Bảo vệ môi trường trong gìn giữ, phát triển văn hóa du lịch cộng đồng

Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 18:00, 28/02/2023

80 năm đã qua, những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo – những giá trị cốt lõi của Đề cương văn hóa (1943)- Văn kiện mang tầm vóc cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta về Văn hóa vẫn giữ nguyên giá trị.

Việc tuyên truyền kỷ niệm 80 năm ra đời "Đề cương về Văn hóa Việt Nam" là một sự kiện sinh hoạt lớn, rất quan trọng, có ý nghĩa sâu sắc và là nội dung luôn được cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, nhất là lực lượng các nhà nghiên cứu, chuyên gia, nhà quản lý văn hóa, đội ngũ trí thức, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ quan tâm.

tbt-nguyen-phu-trong.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc

Bài phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, ngày 24/11/2021 là dấu mốc quan trọng của lĩnh vực văn hóa. Tại Hội nghị này, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu kết luận quan trọng nhằm tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới.

Trong bài phát biểu của Tổng Bí thư có chỉ ra rằng: Nghĩa hẹp: thì văn hoá là những hoạt động tinh thần của một xã hội, gồm có những lĩnh vực: giáo dục, khoa học, văn học, nghệ thuật, đạo đức (lối sống, cách cư xử, ứng xử giữa người với người,...). Văn hoá cũng bao gồm cả văn hoá vật thể (các di tích lịch sử, các công trình văn hoá, di sản văn hoá, những sản phẩm văn hoá: Kim tự tháp, đình, chùa, miếu thờ,...) và phi vật thể (ca dao, dân ca, hò vè, lễ hội; các phong tục, tập quán của mỗi quốc gia, mỗi vùng miền, mỗi dân tộc, mỗi địa phương...). Văn hoá chúng ta bàn ở đây chủ yếu là theo nghĩa hẹp.

Du lịch cộng đồng nơi lưu giữ hồn văn hóa Việt Nam

Việc phát triển du lịch cộng đồng chính là Khai thác giá trị văn hóa làng nghề truyền thống là một trong những khía cạnh được Tổng Bí thư nhắc đến trong bài phát biểu.

Lịch sử nông thôn Việt Nam gắn liền với các thôn xóm và các làng nghề. Đó là những đặc trưng cơ bản trong truyền thống kinh tế, văn hóa của xã hội nông thôn Việt Nam. Các làng nghề là cầu nối giữa nông nghiệp và công nghiệp, giữa nông thôn và thành thị, giữa truyền thống và hiện đại và là nấc thang phát triển quan trọng trong tiến trình xây dựng nông thôn mới ở nước ta. Làng nghề truyền thống đã góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người lao động.

le-hoi.jpg
Lễ hội rước Mẫu đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La Tuyên Quang ra đời và tồn tại từ lâu đời gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu

Làng nghề du lịch là một không gian lãnh thổ nông thôn, ở đó người dân không những tổ chức sản xuất một hoặc một số sản phẩm thủ công truyền thống mà còn cung cấp các dịch vụ phục vụ và thu hút khách du lịch. Phát triển du lịch làng nghề được coi là một hướng đi rất quan trọng để gìn giữ, giới thiệu, bảo tồn và tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc, của quốc gia. Phát triển mô hình du lịch làng nghề còn có tác dụng hỗ trợ đắc lực cho khu vực nông thôn chuyển dịch cơ cấu phát triển kinh tế theo hướng phát triển bền vững trong tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ sản phẩm trong nước cũng như trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, ở mỗi làng nghề du lịch là sự kết hợp với tìm hiểu văn hóa, tín ngưỡng và phong tục tập quán của bản thân làng nghề đó, để có thể tìm ra những nét độc đáo, gây ấn tượng cho du khách. Nếu trong một chương trình du lịch đúng dịp làng nghề tổ chức các lễ hội tôn vinh tổ nghề thì đó sẽ là dịp may hiếm có cho du khách và không thể bỏ qua. Các công ty du lịch cần tận dụng tốt những cơ hội như vậy để sắp xếp chương trình và thực hiện đan xen vào những điểm du lịch khác.

Du lịch làng nghề không chỉ đơn thuần là đến xem các nghệ nhân làng nghề làm ra sản phẩm, hay đến mua sắm, tham quan làng nghề mà khách du lịch còn mong muốn được tìm hiểu những giá trị nhân văn trong nó, những giá trị phi vật thể tồn tại hàng ngàn năm. Vì vậy, để đáp ứng được nhu cầu khách du lịch thì nên tổ chức, khôi phục lại các lễ hội làng nghề để thấy được xuất xứ làng nghề, ông tổ đã sinh ra nghề... và thấy được nét đẹp trong nghề đó. Kinh nghiệm của một số nước trên thế giới khi khai thác các làng nghề hoặc lễ hội truyền thống làm sản phẩm kinh doanh du lịch là họ sử dụng hình thức “3 cùng” gần giống với mô hình “homestay”.

Đó là khách du lịch “ăn cùng, ở cùng và làm cùng” với những người dân bản địa của một làng nghề truyền thống nào đó. Với hình thức này, việc kéo khách du lịch cùng hòa vào cuộc sống của người dân bản địa sẽ làm cho thời gian của một chương trình du lịch được dài hơn. Đồng thời sự hứng thú đối với khách du lịch sẽ được tăng lên khi chính họ tận hưởng thành quả do chính bàn tay mình làm ra dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân làng nghề.

