Ngày Quốc tế Hành động vì các dòng sông (14/3): Bảo vệ mạch sống của các hệ sinh thái

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 18:00, 14/03/2023

Ngày Quốc tế Hành động vì các dòng sông 14/3 là ngày dành riêng cho sự đoàn kết - khi các cộng đồng trên toàn thế giới cùng chung một tiếng nói để nhấn mạnh vai trò của các dòng sông vô cùng quan trọng.

Việt Nam có 3.450 sông, suối với chiều dài từ 10km trở lên, trong đó có 13 lưu vực sông lớn và quan trọng gồm: lưu vực sông Hồng-Thái Bình; Bằng Giang-Kỳ Cùng; Mã; Cả; Hương; Vu Gia-Thu Bồn; Trà Khúc; Kôn-Hà Thanh; Ba; Sê San; Srêpôk; Đồng Nai; Mekong nhưng chỉ có khoảng 37% tổng lượng nước sinh ra trên phần lãnh thổ Việt Nam. Lưu lượng nước trên các lưu vực sông có sự biến động theo mùa, theo vùng miền (khoảng 80% lượng nước tập trung mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 1 năm sau và giảm mạnh, thậm chí khô kiệt vào mùa hè).

ngay-quoc-te-vi-cac-dong-song.jpg
Việt Nam có 3.450 sông, suối với chiều dài từ 10km trở lên, trong đó có 13 lưu vực sông lớn

Thế nhưng, sau một thời gian dài phát triển theo hướng “đánh đổi môi trường lấy kinh tế,” chất lượng nước mặt của các sông, ngồi, kênh, rạch, đặc biệt là ở các vùng đô thị và vùng công nghiệp cũng bị suy thoái tới mức “báo động đỏ” và có tác động nguy hiểm đối với đời sống con người cũng như sinh vật thủy sinh.

Nhiều nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng các loại nước thải sinh hoạt, nước thải bệnh viện, nước thải công nghiệp, làng nghề,… không qua xử lý đã tàn phá nghiêm trọng môi sinh, ảnh hướng trực tiếp tới dòng chảy cũng như tuổi thọ của dòng sông.

Chưa kể, đô thị hóa nhanh và thiếu tầm quy hoạch cũng đã khiến việc xử lý rác thải, nước thải vượt khỏi tầm kiểm soát. Trong khi đó, nhiều sông không có nguồn nước bổ sung, bị xâm lấn khiến dòng chảy chậm và không có khả năng tự làm sạch, độc tố tích tụ lâu ngày đã dẫn đến ô nhiễm cả nước mặt và nguồn nước ngầm.

Ngoài ra, suốt thời gian dài, hàng trăm con tàu suốt ngày đêm dùng vòi rồng sục sạo, ngụp lặn khoét sâu, nắn dòng đến cạn kiệt, nuốt trôi bờ xôi ruộng mật. Cứ thế, nhiều đoạn sông vốn đầy ắp phù sa đã bị cuốn trôi, bị xâm lấn, phải nhường chỗ cho muôn màu chất thải.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam đứng trong nhóm 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ những hiện tượng thời tiết cực đoan. Vì vậy, môi trường nước trên các lưu vực sông đang chịu tác động mạnh bởi diễn biến, xu thế của biến đổi khí hậu toàn cầu. Tại Đồng bằng Bắc Bộ và ven biển miền Trung, mùa khô có xu hướng đến sớm và kéo dài hoặc mưa tập trung với cường suất lớn, dẫn tới hạn hán và lũ lụt, ngập mặn và sạt lở bờ biển ngày một gia tăng. Nam Bộ đang đối diện với tình trạng ngập lụt và xâm nhập mặn. Còn Đồng bằng sông Cửu Long, cùng với vấn đề xâm nhập mặn, hiện tượng xói lở bờ sông, bờ biển cũng xảy ra tại hầu hết các địa phương trong vùng.

Theo đánh giá của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, chính quyền các cấp cũng như cộng đồng, xã hội đã có nhiều nỗ lực bảo vệ môi trường trên các lưu vực sông. Nhưng nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất và dân sinh ngày càng tăng do quá trình phát triển kinh tế-xã hội, áp lực của sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa mạnh mẽ trong những năm qua, đã tạo ra nhiều tác động tiêu cực đến chất lượng và trữ lượng nguồn nước các lưu vực sông.

Nỗ lực bảo vệ “mạch sống của Trái đất”
Lưu vực sông phân bố đều trên 8 vùng sinh thái của Việt Nam, có ý nghĩa sống còn đối với 54 cộng đồng các dân tộc Việt Nam, do vậy, chúng ta cần thực hiện quản lý bền vững lưu vực sông trong bối cảnh nguồn tài nguyên nước của Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức là nhận định chung của nhiều nhà khoa học.

Muốn làm được điều đó, chúng ta cần quản lý hiệu quả việc khai thác khoáng sản, cát, bùn, chất thải rắn, chất thải nguy hại nhằm bảo vệ sự trong sạch của lưu vực sông; kiểm soát thường xuyên chặt chẽ việc vận hành và hoàn phục các cảnh quan sinh thái đúng với quy định của báo cáo đánh giá tác động môi trường, môi trường chiến lược sau khi vận hành, khai thác các công trình thủy điện – khai thác khoáng sản lưu vực sông lớn…

Hằng năm, các Ủy ban Lưu vực sông nhóm họp (do Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố luân phiên làm Chủ tịch Ủy ban Lưu vực sông) để đánh giá hiện trạng và bàn giải pháp bảo vệ môi trường các lưu vực sông; các tỉnh trên các lưu vực sông đều có chương trình hành động để bảo vệ môi trường lưu vực sông. Đây là điều đáng mừng, song về lâu dài, chúng ta phải tìm ra mô hình tổ chức quản lý lưu vực sông phù hợp, hội tụ đủ sức mạnh, nguồn lực và sự đồng thuận của cả cộng đồng.

Bên cạnh đó, cần xây dựng và đẩy mạnh triển khai thực hiện quy hoạch lưu vực sông, quy hoạch phân vùng, khai thác sử dụng nước; tăng cường các hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường nước, thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường nước; thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế trong quản lý và bảo vệ môi trường nước, đặc biệt, đối với vấn đề xuyên biên giới…

Để những mạch nguồn không biến mất trên bản đồ và luôn chảy nuôi dưỡng môi sinh, rất cần những hành động mạnh mẽ của cộng đồng từ hôm nay.

Hoàng Anh