Chất thải y tế: Phân loại, xử lý còn nhiều hạn chế

Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 21:51, 13/03/2023

Việc tiến hành phân loại, xử lý rác thải y tế đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong công tác quản lý chất thải y tế, giúp giảm thiểu nguy cơ phát tán các tác nhân gây bệnh cũng như các yếu tố độc hại, nguy hiểm. Bên cạnh đó, phân loại đúng còn góp phần giảm số lượng chất thải y tế nguy hiểm và độc hại phải tiêu hủy, xử lý. Tuy nhiên, thực tế hiện nay rất nhiều các Cơ sở y tế tại địa phương còn gặp nhiều hạn chế trong việc phân loại, xử lý rác thải y tế.
Chất thải y tế: Việc phân loại, xử lý còn nhiều hạn chế

Cần kiểm soát chặt chẽ quy trình xử lý chất thải y tế

Theo quy định về nguyên tắc chung, việc phân loại rác thải y tế phải được thực hiện càng gần nơi thải ra càng tốt. Các chất thải y tế độc hại không được để lẫn với các chất thải thông thường. Các túi và vật chứa để thu gom chất thải y tế được quy định màu vàng cho các nhóm thuộc chất thải y tế, màu xanh cho chất thải thông thường và màu đen cho chất thải hóa chất, các chất phóng xạ và trị xạ.

Các túi thu gom rác theo quy định tiêu chuẩn là loại nhựa polyethylene và polyprepylene, dung tích tối đa 0,1 m2 và phải được đánh dấu ở mức đầy là 2/3 của túi. Các dụng cụ chứa chất thải sắc, nhọn theo tiêu chuẩn quy định là phải được làm từ vật liệu rắn, có thể tiêu hủy bằng đốt. Các dụng cụ chứa loại chất thải này phải có dung tích phù hợp cho nhiều loại chất thải sắc, nhọn khác nhau và phải có tay cầm, nắp đậy. Thùng đựng rác loại này phải có màu vàng và có vạch ngang đánh dấu mức 2/3. Tiêu chuẩn đối với dụng cụ chứa chất thải là vật chứa chất thải phải được làm từ polyethylene và có nắp. Nếu dụng cụ chứa to thì phải có bánh xe đẩy. Dụng cụ chứa phải cùng màu với túi đựng và phải được đánh dấu ở mức 2/3.

W_rac-y-te-1.jpg
Phân loại rác thải y tế bằng màu sắc các thùng rác

Bên cạnh đó, nơi chứa chất thải tại các cơ sở y tế phải cách xa an toàn nơi chứa thức ăn hoặc khu vực nấu ăn, phải được khóa để tránh những người không có nhiệm vụ tùy tiện ra vào, phải có thiết bị lau rửa, quần áo bảo hộ và các túi rác hoặc thùng chứa phải được bố trí ở nơi thuận tiện; phải có lối đi cho xe thu gom rác vào được dễ dàng và phải gần nguồn nước để vệ sinh. Tất cả các chất thải chứa trong đó phải xa ánh sáng mặt trời và các chất thải độc hại phải được tách riêng khỏi chất thải thông thường.

W_rac-y-te-2.jpg
Nơi chứa rác thải y tế ( hình bệnh viện mắt Nam Định)

Tại bệnh viện Mắt tỉnh Nam Định, ông Trần Huy Đoàn, Giám đốc bệnh viện Mắt cho biết , chất thải tại Bệnh viện được thải ra hàng ngày, đều được thu gom và phân loại ngay tại nguồn phát sinh.Theo quy định của UBND tỉnh Nam Định, bệnh viện Mắt Nam Định bàn giao chất thải 2 ngày 1 lần, và bàn giao trong đêm và có sổ sách bàn giao theo đúng quy định thông tư 20/2021 của Bộ Y tế, không có trường hợp nào để tồn dư quá 48 tiếng .

W_rac-y-te-3.jpg
Ông Trần Huy Đoàn, Giám đốc bệnh viện Mắt Nam Định trao đổi với PV Moitruong.net.vn

Bên cạnh việc thực hiện tốt việc phân loại, xử lý chất thải của một số Cơ sở Y tế thì còn rất nhiều Cơ sở y tế địa phương chưa thực hiện đúng theo quy định của thông tư số 20/2021:BTY.

