Xây dựng tín chỉ carbon rừng ở Việt Nam
Emagazines - Ngày đăng : 17:00, 24/02/2023
Phát triển thị trường carbon rừng góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đồng thời giúp người dân dần từ bỏ thói quen xâm hại rừng, ngày càng tham gia tích cực hơn vào công tác giữ gìn, bảo vệ hệ sinh thái rừng, đảm bảo sự phát triển kinh tế bền vững.
Thị trường mới với nhiều cơ hội lớn
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn việc phát triển thị trường tín chỉ carbon rừng ở Việt Nam không chỉ đúng với xu hướng của thế giới, mà sẽ góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh, đúng theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Thống kê chính Lâm nghiệp Việt Nam năm 2021 có 14.7 Tr.ha chiếm 42% độ che phủ, 2.2 Tr.ha (15%) rừng đặc dụng, 4.6 Tr.ha (32%) rừng phòng hộ, 7.8 Tr.ha (53%) rừng sản xuất. Trong đó, 60% do Nhà nước quản lý và 40% giao hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, 30.5 Tr. tCO2e –phát thải hàng năm, 2010-2020, 69.8 Tr.tCO2e – hấp thụ hằng năm, 2010-2020, 612 Tr. tấn C lưu giữ trong rừng (2020), 80% tại rừng tự nhiên, 5,800 doanh nghiệp chế biến gỗ, 515 doanh nghiệp FDI.
Phân bố trữ lượng các bon rừng thì có 80% rừng tự nhiên, 20% rừng trồng. Về chính sách giảm phát thải (GPT) và chiến lược phát triển Lâm nghiệp (PTLN) chúng ta có Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định giảm phát thải ở tất cả các lĩnh vực và phát triển thị trường carbon trong nước.
Theo ông Vũ Tấn Phương - Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (VFCO) cho biết, cam kết của Việt Nam tại COP26 về mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0" vào 2050; tham gia Tuyên bố Glasgow và cam kết giảm phát thải khí mê tan. Chiến lược BĐKH (2022), NDC (2022) hướng đến thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 và thích ứng BĐKH. Kế hoạch thực hiện Tuyên bố Glasgow đang được xem xét phê duyệt nằm đảo ngược tình trạng mất rừng. Tại Việt Nam, thị trường các bon chia làm hai loại là thị trường bắt buộc và thị trường tự nguyện.
Để thực hiện chương trình thương mại carbon trong Lâm nghiệp tại Việt Nam chúng ta cần xây dựng khung pháp lý để thúc đẩy thương mại các bon trong lâm nghiệp đối với thị trường carbon trong nước và quốc tế, đặc biệt giai đoạn đến 2027 trước khi có thị trường carbon trong nước. Cần xây dựng các tiêu chuẩn các bon cho các biện pháp giảm phát thải KNK và tăng hấp thụ các bon, xây dựng năng lực về xây dựng dự án thương mại carbon và thực hiện MRV (công cụ đánh giá các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính).
Theo đại diện Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam xác định thị trường carbon là một trong những công cụ định giá carbon hữu hiệu trong việc triển khai các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, đóng góp vào cam kết giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia (NDC). Hiện nay, đang tham gia Chương trình Sẵn sàng thực hiện thị trường carbon (PMI) cho giai đoạn từ nay đến năm 2030. Việt Nam sẽ hoàn thiện thể chế, triển khai thí điểm một số lĩnh vực để sau năm 2027 sẽ vận hành được thị trường các-bon trong nước.
Như vậy từ năm 2028, các doanh nghiệp, đơn vị phát thải lớn bắt buộc phải đầu tư các giải pháp giảm phát thải, và chi phí chắc chắn không hề nhỏ. Nếu các nhà máy, doanh nghiệp không thể giảm phát thải hoặc không tuân thủ Cơ chế giảm và bù đắp carbon, họ sẽ phải mua tín chỉ các bon để bù đắp lượng phát thải của mình.
Khi thị trường tín chỉ carbon được vận hành, một điều chắc chắn rằng tất cả các doanh nghiệp sản xuất đều không thể không xây dựng các phương án để cắt giảm phát thải. Mặt khác hệ thống này cũng sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển sang công nghệ sạch hơn, ít carbon và hiệu quả hơn.
Hiện có 46 quốc gia và 35 vùng lãnh thổ áp dụng hoặc lên kế hoạch áp dụng công cụ định giá carbon, với tổng lượng khí nhà kính được kiểm soát 12 tỷ tấn CO2 tương đương, chiếm 22,3% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Đây là hướng đi tiềm năng bởi chỉ tính riêng năm 2019, nguồn thu từ định giá carbon toàn cầu lên đến 45 tỷ USD.
Tại Việt Nam, ước tính có thể bán ra 57 triệu tín chỉ carbon cho các tổ chức quốc tế và nếu tính theo giá 5 USD/tín chỉ, mỗi năm, có thể thu về hàng trăm triệu USD. Đó là những con số rất ấn tượng hứa hẹn là nguồn tài nguyên mới.
