Sáng nay, UBTVQH cho ý kiến về Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 17:30, 17/03/2023

Trình bày tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Căn cước công dân (sửa đổi) với 04 nhóm chính sách và 06 chính sách với Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
qh-sang-17.jpg
Sáng nay, UBTVQH cho ý kiến về Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 21, sáng nay, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, UBTVQH cho ý kiến về đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 đối với 02 dự án: Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân. Điều hành nội dung phiên họp sáng nay là Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.

Tham dự phiên họp có Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, đại diện Văn phòng Chính phủ, Kiểm toán nhà nước cùng một số cơ quan hữu quan.

Xây dựng Luật Căn cước công dân (sửa đổi) với 04 nhóm chính sách:

Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đầu phiên họp sáng nay, UBTVQH sẽ cho ý kiến về đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 đối với 02 dự án: Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình bày tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vào Chương trình năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

Về dự án Luật Căn cước công dân sửa đổi, theo Bộ trưởng Lê Thành Long, Luật Căn cước công dân được Quốc hội khóa XIII thông qua, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2016, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao dịch của nhân dân, phục vụ yêu cầu nghiệp vụ và góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm trật tự, an toàn xã hội.

Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ liên quan đến ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phát huy giá trị, tiện ích thẻ Căn cước công dân, phục vụ phát triển ứng dựng dữ liệu về dân cư, định danh điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Căn cước công dân (sửa đổi) với 04 nhóm chính sách:

(1) Quy định việc tích hợp thông tin khác ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân vào thẻ Căn cước công dân; thẻ Căn cước công dân có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về công dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ Căn cước công dân;

(2) Bổ sung thông tin lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân;

(3) Bổ sung đối tượng được cấp thẻ Căn cước công dân và đối tượng được cấp giấy chứng nhận căn cước;

(4) Hoàn thiện quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; tài khoản định danh điện tử (căn cước điện tử) và việc sử dụng tài khoản định danh điện tử; cấp, hủy/thu hồi số định danh cá nhân; quy định về việc sử dụng thống nhất thẻ Căn cước công dân và việc hạn chế phát sinh thủ tục hành chính có liên quan.

Và 06 chính sách Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, Luật Các tổ chức tín dụng được Quốc hội khóa XII thông qua và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2011 (được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017) đã có những đóng góp quan trọng trong công tác quản lý cũng như tạo môi trường pháp lý ổn định cho hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Để bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, đổi mới hoạt động ngân hàng theo nội dung nhiệm vụ trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế; khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành, Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) với 06 chính sách:

(1) Hoàn thiện quy định về nâng cao yêu cầu quản trị, điều hành, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng;

(2) Hoàn thiện quy định về hoạt động và bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, quỹ tín dụng nhân dân;

(3) Hoàn thiện quy định về dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử và số hóa dịch vụ ngân hàng, hỗ trợ, thúc đẩy, quản lý ngân hàng số tạo nền tảng cho việc ứng dụng các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0;

(4) Hoàn thiện các quy định nhằm tạo cơ sở thúc đẩy quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý tổ chức tín dụng yếu kém;

(5) Quy định về xử lý nợ xấu;

(6) Quy định về xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.

ng-khac-dinh-17.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp sáng nay.

Cần đưa ra các phương án, bổ sung đánh giá kỹ những tác động tiêu cực của từng phương án, chính sách để bảo đảm tính toàn diện

Thẩm tra đề nghị bổ sung 02 dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Uỷ ban Pháp luật, Uỷ ban Quốc phòng và An ninh và các cơ quan tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Căn cước công dân nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Đồng thời, khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện Luật, bảo đảm cơ sở pháp lý và sự đồng bộ, thống nhất trong việc tích hợp, quản lý, sử dụng thông tin trong thẻ Căn cước công dân theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật đủ điều kiện trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung vào Chương trình. Tuy nhiên, đề nghị trong quá trình xây dựng dự án Luật cần tiếp tục bổ sung đánh giá tác động kỹ hơn đối với các chính sách, nhất là đánh giá về nguồn lực thực hiện, lộ trình thực hiện để bảo đảm tính khả thi; làm rõ phương thức thực hiện việc tích hợp thông tin vào thẻ Căn cước công dân, bổ sung thông tin vào Cơ sở dữ liệu căn cước công dân để không gây phiền hà cho người dân; rà soát các luật có liên quan bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất.

Về tên gọi, phạm vi điều chỉnh và phạm vi sửa đổi của Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật đề nghị làm rõ sự phù hợp của tên gọi “Luật Căn cước công dân” với phạm vi điều chỉnh của Luật; tiếp tục làm rõ phạm vi sửa đổi là sửa đổi toàn diện, thay thế Luật hiện hành hay là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Căn cước công dân. Đối với thời điểm trình dự án Luật, đa số ý kiến trong Thường trực Uỷ ban Pháp luật cho rằng, Tờ trình của Chính phủ chưa làm rõ được tính cấp thiết cần trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật ngay tại kỳ họp thứ 5 sắp tới, nhất là trong bối cảnh số lượng dự án luật, nghị quyết dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 khá lớn. Do đó, đề nghị Chính phủ rà soát lại tổng thể các dự án luật dự kiến trình Quốc hội tại các kỳ họp thứ 5 và thứ 6, nhất là đối với các dự án luật thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh để đề xuất điều chỉnh tiến độ trình một số dự án sang các kỳ họp tiếp theo.

