Công ty nước sạch Quảng Ninh thu sai phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt hơn 2 tỷ đồng

Pháp luật môi trường - Ngày đăng : 10:30, 09/03/2023

Qua thanh tra, Thanh tra Bộ Tài chính phát hiện Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân ở các xã không đúng đối tượng trong năm 2021 là hơn 2,06 tỷ đồng.
nuoc-thai.jpg
Ảnh minh họa.

Mới đây, Thanh tra Bộ Tài chính đã ban hành kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật về giá, tài chính và thuế tại Công ty Cổ phần nước sạch Quảng Ninh.

Công ty Cổ phần Nước sạch Quảng Ninh thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt theo Nghị quyết số 61/2017/NQ-HĐND ngày 17/7/2017 của HĐND tỉnh Quảng Ninh về việc quy định mức thu và tỷ lệ trích để lại của phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản và phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt được thu cùng tiền sử dụng nước sạch theo hóa đơn bán hàng, tổng số thu phí trong năm 2021 của Công ty là 87,2 tỷ đồng, phí được trích lại sử dụng là 8,72 tỷ đồng (10% số phí thu được).

Qua thanh tra, Thanh tra Bộ Tài chính phát hiện: Công ty thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt không đúng đối tượng.

Cụ thể, công ty này thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt đối với các hộ gia đình ở các xã với mức thu phí là 10% trên số tiền nước tiêu thụ phải trả theo Nghị quyết số 61.

Thế nhưng, căn cứ Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 53/2020/NĐ-CP ngày 5/5/2020 về các trường hợp được miễn phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt, Thanh tra Bộ Tài chính thấy rằng: Theo quy định nêu trên, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc địa bàn các xã được miễn phí bảo vệ môi trường với nước thải sinh hoạt.

Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân ở các xã không đúng đối tượng trong năm 2021 là hơn 2,06 tỷ đồng.

Ngày 31/5/2022, HĐND tỉnh Quảng Ninh ban hành Nghị quyết số 93/2022/NQ-HĐND sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Nghị quyết số 61/2017/NQ-HĐND về thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Khi triển khai thực hiện nghị quyết, công ty này đã dừng thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt đối với hộ gia đình, cá nhân, tổ chức ở các xã.

Tại Nghị định số 53/2020/NĐ-CP quy định đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường là nước thải công nghiệp thải vào nguồn tiếp nhận nước thải theo quy định pháp luật và nước thải sinh hoạt, trừ trường hợp miễn thu phí theo quy định.

Miễn phí bảo vệ môi trường đối với nước thải trong các trường hợp sau: Nước xả ra từ các nhà máy thủy điện; nước biển dùng vào sản xuất muối xả ra; nước thải sinh hoạt của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân ở các xã; tổ chức, hộ gia đình, cá nhân ở các phường, thị trấn chưa có hệ thống cấp nước sạch; hộ gia đình, cá nhân không kinh doanh ở các phường, thị trấn đã có hệ thống cấp nước sạch tự khai thác nước sử dụng; nước làm mát (theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường) không trực tiếp tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm, có đường thoát riêng; nước thải từ nước mưa tự nhiên chảy tràn; nước thải từ các phương tiện đánh bắt thủy sản của ngư dân; nước thải của các hệ thống xử lý nước thải tập trung khu đô thị đã xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường theo quy định trước khi thải vào nguồn tiếp nhận.

Mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1 m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Trường hợp cần áp dụng mức phí cao hơn, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định mức phí cụ thể cao hơn đối với từng đối tượng chịu phí.

Mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp đối với cơ sở có tổng lượng nước thải trung bình trong năm dưới 20 m3/ngày (24 giờ) áp dụng phí cố định tính theo khối lượng nước thải (không áp dụng mức phí biến đổi) như sau: Năm 2020, áp dụng mức phí 1.500.000 đồng/năm.

PV