàng bao xung quanh các bờ mang theo chiêng, trống cùng hò hét, cổ vũ cho cặp bò mà mình yêu thích. Khi hiệu lệnh xuất phát của trọng tài vang lên, người điều khiển cầm một khúc gỗ có gắn một cây đinh nhỏ chích mạnh vào mông bò. Khi bò bị chích đau nên thừa sức phóng nhanh về phía trước trong sự cổ vũ náo nhiệt của đông đảo người xem sẽ làm cho lễ hội thêm hấp dẫn, sôi động và hào hứng.
Người cầm vàm của đôi bò thắng cuộc sẽ được mọi người tôn vinh là người “can đảm” nhất vùng. Từ lúc cuộc đua bắt đầu cho đến lúc kết thúc, không khí lễ hội luôn tràn ngập tiếng reo hò, vỗ tay, cổ động cho những cặp bò tranh nhau quyết liệt để về đích. Những pha rượt đuổi gay cấn, cùng những tiếng hô hào làm cho các phum sóc sôi nổi, rộn ràng.
Theo quan niệm của người Khmer, đôi bò thắng giải sẽ mang đến cho cả phum sóc nhiều niềm vui, may mắn về một vụ mùa bội thu. Sau khi thắng cuộc, người dân Khmer không giết, cũng không bán mà gìn giữ cặp bò chiến thắng như một tài sản quý báu của gia đình và phum sóc.
Thể lệ đua bò Bảy Núi
Thể lệ đua bò cũng giống như các loại hình thể thao khác, các đôi bò bắt thăm từng cặp, từ vòng loại đến chung kết. Theo thể lệ, người tham gia cuộc chơi phải trải qua hai vòng hô và một vòng thả.
Người điều khiển hay còn gọi là “tài xế bò” (tiếng dân tộc gọi là Xầm – nít chí – cơ). Tài xế bò phải tuân thủ ý kiến của các trọng tài nghiêm ngặt. Nếu như trong lúc bò đang chạy mà tài xế lỡ rớt chân hoặc té sẽ bị loại ngay. Còn như đang chạy ngon lành, cặp bò lại “sanh chứng” phóng ra khỏi biên, tiếng nhà nghề gọi là “tạt” cũng bị thua.
Cuộc thi đấu càng vào vòng trong càng quyết liệt, gay cấn. Với cự ly 120 mét bò và tài xế bò lao về đích với tốc độ khủng khiếp mà dân làng thường gọi là “chạy cong đuôi”. Vào lúc này, những tiếng phèng la, chiêng, trống cùng với tiếng hò reo, cổ vũ của khán giả khiến cho đấu trường trở nên tưng bừng, náo nhiệt.
Ý nghĩa về lễ hội đua bò Bảy Núi
Theo quan niệm của người dân, đua bò có một ý nghĩa hết sức đặc biệt. Đôi bò nào giành được giải cao trong năm không những mang lại cho chủ của chúng niềm kiêu hãnh mà còn mang đến niềm vui cho cả phum sóc và hứa hẹn cho việc gieo trồng được thuận lợi, đem lại một mùa bội thu, dân làng no ấm. Sau khi thắng cuộc, giá trị đôi bò chiến thắng cũng tăng lên rất cao nhưng người Khmer không giết, không bán mà gìn giữ cặp bò chiến thắng như một tài sản quý báu của gia đình và phum sóc.