Quảng Nam: Xây dựng nền tảng sinh kế bền vững từ rừng
Kinh tế - Ngày đăng : 20:00, 02/03/2023
Tạo sinh kế nhờ tiềm năng từ rừng tự nhiên
Quảng Nam có diện tích rừng tự nhiên lớn đứng thứ 2 cả nước, được đánh giá có nhiều tiềm năng và lợi thế trong phát triển rừng tự nhiên, nhất là tạo cơ hội khai thác hiệu quả nguồn sinh kế cho người dân dưới tán rừng.
Từ những hưởng lợi tích cực này, thời gian qua, nhiều mô hình cộng đồng và doanh nghiệp tham gia quản lý, bảo vệ rừng được mở rộng, thúc đẩy nền kinh tế phát thải thấp và tăng trưởng xanh.
Khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam sở hữu hệ sinh thái rừng tự nhiên phong phú để phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Nhận thấy sâm ba kích mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa nâng độ che phủ rừng.
Những năm gần đây, đồng bào Xơ Đăng ở huyện miền núi Nam Trà My vẫn duy trì và nhân rộng thêm nhiều diện tích các cây dược liệu quý như quế, đảng sâm, đương quy, giảo cổ lam, lan kim tuyến, sơn tra, thất diệp nhất chi hoa, sa nhân…bên cạnh sâm Ngọc Linh. Theo thống kê, tại huyện miền núi này có khoảng 1.500 hộ dân tham gia trồng và phát triển cây dược liệu các loại với gần 400 ha theo quy hoạch trồng dược liệu của tỉnh.
Tại phiên chợ sâm Ngọc Linh và hàng nông sản đặc trưng miền núi hàng tháng được tổ chức, người dân đã khai thác và đem sản phẩm đến chợ để tiêu thụ, bình quân mỗi phiên chợ khoảng 500kg dược liệu được bán ra. Giá cả dược liệu mỗi ngày mỗi tăng, người dân ở đây đổi đời từ đó. Xe mô tô thì nhà nào cũng có, có gia đình còn xây được căn nhà giá cả tỷ đồng, sắm sửa máy vi tính, dụng cụ cho con đi học.
Ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, phát triển dược liệu là hướng đi mang tính bền vững, hiệu quả cao. Theo đánh giá bước đầu, các cây dược liệu trồng dưới tán rừng trên địa bàn huyện sinh trưởng và phát triển tốt mang lại thu nhập đáng kể cho người dân miền núi. Hiện nay, các nhà khoa học, các doanh nghiệp đã tập trung vào việc đầu tư nghiên cứu áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng sâm, sản xuất sản phẩm từ sâm.
“Đồng bào trồng sâm trên địa bàn huyện đã ý thức được việc trồng sâm đi đôi với bảo vệ và phát triển rừng, vì cây sâm chỉ sống dưới tán rừng nguyên sinh”- ông Dũng khẳng định.
Tăng cường trồng dược liệu gắn với bảo vệ rừng
Tại Quảng Nam, tổng diện tích cây dược liệu qua thống kê khoảng 2.471ha, chủ yếu trồng ở các huyện miền núi. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Hồ Quang Bửu, địa phương hiện là một trong 8 vùng dược liệu lớn nhất nước, giá trị nhất vẫn là “Quốc bảo” sâm Ngọc Linh.
Quảng Nam đã xác định đẩy mạnh việc trồng cây sâm Ngọc Linh nói riêng và các cây dược liệu nói chung tại các huyện trung du, miền núi... là hướng ưu tiên để phát triển kinh tế trong những năm đến. Do đó, nhiều năm nay, Quảng Nam ban hành các chủ trương, chính sách để bảo tồn, khuyến khích phát triển ở khu vực có điều kiện, nhất là phát triển cây dược liệu dưới tán rừng gắn với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Thực hiện Nghị Quyết 09/2022/NQ-HĐND, ngày 21/4/2022 quy định cơ chế khuyến khích bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh và cây dược liệu khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 – 2025, địa phương đã đề ra các giải pháp giữ rừng có hiệu quả, tỉnh gắn với phát triển kinh tế dưới tán rừng. Theo đó, sẽ hỗ trợ về giao môi trường rừng đối với hộ, nhóm hộ, tổ hợp tác được nhận khoán, quản lý, bảo vệ rừng ở phân khu phục hồi sinh thái, phân khu hành chính dịch vụ trong rừng đặc dụng và rừng phòng hộ theo quy hoạch và kế hoạch giao khoán để quản lý, bảo vệ rừng kết hợp trồng Sâm dưới tán rừng.
Với phương pháp gắn quyền lợi với trách nhiệm đã phát huy tốt ý thức của người dân trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Thực tế, tại huyện Nam Trà My, cả ngàn héc ta rừng tái sinh đã sinh trưởng tốt. Những hộ dân chuyên trồng dược liệu, nhất là sâm Ngọc Linh ươm giống cây bản địa để trồng tại chỗ. Thiết lập những đai rừng đệm quanh vùng dược liệu Trà Linh đã phục hồi nguyên trạng môi trường, tiểu khí hậu và thổ nhưỡng để mở rộng diện tích trồng sâm Ngọc Linh và cây dược liệu khác.
Theo ông Đỗ Hữu Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang: Cơ chế khuyến khích bảo tồn, phát triển Sâm Ngọc Linh và cây dược liệu khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022-2025 đang tiếp tục mở ra hướng sinh kế gắn với bảo vệ rừng cho người dân đồng bào. Thời gian tới, địa phương tiếp tục mở rộng diện tích các loài cây dược liệu chè dây, ba kích tím, đảng sâm, sa nhân tím, quế…. Đồng thời, tăng cường công tác mời gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã để triển khai thực hiện các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi từ trồng rừng, cấp chứng chỉ rừng, khai thác rừng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; thực hiện các dự án quản lý bảo vệ rừng.
Với hơn nửa triệu héc ta rừng tự nhiên, Quảng Nam là địa phương có diện tích rừng nguyên sinh lớn nhất khu vực. Để nâng độ che phủ của rừng lên 69%, tỉnh Quảng Nam đang tập trung phát triển cây dược liệu ở miền núi, xây dựng các nhà máy chế biến tại vùng nguyên liệu. Khi người dân hưởng lợi từ rừng, làm giàu dưới tán rừng, tất yếu sẽ gắn bó với rừng, giữ rừng.