Một điều dễ nhận thấy là khách du lịch quốc tế đi du lịch Việt Nam thường rất thích tìm hiểu phong tục, tập quán, lối sống của con người Việt Nam, chính vì thế, những chương trình du lịch làng nghề sẽ là cách hay nhất để giới thiệu với bạn bè quốc tế về một Việt Nam đang cố gắng gìn giữ những di sản cha ông để lại và phát huy, sáng tạo nó. Khách đến tham quan làng nghề sẽ được tận mắt chứng kiến những tinh hoa mà cha ông ta để lại và được biết nhiều hơn về văn hóa, lối sống của con người Việt Nam ở mỗi một vùng quê..

Việt Nam có tiềm năng rất to lớn về làng nghề, sản xuất làng nghề và du lịch làng nghề. Đặc biệt, có những làng nghề, phố nghề tồn tại đến cả nghìn năm tuổi. Truyền thống lịch sử về phát triển làng nghề lâu đời, làng nghề truyền thống của là nguồn “tài sản” quý giá của dân tộc ta, đất nước ta. “Tài sản” đó không chỉ mang ý nghĩa kinh tế - xã hội mà còn thể hiện nền văn minh độc đáo của dân tộc Việt Nam. Sự phát triển của các làng nghề, đặc biệt là các làng nghề truyền thống hiện nay là một xu hướng tất yếu khách quan.

Dưới góc độ của du lịch, làng nghề truyền thống chính là tài nguyên du lịch nhân văn, nó đã góp phần tạo ra sự phong phú, đa dạng, có giá trị cho sản phẩm du lịch trên hai phương diện. Đó là, những điểm tham quan du lịch và các sản phẩm của làng nghề cũng chính là sản phẩm phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, phát triển du lịch làng nghề trong thời gian qua còn mang tính tự phát. Số làng nghề được chọn làm điểm du lịch còn hạn chế so với số lượng các làng nghề truyền thống hiện nay. Phần lớn các làng nghề được đầu tư về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, khả năng tổ chức, quản lý, vốn kiến thức thị trường và kỹ năng marketing, truyền thông ở địa phương còn thiếu và yếu.

Bản thân các làng nghề thủ công truyền thống chưa thể tự điều tra, khảo sát nhu cầu khách du lịch, trong khi các tổ chức, hiệp hội làng nghề chưa khẳng định được vai trò của mình trong việc định hướng bảo tồn, phát triển du lịch làng nghề. Do vậy, để duy trì làng nghề, sản phẩm mang bản sắc văn hóa đích thực thì phải tạo môi trường tốt cho thợ thủ công, nghệ nhân sáng tạo và tôn vinh giá trị văn hóa nghề của họ... Để phát triển du lịch làng nghề, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành để thực hiện khâu tổ chức tiếp thị, hướng dẫn, phát triển du lịch làng nghề.

du-lich.jpg
Du lịch cộng đồng mang lại cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị.

Hiện nay có hai mô hình làng nghề du lịch đang được đầu tư phát triển. Một là, phát huy làng nghề truyền thống trên cơ sở vốn có tồn tại từ xa xưa của địa phương. Hai là, các doanh nghiệp đầu tư xây dựng khu du lịch rồi đưa mô hình làng nghề vào đó rồi phục dựng không gian truyền thống để khai thác các giá trị sản phẩm văn hóa. Như vậy, các địa phương, tùy theo từng đặc điểm, quy hoạch của mỗi làng nghề mà lựa chọn mô hình phù hợp. Tuy nhiên, để phát triển bền vững du lịch làng nghề truyền thống, cần sự hỗ trợ đồng bộ của các cấp chính quyền, các ngành hữu quan, sự thống nhất trong các chủ trương, chính sách của Nhà nước và các giải pháp nhằm khuyến khích, hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển loại hình du lịch làng nghề trong hiện tại và tương lai của Việt Nam.

Đồng thời, người dân cần được giáo dục ý thức, nâng cao nhận thức đúng và đủ về du lịch cộng đồng, hiểu về du lịch cộng đồng sẽ tạo ra công ăn việc làm, đảm bảo sinh kế, nâng cao thu nhập để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làng nghề của địa phương. Người dân cần nhận thức được vấn đề này và hiểu được các hạn chế còn tồn tại trong phát triển du lịch cộng đồng có thể là những nhân tố làm tổn thương đến danh dự, đến niềm tự hào về truyền thống của địa phương, ảnh hưởng tới tài nguyên và đến việc làm của chính họ. Đây chính là hướng đi khai thác làng nghề truyền thống với phát triển du lịch cộng đồng một cách bền vững.

Phát triển du lịch cộng đồng đi đôi với bảo vệ môi trường

Muốn du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng phát triển, ngoài những yếu tố về văn hóa, con người, ẩm thực…thì yếu tố cũng rất quan trọng là cảnh quan và môi trường. Môi trường có xanh – sạch – đẹp thì mới tạo được ấn tượng với du khách, vừa tạo ra môi trường sống trong lành cho cộng đồng.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững, không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần; đặt các tài liệu truyền thông, thông điệp bảo vệ môi trường, tại các khu vực công cộng. Bên cạnh đó, địa phương còn thành lập bộ phận hoặc phân công cán bộ phụ trách bảo vệ môi trường; xây dựng, ban hành quy chế bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch; bố trí đặt các thùng rác ở nơi thuận tiện cho khách du lịch, có bảng hướng dẫn phân loại rác; bố trí lực lượng thu gom, phân loại, xử lý rác thải theo quy định.

Hương Nguyễn