Trung Quốc: Năng lượng tái tạo đang bị đe dọa
Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 08:30, 01/03/2023
Trong vài năm gần đây, Trung Quốc đã chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo nhờ một sáng kiến đầy tham vọng với mục tiêu tăng công suất năng lượng tái tạo của nước này.
Hiện nay, năng lượng tái tạo chiếm 31,3% tổng công suất cung cấp điện của Trung Quốc. Năm ngoái, Trung Quốc đã lắp đặt 152 gigawatt (GW) công suất tái tạo, tương đương 76,2% tổng công suất năng lượng mới.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của ngành năng lượng tái tạo ở Trung Quốc đang phải cạnh tranh trong việc sử dụng đất với các ngành khác, đặc biệt là nông nghiệp. Do đó, ngày càng khó sở hữu quyền sử dụng đất để lắp đặt các tấm pin mặt trời, đặc biệt là ở các khu vực phía đông và trung tâm của Trung Quốc. Những hạn chế của chính quyền trong việc sử dụng đất đã được chính quyền địa phương áp dụng cứng nhắc. Điều này gây khó khăn cho các nhà phát triển dự án năng lượng tái tạo.
Để đảm bảo sự phát triển nhanh chóng của ngành năng lượng tái tạo ở Trung Quốc. Cơ quan Quản lý Năng lượng Quốc gia (NEA) kêu gọi hỗ trợ chính sách bổ sung cho sự phát triển của ngành năng lượng tái tạo của đất nước, vốn đang gặp khó khăn ngày càng tăng trong việc lắp đặt các tấm pin mặt trời, đặc biệt là ở các vùng nông thôn.
Trung Quốc cần dỡ bỏ các rào cản xây dựng, đồng thời thúc đẩy tích hợp mạng lưới điện nhằm đảm bảo các cơ sở năng lượng mặt trời và gió quy mô lớn đầu tiên được đưa vào vận hành đúng thời hạn. Quốc gia này đặt mục tiêu xây dựng 450 GW công suất phát điện từ năng lượng mặt trời và gió ở Gobi và các vùng sa mạc khác, cũng như tăng tổng công suất năng lượng gió và mặt trời lên ít nhất 1.200 GW vào năm 2030, đồng thời hạn chế lượng khí thải carbon.
Trung Quốc cũng cam kết năng lượng tái tạo sẽ chiếm hơn 50% công suất phát điện của quốc gia vào năm 2025. Để đạt được mục tiêu, điều quan trọng là chính quyền Trung Quốc phải thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo sự phát triển liên tục của các nguồn năng lượng tái tạo.