Bộ đội Biên phòng Nghệ An giúp dân làm tốt công tác bảo vệ môi trường

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 15:30, 01/03/2023

Tự hào khoác lên mình màu xanh áo lính, những người lính biên phòng xứ Nghệ đã và đang chung tay, góp sức xây dựng quê hương, biên giới bình yên, giữ vững chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc và giúp dân làm tốt công tác bảo vệ môi trường.

Nghệ An có đường biên giới trên bộ dài 468,281km, tiếp giáp với 3 tỉnh của nước bạn Lào (Hủa Phăn, Xiêng Khoảng và Bôlykhămxay), khu vực biên giới đất liền gồm 6 huyện, 27 xã, với 7 thành phần dân tộc (Kinh, Thái, Mông, Khơ Mú, Thổ, Hoa Kiều, Ơ Đu), có trên 136.736 nhân khẩu; đường biên giới biển dài 82 km, khu vực biên giới biển gồm 05 huyện, thị xã, với 34 xã, phường, có trên 326.712 nhân khẩu.

Tại khu vực biên giới, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao, chiếm từ 40-55% dân số nên ý thức bảo vệ môi trường chưa cao đặc biệt là việc vứt rác bừa bãi, nuôi nhốt trâu bò dưới nhà sàn của bà con đồng bào dân tộc thiểu số gây ô nhiễm, ảnh hưởng sức khỏe. Thói quen đốt nương làm rẫy, chặt phá rừng, săn bắn dộng vật hoang dã, quý hiếm…vẫn còn diễn ra. Trên tuyến biển, còn tồn tại tình trạng tranh chấp ngư trường, hoạt động đánh bắt sai vùng tuyến, sử dụng kích điện gây hủy hoại nguồn lợi và tài nguyên khác trên biển…

W_nghe-an-1-.jpg
W_nghe-an-3-.jpg
Đồn Biên phòng Môn Sơn phối hợp Hội sinh viên Trường Đại học Vinh tặng công trình nước sạch phục vụ sinh hoạt cho đồng bào Đan Lai tại bản Cửa Rào, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông

Trước tình hình đó, từ đầu năm 2022 đến nay, BĐBP tỉnh Nghệ An đã tham mưu, phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương và các lực lượng liên quan tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân về chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các văn bản liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới... Đẩy mạnh tuyên truyền các hành vi sử dụng ngư cụ cấm, thuốc nổ để đánh bắt hải sản; mua bán, sử dụng lâm sản trái phép; tuyên truyền người dân tích cực chung tay bảo vệ môi trường... Kết quả đã tổ chức tuyên truyền tập trung được 736 buổi/57.346 lượt người; qua loa phóng thanh 392 giờ; qua loa kéo 265 giờ; phát 25.000 tờ rơi...

Nhằm giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường chống biến đổi khí hậu, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An thường xuyên phối hợp cùng địa phương tổ chức hoạt động bảo vệ môi trường như: phát quang, quét dọn, khơi thông cống rãnh và dọn vệ sinh khu vực cổng trường học, chợ, các khu dân cư trên địa bàn. Phong trào được duy trì thường xuyên, liên tục nhằm tạo ra môi trường xanh sạch đẹp ở các bản, làng.

W_nghe-an-4-.jpg
W_nghe-an-5-.jpg
Đồn BP Môn Sơn phối hợp với địa phương tổ chức Lễ bàn giao công trình đường ống dẫn nước sinh hoạt cho đồng bào Đan Lai tại bản Cửa Rào, xã Môn Sơn.

Đồng thời qua các hoạt động bảo vệ môi trường kết hợp tuyên truyền sâu rộng hơn nữa đến người dân góp phần nâng cao ý thức trong những việc làm thiết thực và cụ thể như: phải thực hiện tiết kiệm điện, nước mọi lúc, mọi nơi. Khuyến khích mọi người sử dụng những bóng đèn tiết kiệm năng lượng, tắt điện, quạt khi không sử dụng, sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, không vứt xác động vật chết, rác thải xuống sông suối, kênh mương…

Vận động bà con, đặc biệt là bà con đồng bào dân tộc thiểu số không nuôi gia súc, gia cầm dưới sàn nhà, làm chuồng trại chăn nuôi xa nhà, làm nhà vệ sinh hợp lý; không chặt phá rừng, săn bắn động vật quý hiếm...