Thực tế, lâm nghiệp là ngành không những có vai trò đặc biệt quan trọng đóng góp để thực hiện các cam kết mà còn là nguồn tài chính rất có tiềm năng thông qua thương mại carbon rừng.
Là một quốc gia có tỉ lệ che phủ rừng lớn trên thế giới, ngành lâm nghiệp Việt Nam không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp thích ứng và giảm thiểu với biến đổi khí hậu mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước, đặc biệt là khi hơn 25 triệu dân Việt Nam đang sống phụ thuộc vào rừng. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều quốc gia phát triển khác trên thế giới, công tác bảo vệ và phát triển rừng tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt khi nguồn tài chính thiếu ổn định và chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu thực tế của ngành.
Thị trường carbon đã được cộng đồng quốc tế thúc đẩy như là một trong những cơ chế tài chính hiệu quả để giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng, bảo vệ rừng và nâng cao trữ lượng carbon từ các bể chứa carbon khác như đất than bùn và đất ngập nước.
Trong giai đoạn 2017 - 2019, thế giới đã ghi nhận những dấu hiệu tích cực cho sự phát triển của thị trường carbon rừng với gần 400 triệu USD được tạo ra từ các giao dịch thị trường các bon tự nguyện toàn cầu; ít nhất 5,9 tỷ USD đã được chi trả cho các dự án bồi hoàn carbon rừng trên toàn thế giới và ít nhất 1,3 tỷ USD đã được các bên tăng cường giải ngân hoặc ký hợp đồng để hỗ trợ các nước đang phát triển bảo vệ rừng.
Tuy nhiên, các giao dịch này chưa tương xứng với tiềm năng của ngành lâm nghiệp và chịu nhiều ảnh hưởng của các luật định quốc tế về vận hành thị trường carbon.
Cụ thể hóa quy định trong Luật
Điều 139 về tổ chức và phát triển thị trường các bon là một quy định tại Luật Bảo vệ Môi trường 2020, với lộ trình vận hành chính thức từ năm 2028 quy định thị trường carbon bao gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các bon thu được từ các cơ chế bù trừ tín chỉ carbon, trong và ngoài nước mà trong các cơ chế này, Việt Nam là một trong những nước thành viên theo thỏa thuận song phương, đa phương hoặc tự nguyện.
Để hướng dẫn, triển khai thực hiện, ngày 7/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ô dôn. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ TN&MT ban hành Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành Luật BVMT về ứng phó với BĐKH. Đây là những văn bản pháp luật quan trọng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BĐKH, hiện thực hóa các các cam kết của Việt Nam về giảm KNK, khi bước sang giai đoạn thực hiện các yêu cầu bắt buộc của Thỏa thuận Paris về BĐKH.
Theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP, lộ trình thực hiện giảm nhẹ phát thải KNK đến năm 2030 được chia theo 2 giai đoạn: 2021-2025 và 2026-2030. Các Bộ quản lý lĩnh vực thực hiện các biện pháp quản lý để đạt được mục tiêu giảm nhẹ phát thải KNK của quốc gia. Đối với các cơ sở phát thải lớn, trong giai đoạn 2021-2025 chưa bắt buộc giảm phát thải đối với các cơ sở; trong giai đoạn 2026-2030, các cơ sở phát thải lớn phải thực hiện kiểm kê KNK, xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải KNK theo hạn ngạch được phân bổ phù hợp với mục tiêu giảm nhẹ phát thải KNK; được phép trao đổi, mua bán hạn ngạch phát thải KNK và tín chỉ các bon trên thị trường các bon trong nước.
Song song với lộ trình giảm phát thải khí nhà kính, lộ trình phát triển và triển khai thị trường các bon trong nước cũng được đề xuất tại Điều 17 của Nghị định, cụ thể:
Giai đoạn từ nay đến hết năm 2027: Tập trung xây dựng quy định quản lý tín chỉ các bon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các bon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ các bon; Triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các bon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; Thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các bon kể từ năm 2025; Triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường các bon.
Giai đoạn từ năm 2028: Tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ các bon chính thức trong năm 2028; Quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ các bon trong nước với thị trường các bon khu vực và thế giới.
Xây dựng và vận hành tốt thị trường các bon giúp thúc đẩy khối doanh nghiệp thực hiện các hoạt giảm nhẹ phát thải KNK tối ưu, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng các bon thấp nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Để hình thành và phát triển thị trường các bon tại Việt Nam, các chuyên gia thuộc dự án VN-PMR cho biết, các đơn vị quản lý nhà nước cần xây dựng, ban hành hệ thống kiểm kê KNK, hệ thống giám sát phát thải KNK và hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định từ cấp quốc gia cho đến cấp cơ sở phát thải, lộ trình giảm phát thải cho từng ngành/tiểu ngành... một cách minh bạch, đầy đủ và phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam. Còn các doanh nghiệp, việc nắm bắt thông tin và chuẩn bị kĩ lưỡng cho việc tham gia thị trường thông qua việc nâng cao năng lực trong các hoạt động kiểm kê KNK; đo đạc, báo cáo và thẩm định các hoạt động phát thải KNK cấp ngành, cấp cơ sở; tính toán các kịch bản giảm phát thải là việc làm cấp thiết và cần có lộ trình phù hợp.