Nhiều tồn đọng trong phân loại, xử lý rác thải

Theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Nam Định, quá trình xử lý rác thải y tế của tỉnh vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Đối với công nghệ xử lý và tiêu hủy chất thải, các cơ sở y tế trong thành phố cần có một trung tâm lò đốt ở trong khu vực đó. Các đơn vị y tế trong các thị trấn cần có một lò đốt cho một cụm các cơ sở hoặc mỗi cơ sở có một lò đốt. Biện pháp chôn lấp chỉ nên áp dụng cho các cơ sở y tế không có lò đốt rác. Chất thải phải được chôn tại đúng nơi quy định và phải đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường cho phép.

W_rac-y-te-4.jpg
Phân loại rác thải y tế tại chỗ của bệnh viện Mắt Nam Định

Tại Trạm Y tế xã Đồng Thịnh, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ, lãnh đạo Trạm y tế cho biết việc thu gom và xử lý chất thải Y tế vẫn chưa đúng quy định của thông tư số 20/2021 của Bộ Y tế. Hiện nay, trạm Y tế vận chuyển rác thải Y tế bằng xe máy cá nhân và chưa có xe chuyên dụng thu gom: “Về rác thải chúng tôi rất là ít chủ yếu là ngày tiêm chủng mới có rác thải sắc nhọn và rác thải lây nhiễm, sau khi làm chúng tôi vận chuyển bằng phương tiện cá nhân như là xe máy chúng tôi đưa về Trung tâm y tế bàn giao xử lý, nói chung là chưa đúng quy định vì nó chưa có xe chuyên dụng”, ông Hà Ngọc Kim, Trạm Trưởng Trạm Y tế xã Đồng Thịnh, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ cho biết.

W_rac-y-te-5.jpg
Ông Hà Ngọc Kim, Trạm Trưởng Trạm Y tế xã Đồng Thịnh, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ

Cán bộ Khoa Kiểm soát Chống nhiễm khuẩn bệnh viện Đa khoa huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ cho biết do nguồn kinh phí, cơ sở vật chất vẫn còn thiếu thốn nên chưa đảm bảo đúng quy định: “Theo quy định 1 tuần Công ty thu gom xử lý rác thải sẽ thu gom 1 lần đối với chất thải lây nhiễm, còn các chất thải khác tùy thuộc vào số lượng chất thải , nhiều cán bộ khoa sẽ gọi đến thu gom, còn ít thì cán bộ chưa gọi, công ty cũng không đến thu gom. Do nguồn kinh phí, cơ sở vật chất vẫn còn thiếu thốn nên chưa đảm bảo đúng quy định được”, bà Đặng Thị Mai Lan, Cán bộ Khoa Kiểm soát Chống nhiễm khuẩn bệnh viện Đa khoa huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ cho biết.

W_rac-y-te-6.jpg
Bà Đặng Thị Mai Lan, Cán bộ Khoa Kiểm soát Chống nhiễm khuẩn bệnh viện Đa khoa huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ

Tại Điều 14, thông tư số 20/2021 của Bộ Y tế bắt buộc các Cơ sở y tế phải lưu giữ các hồ sơ về quản lý chất thải y tế như: Giấy phép môi trường và các văn bản, hồ sơ, tài liệu có liên quan về môi trường theo quy định (đối với cơ sở y tế thuộc đối tượng phải xin cấp giấy phép môi trường); Sổ giao nhận chất thải y tế; chứng từ chất thải nguy hại (nếu có); Sổ nhật ký vận hành công trình, thiết bị, hệ thống xử lý chất thải y tế (đối với cơ sở y tế tự xử lý chất thải); Các biên bản thanh tra, kiểm tra liên quan (nếu có); Báo cáo kết quả quản lý chất thải y tế định kỳ hằng năm; báo cáo kết quả quan trắc chất thải định kỳ ( nếu có). Tuy nhiên, cán bộ bệnh viện Đa khoa huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ vẫn chưa cung cấp được hồ sơ lưu giữ quản lý chất thải .

rac-y-te-7.jpg
Tại Điều 14 , thông tư số 20/2021 của Bộ Y tế bắt buộc các Cơ sở y tế phải lưu giữ các hồ sơ về quản lý chất thải y tế như Giấy phép môi trường và các văn bản, hồ sơ, tài liệu có liên quan về môi trường theo quy định

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo nhiều Cơ sở y tế còn cho biết, việc không có lò đốt rác thải y tế, nguồn kinh phí đầu tư cho lò đốt vượt khả năng của Bệnh viện, hoặc lò đốt không đủ công suất để xử lý chất thải rắn, chưa kiểm soát được nguy cơ gây ô nhiễm ra môi trường là rất cao nên dẫn tới nhiều cơ sở Y tế "lực bất tòng tâm" trong quá trình xử lý rác thải y tế.

Ánh Dương – Trần Đức