W_nghe-an-2-.jpg
W_nghe-an-7-.jpg
Chiến sĩ Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An thường xuyên phối hợp cùng địa phương tổ chức hoạt động bảo vệ môi trường như: phát quang, quét dọn, khơi thông cống rãnh

Bên cạnh tuyên truyền, vận động người dân chung tay bảo vệ môi trường trong những năm qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An tích cực quyên góp, vận động các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp tài trợ kinh phí xây hàng chục công trình nước sạch, giếng nước khoan, bảo đảm nước sạch sinh hoạt cho nhân dân, cho các nhà trường trên địa bàn biên giới.

Trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, các đơn vị tuyến biển BĐBP tỉnh Nghệ An thường xuyên phối hợp với địa phương tổ chức ra quân thực hiện Chiến dịch “Hãy làm sạch biển” trên địa bàn các đơn vị; kết quả có trên 117 buổi/3.513 lượt cán bộ, ĐVTN, học sinh, nhân dân trên địa bàn tham gia, làm sạch được 15,1 km bờ biển và thu gom được trên 5,5 tấn rác thải các loại.

Phối hợp địa phương, các nhà trường, tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”; trồng được 9.085 cây xanh các loại tại các địa điểm trong khuôn viên đơn vị và trên địa bàn đóng quân.

nghe-an-6-.jpg
Đồn BP Môn Sơn phối hợp địa phương tổ chức Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ

Năm 2022, các đơn vị đã chủ trì, phối hợp bắt giữ, xử lý 487 vụ/766 đối tượng phạm tội các loại, trong đó có vi phạm về lĩnh vực môi trường, thu giữ 20,038 m3 gỗ các loại; 44 kg thuốc nổ; 04 khẩu súng; 196 kíp nổ; 2.000 lít dầu thải; 21 bộ kích điện và một số tang vật khác. Vận động thu hồi 132 khẩu súng (114 khẩu súng kíp, 18 khẩu súng cồn), 07 nòng súng kíp...

Trong thành tích chung của Bộ đội Biên phòng Nghệ An về công tác bảo vệ môi trường có sự đóng góp tích cực của Đồn Biên phòng Môn Sơn thuộc huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Đây là lực lượng nòng cốt, chuyên trách bảo vệ 36,5 km đường biên, 07 cột mốc và địa bàn xã Môn Sơn thuộc vùng sâu, vùng xa biên giới.

Những năm qua Đảng, Nhà nước các cấp, các ngành đã có nhiều chủ trương, chính sách, đầu tư nhiều dự án xây dựng và phát triển KT-VH- XH, nên đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương ngày càng được cải thiện; nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành tốt các chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương; ý thức bảo vệ môi trường của nhân dân ngày càng được nâng lên.

Đóng quân vùng sâu vùng xa biên giới, đơn vị luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh; Sự phối hợp chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể; CBCS có nhận thức cao về công tác bảo vệ môi trường, coi đây là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng trong công tác bảo vệ chủ quyền ANBG, xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh.

Bên cạnh đó vẫn còn những khó khăn cụ thể là về nguồn nước sạch, hiện tại cán bộ chiến sỹ của Đồn vẫn đang dùng nước chảy tự nhiên nên chất lượng nước không đảm bảo vệ sinh. Đơn vị vẫn mong muốn có được nguồn đầu tư máy lọc hoặc xây dựng hệ thống lọc nước để có nguồn nước sạch anh em sử dụng trong sinh hoạt nhằm đảm bảo sức khỏe cho cán bộ chiến sỹ.

Nhân dân trên địa bàn đời sống kinh tế - xã hội khó khăn, trình độ dân trí thấp; các phong tục tập quán có nơi còn lạc hậu; cơ sở hạ tầng còn thấp, sự quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường của một số bộ phận không nhỏ của người dân còn ít. Công tác thu, gom, xử lý rác thải trong khu vực dân cư còn nhiều hạn chế bất cập; ý thức tự bảo vệ môi trường của người dân trên địa bàn nhìn chung còn thấp; Tình trạng vi phạm về bảo vệ tài nguyên, môi trường vẫn thường xuyên xảy ra.

Trong nhiều năm qua, đơn vị đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương xã Môn Sơn tập trung chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn về chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; Luật Biên phòng Việt Nam, Luật tài nguyên môi trường, phòng chống khai thác lâm sản trái phép, săn bắt động vật hoang dã, dùng kích điện đánh bắt cá trên sông suối ... được hàng chục buổi với hàng ngàn lượt người dự nghe.

Công tác tuyên truyền được thực hiện với nhiều hình thức phong phú, như: Tổ chức tuyên truyền tập trung, tuyên truyền trực quan (như Pa nô, áp phích), tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, gắn với các hoạt động nhân Kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới 5/6, Tuần lễ Quốc gia về Nước sạch và vệ sinh Môi trường (29/4 - 6/5), Chiến dịch làm cho Thế giới sạch hơn (20/9) ... Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động người dân đã tự giác giao nộp 11 bộ kích điện, năm 2023 không có các vụ việc khai thác lâm sản xẩy ra.

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng Đồn trưởng Đồn Biên phòng Môn Sơn BĐBP Nghệ An cho biết: “ Công tác tuyên truyền về bảo vệ tài nguyên môi trường luôn gắn với các cuộc vận động của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Các tiêu chí, chỉ tiêu về môi trường được thể hiện cụ thể trong bảng điểm xét công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”; trong xây dựng thực hiện hương ước, quy ước, cam kết về bảo vệ môi trường của cộng đồng dân cư. Các hoạt động phát triển môi trường xanh - sạch - đẹp được các bản và nhân dân đồng tình hưởng ứng tích cực”.

Đơn vị cũng tổ chức thực hiện nền nếp, có hiệu quả các hoạt động về môi trường như: Tết trồng cây, tuần lễ quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường, chương trình chung tay làm sạch thế giới ... bằng các hoạt động thiết thực, như thu gom rác thải, vệ sinh môi trường, khơi thông cống, rãnh, mương thoát nước, thực hiện tốt phong trào “thứ 7 tình nguyện”, “ngày chủ nhật xanh”.

Đầu năm 2023 đơn vị đã trồng 50 cây xanh, phối hợp với chính quyền địa phương trồng trên 100 cây nhân dịp tết trồng cây; phối hợp thu gom rác thải, khơi thông cống, rãnh, phát quan đường làng ... 22 đợt/127 lượt CBCS tham gia.

Ngoài ra đơn vị đã phát huy tốt vai trò giám sát trong công tác bảo vệ môi trường của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội và cộng đồng dân cư, thực hiện tốt công tác thông tin, truyền thông về nước sạch trong trường học, trạm xá và cộng đồng dân cư và đã đạt được những kết quả nhất định.

Cụ thể, người làm nông nghiệp được hướng dẫn sử dụng hoá chất hợp lý trên đồng ruộng theo nguyên tắc “4 đúng”; xây dựng các lò gom và đốt bao bì của hoá chất ở các cánh đồng đúng quy định; kiểm soát việc sử dụng hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hoá học dùng trong nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản; hạn chế sử dụng các loại phân và thuốc bảo vệ thực vật có hàm lượng hóa chất cao trong canh tác nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản; khuyến khích sử dụng các sản phẩm thay thế (túi ni lông) thân thiện với môi trường.

Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức củngười dân về bảo vệ môi trường, hướng dẫn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ xử lý chất thải bằng phương pháp như: Xây hầm biogas, xử lý bằng men sinh học, đệm lót sinh học nhằm tạo điều kiện cho các nông hộ vừa tiếp tục chăn nuôi trong khu dân cư, đảm bảo các chỉ tiêu môi trường; đồng thời, triển khai ký cam kết giữa các hộ dân với chính quyền cơ sở về đảm bảo môi trường. Đặc biệt đơn vị đã vận động các nhà tài trợ đầu tư xây dựng 2 công trình nước sạch cho bà con nhân dân và học sinh trên địa bàn.

Với sáng kiến Xây dựng mô hình “đồng hành cùng ký túc xá vùng biên”, đơn vị đã hướng dẫn 72 cháu học sinh tộc người Đan Lai đang học tập tại trường Trung học cơ sở (THCS) Môn Sơn về kỷ năng sống, sớm làm quen, hòa nhập cộng đồng, nâng cao thể lực, trí lực … tạo cơ hội cho các cháu phát triển toàn diện, trở thành những công dân có ích cho xã hội.

Trên cơ sở đó đơn vị trực tiếp tuyên truyền cho các cháu về cách bảo vệ rừng, ngăn chặn các hành vi săn bắt động vật hoang dã, sử dụng kích điện trái phép ...để thông qua các cháu về tuyên truyền cho gia đình trong công tác phòng chống tại 02 bản tại bản Búng và bản Cò Phạt đây là 2 bản thường xuyên có các hoạt động vi phạm về tài nguyên và môi trường).

Từ năm 2022 đến nay đơn vị đã tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, quản lý chặt chẽ tình hình địa bàn, biên giới; qua đó đã phát hiện bắt giữ 04vụ/4 đối tượng có hành vi dùng kích điện đánh cá trên sông; 01 vụ/01 đối tượng vận chuyển trái phép lâm sản, động vật hoang dã; tang vật thu được 04 bộ kích điện; 05kg cá thể lợn rừng; xử lý hành chính nộp vào kho bạc nhà nước 17.000.000 đồng.

Kế Hùng