Hà Nội: Xử lý nghiêm tình trạng đổ trộm, đốt chất thải rắn sinh hoạt

Pháp luật môi trường - Ngày đăng : 19:00, 24/02/2023

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng, đơn vị điều tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm và chấm dứt việc đổ trộm, đốt chất thải rắn sinh hoạt; dọn sạch các khu vực bị đổ trộm chất thải, bảo đảm vệ sinh môi trường.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội vừa ban hành văn bản số 1069/STNMT-QLCTR ngày 23/2/2023 về việc kiểm tra, xử lý tình trạng đổ trộm, đốt chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP.

Theo đó, để bảo đảm vệ sinh môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND thành phố tại văn bản số 954/VP-TNMT ngày 2/2/2023; ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường tại văn bản số 932/STNMT-QLCTR ngày 17/2/2023 về việc tăng cường bảo đảm vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố. Các địa phương rác soát, kiểm tra và có kế hoạch chuyên chở hết khối lượng rác tồn đọng về khu xử lý chất thải Nam Sơn.

Đồng thời, yêu cầu các quận, huyện, thị xã khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng, đơn vị điều tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm và chấm dứt việc đổ trộm, đốt chất thải răn sinh hoạt; dọn sạch các khu vực đổ trộm chất thải, bảo đảm vệ sinh môi trường sạch sẽ.

rac-thai.jpeg
'Nhức nhối' nạn đổ trộm rác thải xây dựng ở Hà Nội. Ảnh: N.N

Được biết trong thời gian qua, theo phản ánh của báo chí, tại nhiều địa phương trên địa bàn thành phố xảy ra tình trạng đổ trộm chất thải và đốt rác thải sinh hoạt tràn lan gây ô nhiễm môi trường. Điển hình tại phường Yên Hòa, quận Cầu giấy có một bãi rác tự phát lớn, tồn tại hơn 1 năm nay những không được thu gom, vận chuyển đi xử lý, làm mất mỹ quan đô thị và gây ô nhiễm môi trường. Hay tại xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai hơn 3 tháng nay, người dân phải sống chung với ô nhiễm bởi rác thải, khiến môi trường bị ô nhiễm, sức khỏe và công việc kinh doanh của nhiều hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng… Vì vậy, công văn số 1069/STNMT-QLCTR không chỉ thể hiện sự cầu thị trong việc tiếp nhận nguồn tin mà còn thể hiện quan điểm rõ ràng về việc không nhượng bộ của Hà Nội đối với hành vi đổ trộm, đốt chất thải rắn bừa bãi làm ảnh hưởng tới môi trường trên địa bàn TP.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân làm 3 loại: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Chậm nhất ngày 31/12/2024, UBND cấp tỉnh phải quyết định việc phân loại cụ thể đối với “chất thải rắn sinh hoạt khác” (loại thứ 3) trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Đồng thời có chính sách khuyến khích việc phân loại riêng chất thải nguy hại trong chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân. Nếu phát hiện việc phân loại không đúng quy định thì đơn vị thu gom, vận chuyển có quyền từ chối thu gom, vận chuyển và thông báo cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xác định hộ gia đình, cá nhân vi phạm và xử lý nghiêm (thông qua hệ thống camera giám sát).

Minh Lâm