Quảng Nam: Nỗ lực để người dân được tiếp cận nguồn nước bền vững

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 19:45, 12/03/2023

Hiện Quảng Nam đang triển khai nhiều giải pháp để ổn định tài nguyên nước trước nhiều tác động và thách thức, phục vụ đời sống, sinh hoạt cho người dân và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam, tài nguyên nước của tỉnh tuy phong phú, nhưng lại phân bố và biến đổi không đều theo thời gian và không gian. Tình trạng hạn hán kéo dài và ngày càng khốc liệt, nguồn nước ngày càng trở nên khan hiếm, nếu không có giải pháp ổn định tài nguyên nước, Quảng Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch nghiêm trọng hơn.

Thực tế cho thấy, những năm gần đây, người dân ở một số xã thuộc huyện Núi Thành, dù sinh sống dọc sông Trường Giang nhưng lại phải dùng nguồn nước nhiễm phèn. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đánh giá, các huyện Núi Thành, Thăng Bình, Đại Lộc, Phú Ninh và TP. Tam Kỳ, đặc biệt những khu vực có thành phần thổ nhưỡng là đất cát, đất pha cát hoặc khu vực có độ sâu mực nước tĩnh thấp là nơi có nguồn nước ngầm dễ bị nhiễm bẩn bởi tác nhân sinh học và chất hữu cơ.

nuoc-quang-nam.jpg
Tài nguyên nước ở Quảng Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ suy giảm trữ lượng

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Để khai thác và sử dụng tài nguyên nước hiệu quả, UBND tỉnh Quảng Nam đã tăng cường nhiều giải pháp thời gian qua. Theo ông Võ Như Toàn - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam: Để quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước cũng như giúp người dân địa phương tiếp cận nguồn nước sạch, hợp vệ sinh, an toàn phục vụ cho sản xuất, địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp như tính toán cân đối nguồn nước tại các hồ chứa thủy lợi, ban hành kế hoạch vận hành xả nước qua phát điện đối với từng Nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn, phù hợp với Quy trình vận hành liên hồ chứa đã được Bộ TN&MT ban hành.

Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch tưới cho từng khu vực, diện tích sản xuất, từng mùa vụ phù hợp với nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt, hoạt động sản xuất cũng như phục vụ sản xuất nông nghiệp ở hạ du.

Hằng năm tỉnh cũng đã chỉ đạo, dành kinh phí để tổ chức triển khai đắp đập ngăn mặn, giữ ngọt trên các đoạn sông Vĩnh Điện, Thu Bồn, Bến Giá và sông Đầm; tăng cường giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện Quy trình vận hành liên hồ chứa; hỗ trợ nhân dân trong công tác vệ sinh môi trường nông thôn, cung cấp nước sinh hoạt khu vực nông thôn.

UBND tỉnh cũng đã phê duyệt và ban hành nhiều Danh mục, đề án phục vụ cho công tác quản lý tài nguyên nước; xây dựng ứng dụng truyền, nhận, quản lý dữ liệu quan trắc, giám sát tài nguyên và môi trường. Công tác thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân không chấp hành nghiêm các quy định về quản lý bảo vệ tài nguyên nước được thực hiện thường xuyên. Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng thành lập Ban Điều phối lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam – Đà Nẵng có nhiệm vụ giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên lưu vực để đảm bảo sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, hài hoà.

Công tác quản lý tài nguyên nước gặp nhiều khó khăn

Để khai thác và sử dụng tài nguyên nước hiệu quả, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch Điều tra cơ bản tài nguyên nước tỉnh Quảng Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Qua đó, đặt mục tiêu đến năm 2050, mọi thông tin, số liệu, kết quả điều tra cơ bản về tài nguyên nước được xử lý, lưu trữ trên cơ sở nền tảng công nghệ, kỹ thuật hiện đại, tiên tiến đáp ứng yêu cầu quản lý hiệu quả, khai thác, sử dụng, bảo vệ bền vững, bảo đảm an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Nam đã xây dựng ứng dụng truyền, nhận, quản lý dữ liệu quan trắc, giám sát tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh, trong đó, đưa vào vận hành hệ thống giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất, xả nước thải vào nguồn nước; giám sát vận hành các hồ chứa thủy điện, thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, hoàn thiện và trình UBND tỉnh phê duyệt nhiệm vụ điều tra, đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của sông, hồ là nguồn nước nội tỉnh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Vềvấn đề này, ông Võ Như Toàn chia sẻ: Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý tài nguyên nước của địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế nhất định. Đến nay, hệ thống cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước chưa được đầy đủ, thiếu đồng bộ, dẫn đến công tác chuyển tác chuyển đổi số nói chung và công tác quản lý, dự báo sớm tình hình hạn hán, thiếu nước, lũ lụt, ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước thực tế ở địa phương còn hết sức khó khăn.

