Rừng ngập mặn bảo vệ nguồn nước nuôi trồng thủy sản

Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 11:30, 16/03/2023

Rừng ngập mặn như lá phổi thanh lọc môi trường nước, nguồn nước trong những vùng nuôi tôm bớt ô nhiễm hơn, thủy sản ít bị dịch bệnh.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực lâm nghiệp, rừng ngập mặn chịu sự ảnh hưởng của nhiều yếu tố tác động, như thủy triều, nhiệt độ, thủy văn… qua mức độ ngập nước và độ mặn thích hợp. Rừng ngập mặn có vai trò chống xâm thực của thủy triều, chống biến đổi khí hậu, là nơi trú ngụ của nhiều loài động thực vật.

Theo TS Nguyễn Đình Thành, Trưởng phòng Nghiên cứu xã hội (Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định), rừng ngập mặn ở Bình Định chủ yếu tập trung tại vùng đầm Thị Nại và đầm Đề Gi. Tuy nhiên, tại những vùng này do độ mặn, nhiệt độ, thể nền (bùn sét, cát bùn) ít phù hợp nên công tác trồng rừng gặp nhiều khó khăn, để rừng phát triển được là cả một nỗ lực.

rung-ngap-man.png
Rừng ngập mặn chở che cho nghề nuôi thủy sản tổng hợp xen tôm - cua - cá. Ảnh: V.Đ.T.

Bởi vậy, Bình Định rất quan tâm công tác bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn. Nhờ đó, vài năm trở lại đây, diện tích rừng ngập mặn của Bình Định đã từng bước được phục hồi và phát triển, không chỉ giúp bảo vệ môi trường, giảm nhẹ rủi ro thiên tai mà còn tạo cảnh quan sinh thái cho phát triển du lịch, tạo sinh kế bền vững cho ngư dân.

Theo anh Võ Văn Thanh, người đang nuôi tôm xen cua - cá với diện tích 2,5ha ở thôn Bình Thới, xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước, Bình Định), hiện nay hầu hết người nuôi thủy sản tổng hợp ở địa phương này đều trồng cây ngập mặn xung quanh ao nuôi để cải thiện môi trường nước. Mặc dù vậy, nỗ lực trồng rừng ngập mặn của bà con cũng gặp nhiều khó khăn, khi cây mới lên 4 - 6 lá thường bị hà ăn tróc vỏ và chết hoặc bị gió bão đánh rụng hết lá cũng tự gãy chết, trong khi trước đây trồng đâu sống đó.

Ông Dương Văn Tường ở xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước, Bình Định) ngoài nhận khoán bảo vệ 3ha rừng ngập mặn, ông còn tự ươm giống cây mắm, cây đước để trồng xung quanh bờ ao nuôi thủy sản rộng gần 3ha của gia đình.

“Không riêng gì tôi, nhiều hộ dân ở đây cũng tự ươm giống trồng rừng ngập mặn xung quanh diện tích nuôi thủy sản để chống xói lở, tạo cảnh quan xanh mát. Cứ vào khoảng tháng 4 âm lịch hàng năm là bần bắt đầu ra trái kéo dài đến đầu tháng 10, từ khi bần ra hoa đến khi trái già là 3 tháng rưỡi, lúc ấy có thể hái trái về ươm cây giống để trồng.

Ngoài bần chua và bần chát, rừng ngập mặn trên đầm Thị Nại còn trồng các loại cây mắm và cây đước. Cây mắm và cây đước vào khoảng tháng 7, tháng 8 hàng năm là mùa hái trái để ươm giống”, ông Tường chia sẻ.

Ông Tường nói thêm: “Cây đước có rễ chùm vồng lên như cái nơm cắm sâu vô đất, rễ kiểu này là giữ bờ ngon hết biết. Những năm bão lớn, nhờ có những hàng cây đước mà bờ đất của ao nuôi tôm của tôi không bị xói lở, không bị triều cường sóng dữ đánh phá, qua mùa bão lũ tôi không phải mất chi phí gia cố lại bờ. Rễ cây ngập mặn hỗ trợ cho nghề nuôi tôm xen cua - cá dữ lắm, nhất là rễ cây mắm, cây bần, rễ của chúng thu hút nhiều loài thủy sản về trú ngụ, khi chúng lớn lên đây là khoản thu thêm của người nuôi”.

Minh Trang