Pháp thúc đẩy sự ủng hộ liên minh hạt nhân mới ở Châu Âu

Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 16:00, 28/02/2023

Pháp sẽ tổ chức một cuộc họp của Bộ trưởng Năng lượng với 12 quốc gia khác thuộc Liên minh châu Âu (EU), để thúc đẩy một liên minh các quốc gia ủng hộ năng lượng hạt nhân trong các chính sách năng lượng của EU.

Theo mạng tin EURACTIV.fr (Pháp), Bộ trưởng năng lượng Pháp Agnès Pannier-Runacher sẽ có cuộc gặp với 12 người đồng cấp tại Stockholm để thảo luận về khả năng thành lập một “liên minh hạt nhân” hoàn toàn mới trong EU vào ngày 28/2.

Cụ thể, bà Pannier-Runacher có mặt tại Stockholm với 2 ngày đàm phán không chính thức cùng các bộ trưởng năng lượng và vận tải EU. Chương trình nghị sự là vấn đề cải cách sắp tới của thị trường điện châu Âu, một cuộc tranh luận về an ninh năng lượng trước mùa Đông tới, cũng như khả năng cạnh tranh công nghiệp của EU liên quan đến chính sách năng lượng trong tương lai.

11204210-800x450.jpg
Bộ trưởng năng lượng Pháp Agnès Pannier-Runacher (phải). Ảnh: EPA

Nhân dịp này, Pháp có kế hoạch nêu ra vấn đề về năng lượng hạt nhân. Theo Văn phòng Bộ trưởng Pháp, bà Pannier-Runacher sẽ cùng các bộ trưởng năng lượng EU và Ủy ban châu Âu để thảo luận về một “liên minh hạt nhân” trong EU.

Cùng với Pháp, các bộ trưởng tham gia cuộc họp tại Stockholm đến từ Bulgaria, Croatia, CH Séc, Phần Lan, Hungary, Italy, Hà Lan, Ba Lan, Romania, Slovakia, Slovenia và Thụy Điển.

phap-thuc-day-su-ung-ho-nang-luong-hat-nhan-trong-eu-20230228024533.jpg
Nhà máy điện hạt nhân Tricastin, ở Saint-Paul-Trois-Chateaux, Pháp. Ảnh: Reuters/Eric Gaillard.

Đây là một dự án mà Bộ trưởng năng lượng Pháp được cho là sẽ kêu gọi “bằng cả trái tim” để khẳng định “sự đóng góp của năng lượng hạt nhân cho các mục tiêu khí hậu và an ninh năng lượng ở châu Âu”, thông báo từ văn phòng của bà Pannier-Runacher cho biết.

Các quốc gia như Pháp, Thụy Điển và Hungary đã sử dụng năng lượng hạt nhân, trong khi Ba Lan muốn xây dựng các lò phản ứng đầu tiên. Áo và Luxembourg phản đối nguồn năng lượng này, với lý do lo ngại về chất thải phóng xạ và an toàn. Một số nước khác, trong đó có Đức, đang loại bỏ dần các lò phản ứng hạt nhân.

Sự bất đồng về cách xử lý năng lượng hạt nhân đã làm trì hoãn các cuộc đàm phán về các mục tiêu năng lượng tái tạo mới của EU, sau khi Paris thúc đẩy việc đưa hydro có nguồn gốc từ năng lượng hạt nhân vào các mục tiêu năng lượng carbon thấp và năng lượng tái tạo.

Pháp đã gửi đi thông điệp hy vọng sẽ xây dựng liên minh mới dựa trên những bước tiến mới nhất của những người ủng hộ hạt nhân.

Cẩm Anh