Hoạt động khai thác, sử dụng nước nhiều vùng, địa phương không có quy hoạch, kế hoạch do công tác quy hoạch tài nguyên nước trên địa bàn chưa được phê duyệt. Ngoài ra, mạng lưới trạm quan trắc, giám sát còn thiếu nên việc đáp ứng yêu cầu đánh giá số lượng, chất lượng và dự báo diễn biến tài nguyên nước còn hạn chế.

Việc phân bố nước không đều theo không gian, thời gian cùng với tác động của BĐKH và suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước; mâu thuẫn sử dụng nước trên lưu vực sông; khả năng tiếp cận nước sạch an toàn chưa cao; hiệu quả sử dụng nước thấp, tuy nhiên khung pháp lý cho các nội dung này còn thiếu gây khó khăn trong công tác chỉ đạo điều hành.

Trong khi đó, ý thức chấp hành pháp luật về tài nguyên nước của một số tổ chức, cá nhân chưa đầy đủ, đặc biệt là đã được cấp giấy phép tài nguyên nước nhưng chưa thực hiện đúng các nội dung quy định của giấy phép.

nuoc-sach.jpg
Quảng Nam phấn đấu đến năm 2045, 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn, bền vững

Nâng cao ý thức của người dân và doanh nghiệp về bảo vệ  nguồn nước

Thời gian tới, áp dụng xã hội hóa về dịch vụ nước sạch; tuyên truyền, nâng cao nhận thức, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng; chú trọng thanh tra, kiểm tra sử dụng tài nguyên nước, ngăn chặn các hành vi tác động tiêu cực đến nguồn nước.

Ông Võ Như Toàn thông tin: Thông qua các hoạt động như tổ chức hưởng ứng Ngày Nước thế giới, ngày Khí tượng thế giới, Ngày Môi trường thế giới, Giờ Trái đất; các buổi tọa đàm và các phương tiện thông tin, Sở TN&MT phối hợp với các địa phương, đơn vị thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến và giới thiệu văn bản quy phạm pháp luật tài nguyên nước đến người dân và doanh nghiệp.

Song song đó, Sở tham mưu tổ chức nhiều lớp tập huấn cập nhật các quy định trong lĩnh vực tài nguyên nước, đối tượng chủ yếu là cán bộ Phòng TN&MT các huyện, thị xã, thành phố; cán bộ địa chính - môi trường cấp xã và các doanh nghiệp có hoạt động trong lĩnh vực này.

Riêng đối với các khu vực miền núi - nông thôn, việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật về tài nguyên nước sẽ được lồng ghép thông qua các cuộc họp thôn, bản, tổ dân phố; tuyên truyền trên hệ thống loa phát phát thanh của huyện, xã.

Tại các buổi mitting hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày môi trường thế giới, chúng tôi cũng vận động người dân tham gia dọn vệ sinh môi trường, khơi thông cống rảnh, nạo vét kênh mương, duy tu, sửa chữa các công trình cấp nước sạch tập trung; tổ chức trồng cây xanh và bảo vệ rừng đầu nguồn,…

Thông qua các hoạt động nêu trên đã góp phần nâng cao đời sống, sức khoẻ của người dân, đặc biệt là chuyển biến rõ trong nhận thức về sử dụng nước sạch, giữ gìn bảo vệ các nguồn nước, bảo vệ rừng đầu nguồn, thay đổi dần hành vi, tập quán sử dụng nước thiếu vệ sinh của người dân miền núi, nông thôn.

Vũ Thành - Gia Hân