Trên cơ sở tổng hạn ngạch phát thải KNK quốc gia, Bộ TN&MT sẽ ban hành định mức phát thải KNK trên đơn vị sản phẩm cho giai đoạn 2026-2030 và hàng năm đối với các loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh. Từ đó, và căn cứ theo kế hoạch sản xuất kinh doanh, thị trường sẽ xuất hiện các bên có nhu cầu mua hạn ngạch phát thải cũng như các bên có nguồn hàng tín chỉ giảm phát thải.
Theo lộ trình này, các doanh nghiệp trong danh mục cơ sở phát thải lớn cũng có quy định bắt buộc phải xây dựng kế hoạch giảm phát thải từ năm 2026 trở đi. Trong giai đoạn thí điểm, các ngành, các cơ sở phát thải lớn như thép, nhiệt điện, quản lý chất thải rắn, sản xuất xi măng sẽ được giao nhiệm vụ kiểm kê phát thải theo danh mục do Thủ tướng Chính phủ ban hành, đồng thời nâng cao năng lực, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để tham gia thị trường thương mại khi chính thức vận hành.
Cần sớm hoàn thiện khung pháp lý về thị trường carbon rừng
Việt Nam, với lợi thế độ che phủ rừng khoảng 42%, cùng với một cộng đồng dân cư khá đông đúc sống nhờ rừng thì việc phát triển, hình thành thị trường carbon rừng trên toàn quốc có tiềm năng rất lớn, được nhiều nhà đầu tư trên thế giới chờ đợi.
Được biết, Quảng Nam là địa phương đầu tiên được Chính phủ đồng ý cho phép lập Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các bon rừng từ giảm phát thải khí nhà kính thông qua chống mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng trong vòng 5 năm (2021-2025).
Theo đó, khi thực hiện đề án, chủ rừng (gồm các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên, đơn vị, tổ chức cá nhân trồng rừng…) sẽ được hưởng lợi khi tham gia thị trường các bon rừng. Bởi các chủ rừng này có thể quy đổi diện tích rừng đang quản lý ra lượng hấp thụ khí CO2 (Cacbon dioxit, khí gây hiệu ứng nhà kính). Giá giao dịch thông thường của thị trường quốc tế theo thời điểm hiện tại là 5 USD/tấn CO2.
Theo tính toán, với 680.000 ha rừng, độ che phủ đạt 58,6%, trong đó có 466.113 ha rừng tự nhiên, với khả năng hấp thụ khoảng hơn 11,2 triệu tấn khí carbon trong giai đoạn từ 2018-2030, mỗi năm Quảng Nam có thể thu về khoảng 5 triệu USD từ việc bán tín chỉ carbon rừng. Hiện nay, có 5 công ty nước ngoài đăng ký mua lại giấy phép/tín chỉ carbon rừng.
Trước đó, Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) đã được ký kết ngày 22/10/2020 giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT và Ngân hàng thế giới (WB). Với thỏa thuận này, Việt Nam sẽ chuyển nhượng lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn CO2e ở vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2024 cho WB với tổng số tiền 51,5 triệu USD.
Cùng với tỉnh Quảng Nam, nhiều địa phương khác cũng đang đi theo hướng bán tín chỉ carbon và đã xác định hoàn toàn có "hàng hóa CO2" từ rừng đem bán.
Theo đó, tỉnh Tuyên Quang đứng top đầu cả nước về độ che phủ rừng. Mỗi năm có khoảng 4 triệu tín chỉ carbon để bán, người mua cũng không thiếu. Tuy nhiên, để biến tín chỉ carbon thành thứ hàng hóa để sinh lời thì hiện chưa có quy định rõ ràng.
Ông Vũ Tuấn Phương - Giám đốc văn phòng chứng chỉ rừng bền vững: "Chúng ta phải có khung pháp lý quy định đầy đủ giữa các bên, có thể trao đổi với nhau phải giảm phát thải, bên nào có thể thực hiện cung cấp dịch vụ tín chỉ carbon cho bên nhu cầu giảm phát thải. Thứ hai, chúng ta cần có một năng lực nhất định để thực hiện các hoạt động báo cáo, thẩm định, giám sát. Thứ ba, tất cả các cơ sở dữ liệu phải minh bạch".
Để thay đổi thực tế trên, Tổng cục Lâm nghiệp đang tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156. Trong đó có nội dung về dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng. Khi Nghị định sửa đổi bổ sung được ban hành, sẽ tạo thêm cơ sở pháp lý trong việc thực hiện chuyển nhượng trao đổi carbon rừng.
Đẩy nhanh hành lang pháp lý và các hướng dẫn cụ thể, sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2025 mà Chính phủ đặt ra. 5 USD/tấn carbon rừng cũng mới là con số khiêm tốn so với thị trường thế giới, nhưng lại rất có thể đang nhen nhóm thêm hi vọng cho những người chăm sóc rừng.
Việc tạo ra quy định sẽ giúp Việt Nam thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, nếu chúng ta không có công cụ, chính sách, chúng ta khó có thể thực hiện được những mục tiêu này.