Dự án Thủy điện bỏ hoang ở Cao Bằng: Ngành chức năng nói gì?
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 16:08, 11/05/2017
(Moitruong.net.vn) – “Thời gian tới đây nếu như nhà đầu tư không xây dựng tiếp, chúng tôi sẽ chỉ đạo dứt khoát yêu cầu chủ dự án phải triển khai, không thể để dự án thủy điện Hoa Thám kéo dài như vậy” ông Hoàng Xuân Ánh – Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng nhấn mạnh.
Để làm rõ hơn quan điểm của tỉnh Cao Bằng về các dự án thủy điện và thủy điện bỏ hoang trên địa bàn tỉnh chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Hoàng Xuân Ánh – Chủ tỉnh UBND tỉnh Cao Bằng
Vị Chủ tịch cho biết: Từ năm 2004, bắt đầu có phong trào phát triển thủy điện nhưng thời đó công tác quản lý chưa theo kịp, trên cơ sở quy hoạch từ những năm 80 tỉnh cứ theo hướng đó và đã cấp ồ ạt các dự án thủy điện. Vì lúc đó tỉnh cũng đang muốn thu hút đầu tư nên doanh nghiệp nào xin cũng đều được hết, tỉnh cũng không biết năng lực tài chính các chủ đầu tư như thế nào, chuyên ngành lĩnh vực ra sao?
Từ năm 2005 – 2010, tỉnh Cao Bằng đã cấp ồ ạt nhiều dự án nhưng số dự án hoàn thành và đi vào hoạt động cực kỳ ít chỉ có khoảng 3-4 nhà máy, đa phần các nhà đầu tư trước đều bỏ hoặc một số có tranh chấp do quy hoạch. Sau khi làm ồ ạt như vậy tỉnh cũng đã rà soát lại và kiên quyết thu hồi những dự án thủy điện các nhà đầu tư chưa thực hiện đúng cam kết, còn những thủy điện đã xây dựng nhưng chưa hoàn thành thì vẫn phải cho xây tiếp.
Những dự án thuỷ điện bỏ hoang gây lãng phí, nếu thời gian tới không tiếp tục triển khai thì sẽ bị thu hồi.
Được biết, ngày 16/11/2007 UBND tỉnh Cao Bằng đã ban hành quyết định số 2320/QĐ-UBND về việc quy hoạch phát triển thủy điện nhỏ của tỉnh gồm 24 dự án thủy điện và 23 vị trí tiềm năng.
Đối với thủy điện Hoa Thám, ông Hoàng Xuân Ánh cho biết “ Về thủy điện Hoa Thám nhà đầu tư cũ họ không có năng lực, không có khả năng nên họ chuyển cho nhà đầu tư mới. Nhà đầu tư mới cam kết là sẽ triển khai theo đúng tiến độ, kế hoạch. Nhưng thực tế hiện nay, thủy điện Hoa Thám vẫn không được triển khai với lý do là điều kiện vận chuyển vật liệu khó khăn, giá thành cao. Nên chủ đầu tư mới đề nghị được khai thác tại chỗ, kết hợp với nạo vét lòng hồ để thuận tiện cho việc xây dựng.
Chúng tôi không đồng ý với phương án này vì rất dễ dẫn đến tình trạng lợi dụng để khai thác cát, vì lòng hồ rất nhiều cát. Nếu làm được thì phải giám sát thật chặt chẽ quy định thời gian khai thác, nhưng việc đó không thực hiện được vì việc khai thác ảnh hưởng đến môi trường và nguồn nước của người dân, tất cả các dự án khai thác trên địa bàn sông này chúng tôi đều cho dừng hết.”
“Quan điểm của tỉnh là sẽ không đánh đổi môi trường cho sự phát triển của tỉnh, cố gắng hạn chế thấp nhất ảnh hưởng tới môi trường và phương hướng phát triển trong giai đoạn mới là tập chung tìm các nhà đầu tư giải quyết được những tồn tại trước mắt của các nhà đầu tư cũ”. Ông Ánh cho biết thêm.
Ông Nguyễn Đặng (trong ảnh bên trái) Giám đốc Sở Công thương cho trao đổi với PV
Trao đổi với PV, Ông Nguyễn Đặng, Giám đốc Sở Công thương cho biết, hiện chủ đầu tư đã bỏ ra 80 tỉ đồng để thực hiện một số công việc. Việc thu hồi lại hết sức khó khăn do số tiền nhà đầu tư bỏ ra rất nhiều nếu thu hồi ai sẽ giải quyết số tiền đó, phần lớn số tiền đầu tư xây dựng thủy điện Hoa Thám là nhà đầu tư vay của quỹ Ngân hàng phát triển là 70% của ngân hàng, còn 30% là của chủ đầu tư.
Đình Tưởng