Hơn 50 triệu người Châu Á bị ảnh hưởng trong thế kỷ này do mực nước biển dâng
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 09:30, 10/03/2023
Theo kết luận của các nhà khoa học từ Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), Đại học La Rochelle ở Pháp và Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia Hoa Kỳ (NCAR), công bố trên tạp chí Nature Climate Change cho biết: Mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu trong thế kỷ này có thể gây ra những hậu quả nguy hiểm cho các siêu đô thị châu Á cũng như đảo nhiệt đới ở Thái Bình Dương và phần tây Ấn Độ Dương.
Trong đó nhiều siêu đô thị ven biển ở châu Á có nguy cơ bị ngập lụt thì nghiên cứu mới cho thấy phân tích trước đây đã đánh giá thấp mức độ dâng của nước biển và lũ lụt do biến động tự nhiên của đại dương gây ra.
Tình trạng nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu trong thế kỷ này có thể ảnh hưởng tới hơn 50 triệu người dân các siêu đô thị châu Á, trong đó gần 30 triệu người tại Ấn Độ. Nghiên cứu cũng cho biết một số quốc gia ở Đông Nam Á sẽ trở thành điểm nóng mới khi chứng kiến mực nước biển dâng cao.
Chẳng hạn như tại thủ đô Manila của Philippines, nghiên cứu dự đoán các sự kiện lũ lụt ven biển trong thế kỷ tới sẽ xảy ra thường xuyên hơn, gấp 18 lần so với trước đây do biến đổi khí hậu. Liên quan đến những dao động xảy ra tự nhiên, mực nước biển làm tăng tần suất lũ lụt ven biển thường xuyên hơn, gấp 96 lần so với trước đây.
Cũng trong nghiên cứu, hiện tượng El Nino sẽ khiến phần lớn khu vực Tây Thái Bình Dương, Australia và châu Á nóng hơn bình thường. Điều này góp thêm từ 20 đến 30% mực nước biển dâng ngoài tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu và làm tăng nguy cơ lũ lụt nghiêm trọng.
Phân tích của Cơ quan nghiên cứu Biến đổi Khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu cho thấy 2022 là “năm khí hậu cực đoan”, bao gồm trận lụt lịch sử tại Pakistan và lũ lụt nghiêm trọng ở Australia.
Biến đổi khí hậu cũng đã gây ra lũ lụt nghiêm trọng chưa từng có ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong năm ngoái.
Tờ The Guardian (Anh) dự báo El Nino sẽ quay lại vào cuối năm 2023, làm trầm trọng thêm thời tiết khắc nghiệt toàn cầu và rất có khả năng đẩy thế giới khỏi "mốc nguy hiểm" - nóng hơn 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp.