Bến Tre: Đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 07:30, 09/03/2023

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ yêu cầu ngành chức năng chủ động các biện pháp ứng phó do ảnh hưởng của xâm nhập mặn, đảm bảo đủ nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Trong chuyến khảo sát ứng phó phòng chống hạn mặn ở huyện Chợ Lách (Bến Tre) mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ yêu cầu ngành chức năng chủ động các biện pháp ứng phó do ảnh hưởng của xâm nhập mặn, đảm bảo đủ nước ngọt phục vụ vùng sản xuất cây giống, cây ăn quả đặc sản tại huyện Chợ Lách.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ cho rằng, năm nay xâm nhập mặn ảnh hưởng sâu, nhưng có sự chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, thích ứng cho nên, tác động xâm nhập mặn chưa lớn. Tuy nhiên, khả năng ảnh hưởng hạn mặn kéo dài, do đó các địa phương không nên chủ quan, phải luôn trong tư thế sẵn sàng ứng phó, hỗ trợ người dân khi cần thiết.

Bên cạnh đó, thông qua ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật cần thông tin nhanh chóng về tình hình xâm nhập mặn, ảnh hưởng xâm nhập mặn để người dân biết và có biện pháp ứng phó kịp thời. Đảm bảo các điều kiện sản xuất, đủ nước sinh hoạt trong thời gian hạn mặn ảnh hưởng.

nguon-nuoc-phuc-vu-san-xuat.jpg
Cống đập ở Bến Tre tăng trữ nước ngọt - Ảnh: Mỹ Tho

Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ lưu ý, ngành chức năng huyện Chợ Lách cần có kế hoạch vận hành các cống đập tạm hiệu quả, hạn chế thấp nhất ô nhiễm môi trường trong khu vực trữ ngọt, đảm bảo an toàn cho người dân trong khu vực.

Theo UBND huyện Chợ Lách, mặn đã xâm nhập sâu vào địa bàn huyện Chợ Lách, chiếm 2/3 diện tích huyện, Độ mặn cao nhất trong những ngày qua, trên sông Cổ Chiên tại trạm đo Nhuận Phú Tân (cách biển 56km) độ mặn 3,8‰, điểm đo Vàm Cái Hàn, xã Hưng Khánh Trung B (cách biển 60km) độ mặn là 3‰, Vàm Tắc xã Hưng Khánh Trung B (cách biển 62km) 2,8‰. Trên sông Hàm Luông, tại trạm đo Vàm Mơn, xã Phú Sơn (cách biển 64km) là 2,5‰, Phà Tân Phú xã Hòa Nghĩa 1‰.

Ông Phạm Anh Linh, Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách cho hay, huyện có hơn 10.500 ha đất sản xuất nông nghiệp, người dân tại huyện Chợ Lách kinh tế chủ yếu sản xuất cây giống, hoa kiểng, trồng cây ăn trái đặc sản (sầu riêng, chôm chôm) khả năng chịu mặn kém. Do vậy, ngay từ cuối năm 2022, đầu năm 2023 huyện Chợ Lách triển khai các giải pháp ứng phó hạn, mặn mùa khô năm 2023. Cho nên đến thời điểm hiện tại, tuy mặn xâm nhập sâu nhưng vẫn đảm bảo đủ nước ngọt cho người dân sản xuất, sinh hoạt.

Cùng với đó, nhận thúc người dân ngày càng chủ động hơn trong ứng phó hạn mặn, các hộ dân chủ động đo mặn trước khi tưới, tìm hiểu thông tin diễn biến mặn để có kế hoạch sản xuất phù hợp. Ngoài giải pháp công trình lớn nhằm ngăn mặn, trữ ngọt, các hộ dân chủ động xây dựng các hồ chứa nước ngọt đủ nước sản xuất. Từ các giải pháp công trình, sự chủ động của người dân, hiện nay có hơn 80% diện tích đất sản xuất đảm bảo có đủ nước tưới phục vụ sản xuất.

Hiện tại, 7/7 nhà máy xử lý nước của Công ty cổ phần Cấp nước Bến Tre hoạt động hết công suất để cung cấp khoảng 70 nghìn mét khối nước sạch/ngày cho sinh hoạt của người dân. Các doanh nghiệp sản xuất tại 2 khu công nghiệp An Hiệp, Giao Long (huyện Châu Thành) cũng đang “khát nước”. Nhờ nguồn nước dự trữ từ sông Mã, sông Ba Lai và một số kênh rạch khác, đến thời điểm này cơ bản đảm bảo đủ nước ngọt đạt chuẩn cho các nhà máy xử lý nước.

Ông Trần Thanh Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Bến Tre cho biết: “Công ty chủ yếu cố thủ giữ lượng nước ngọt nằm trong cống đập sông Mã. Hiện có 2 đập, nhất là đập Thành Triệu giáp sông Ba Lai, khi thủy triều lên, canh độ mặn nếu nằm trong mức cho phép thì bơm bổ sung nước vô. Công ty cũng lắp các thuyền bơm ngoài cống đó, lấy nước từ sông Ba Lai bơm vô, khu vực xã Tam Phước có cửa đập số 1 canh khi nước lớn độ mặn cho phép thì đưa vô túi sông Mã. Khi nước mặn còn xâm nhập sâu, công ty sẽ sử dụng phương án chở bằng sà lan như cam kết với UBND tỉnh cung cấp đủ nguồn nước cho các nhà máy lớn và vận hành máy xử lý nước mặn thành nước ngọt với công suất 3.000 mét khối/ngày để phục vụ cho TP.Bến Tre và 2 khu công nghiệp.

Khó khăn nhất đối với tỉnh Bến Tre là mạch nước ngầm trên địa bàn hầu như bị nhiễm mặn cao, nên nguồn nước sinh hoạt đa phần là xử lý từ nước mặn từ sông rạch, ao hồ... Nhờ việc trữ nước ngọt của chính quyền và người dân nên đến thời điểm này nguồn nước sinh hoạt chưa khan hiếm. Đối với diện tích hơn 40.000ha vườn cây ăn trái, hoa kiểng và đàn gia súc, gia cầm đang cần nguồn nước thì nhà vườn sử dụng lượng nước ngọt trong mương vườn, kênh nội đồng để phun tưới.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre, tình hình xâm nhập mặn có khả năng ở mức cao, xâm nhập sâu hơn và duy trì trong tháng 3 này. Công tác phòng chống hạn, mặn, cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất của người dân là nhiệm vụ trọng tâm ở xứ dừa hiện nay, với nhiều giải pháp quyết liệt để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.