Xây dựng hệ thống quan trắc khí tượng, thủy văn và giám sát tự động nguồn nước sông Hồng - Thái Bình
Nước và cuộc sống - Ngày đăng : 14:30, 03/03/2023
Tại buổi lễ công bố Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng-Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ Tài nguyên và Môi trường diễn ra ngày 2/3, ông Nguyễn Minh Khuyến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, đây là quy hoạch thứ 4/13 Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông lớn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Quy hoạch nhằm mục tiêu bảo đảm an ninh nguồn nước trên lưu vực sông, tích trữ, điều hòa, phân bổ tài nguyên nước một cách công bằng, hợp lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả gắn với bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước nhằm đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường.
Cụ thể, đến năm 2030, 100% các vị trí duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông được giám sát, có lộ trình giám sát tự động, trực tuyến phù hợp; 100% các nguồn nước liên tỉnh được công bố khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải; 100% công trình khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước được giám sát vận hành và kết nối hệ thống theo quy định; 100% hồ, ao có chức năng điều hòa, có giá trị cao về đa dạng sinh học, lịch sử, văn hóa không được san lấp được công bố và quản lý chặt chẽ...
Đến năm 2050, Quy hoạch đặt mục tiêu duy trì, phát triển tài nguyên nước, điều hòa, phân bổ nguồn nước bảo đảm an ninh nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và phù hợp với các điều ước quốc tế, hợp tác song phương liên quan đến tài nguyên nước mà Việt Nam đã tham gia.
Theo ông Nguyễn Minh Khuyến, Quy hoạch cũng đưa ra 3 nhóm giải pháp quan trọng để thực hiện trong thời gian tới. Trong đó tập trung vào việc hoàn thiện thể chế, chính sách, các quy chuẩn về khai thác, sử dụng, tái sử dụng tài nguyên nước; điều hòa, phân bổ, phát triển, bảo vệ tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tái sử dụng nước góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước; khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế.
Trong thời kỳ quy hoạch, các cơ quan liên quan sẽ xây dựng, hoàn thiện hệ thống quan trắc khí tượng, thủy văn, tài nguyên nước trên lưu vực sông Hồng-Thái Bình; kiểm soát các hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước trên lưu vực sông Hồng-Thái Bình thông qua việc kết nối, truyền thông tin, dữ liệu về hệ thống giám sát khai thác, sử dụng nước, xả nước thải theo quy định.
Nâng cao khả năng tích nước, trữ nước của các hồ chứa nước hiện có trên nguyên tắc bảo đảm an toàn; bổ sung, xây dựng mới công trình điều tiết, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước đa mục tiêu, bảo đảm cấp nước cho hạ lưu là một giải pháp nhằm đảm bảo phân bổ hài hòa nguồn nước.
Các bộ, ngành cũng sẽ rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành hồ chứa trên các sông, suối thuộc lưu vực sông Hồng-Thái Bình hướng tới việc vận hành các hồ chứa theo thời gian thực, nhằm tối ưu hóa việc điều tiết nguồn nước cho các mục đích sử dụng; rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành hệ thống thủy lợi bảo đảm tạo dòng chảy liên tục nhằm cải tạo môi trường nước phù hợp tình hình thực tế. Bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn, từng bước phục hồi rừng phòng hộ đầu nguồn bị suy thoái…
Đối với giải pháp khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế, Quy hoạch tập trung ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại, thông minh để sử dụng nước tuần hoàn, tiết kiệm và tái sử dụng nước, quản lý, bảo vệ nguồn nước, phát triển nguồn nước, liên kết nguồn nước. Đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế trong việc trao đổi, cung cấp thông tin về nguồn nước xuyên biên giới, nghiên cứu chuyển giao khoa học, công nghệ sử dụng nước tuần hoàn, tiết kiệm, tái sử dụng.