Đối với dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Thường trực Uỷ ban Pháp luật, Uỷ ban Kinh tế và các cơ quan nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Các tổ chức tín dụng nhằm bảo đảm an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, đổi mới hoạt động ngân hàng theo nội dung nhiệm vụ trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng, quan điểm, mục tiêu đã được Đảng, Quốc hội và Chính phủ đề ra. Đồng thời, khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành, đặc biệt là trong thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng theo Nghị quyết số 42/2017/QH14, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, đối với Báo cáo đánh giá tác động, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cho rằng cần đưa ra các phương án, bổ sung đánh giá kỹ những tác động tiêu cực của từng phương án, chính sách để bảo đảm tính toàn diện. Bên cạnh đó, đây là dự án Luật có nhiều nội dung liên quan đến phạm vi lĩnh vực phụ trách của Bộ Tài chính nhưng trong Hồ sơ còn thiếu văn bản tham gia ý kiến của Bộ Tài chính; đồng thời, ý kiến tham gia của Bộ Ngoại giao chưa thể hiện rõ nội dung đánh giá về sự tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên như quy định.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật nhận thấy, 06 chính sách được đề xuất trong đề nghị xây dựng Luật là phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, cơ bản bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tương thích trong hệ thống pháp luật và có tính khả thi. Tuy nhiên, đây là dự án Luật khó, phức tạp, liên quan đến nhiều luật và nhiều cam kết quốc tế, do đó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đối chiếu với các quy định của pháp luật có liên quan nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tính tương thích với các cam kết quốc tế.

Trên cơ sở ý kiến các cơ quan của Quốc hội, Thường trực Uỷ ban Pháp luật đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vào Chương trình năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, thông qua tại kỳ họp thứ 6. Đối với dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Thường trực Uỷ ban Pháp luật cho rằng cần tiếp tục cân nhắc trong tổng thể các dự án luật thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh dự kiến trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 5, kỳ họp thứ 6 và sẽ được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định khi xem xét dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình năm 2023.

Ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh

Phát biểu điều hành, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, theo tờ trình 47 ngày 28/2/2023, Chính phủ đã đề nghị bổ sung vào Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV 6 dự án Luật, trong đó có Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi). Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc bổ sung hai dự án luật này. Còn 4 dự án khác, gồm: Luật Công an Nhân dân sẽ được Ủy ban Thường vụ cho ý kiến về việc bổ sung vào chương trình chiều ngày 17/3; đối với 3 dự án luật khác đang chờ ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, hoàn chỉnh và đề nghị bổ sung vào Kỳ họp thứ 5.

Đến thời điểm này, Chính phủ trình đúng quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với 2 dự án luật: Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Các cơ quan của Quốc hội đã tiến hành thẩm tra, hoàn thiện hồ sơ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về cơ bản các ủy ban của Quốc hội thống nhất về 4 chính sách trong dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), và 6 chính sách trong dự án Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi); góp ý hoàn thiện dự án luật; đồng thời thống nhất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung 2 dự án luật vào chương trình Kỳ họp thứ 5. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan phối hợp hoàn thiện dự án, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp tháng 4/2023.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ cho ý kiến về sự cần thiết sửa đổi, sửa đổi toàn diện hay sửa đổi một số điều, hồ sơ, trình tự, thủ tục… để đảm bảo dự án luật có chất lượng.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh Lê Tấn Tới đồng ý với tờ trình và báo cáo thẩm tra về việc bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 đối với 02 dự án: Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Về Luật Căn cước công dân, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh tán thành với việc cần thiết sửa đổi Luật này nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật Căn cước công dân năm 2014 và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ liên quan đến ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phát huy giá trị, tiện ích thẻ Căn cước công dân, phục vụ phát triển ứng dựng dữ liệu về dân cư, định danh điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh cũng đồng tình với các nhóm chính sách trong sửa đổi luật bao gồm: Quy định việc tích hợp thông tin khác ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân vào thẻ Căn cước công dân; thẻ Căn cước công dân có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về công dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ Căn cước công dân; Bổ sung thông tin lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân…

Bên cạnh đó, việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng cũng cần thiết để bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, phát triển kinh tế, đổi mới hoạt động ngân hàng theo nội dung nhiệm vụ trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng, quan điểm, mục tiêu của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh cho rằng, với 6 dự án luật Chính phủ trình bổ sung vào dự án xây dựng luật, pháp lệnh, cần giãn tiến độ một số dự án Luật chưa thực sự cấp bách để đảm bảo tập trung, đảm bảo chất lượng xây dựng pháp luật.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đã có báo cáo tham gia thẩm tra cùng với Ủy ban Pháp luật đối với sự cần thiết bổ sung dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Nhấn mạnh sự cần thiết phải bổ sung dự án Luật này để tránh khoảng trống trong xử lý nợ xấu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng 6 chính sách được đề cập trong dự án Luật này cũng đã đáp ứng các yêu cầu đề ra...

Trên tinh thần đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ việc bổ sung dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có liên quan trực tiếp tới khoảng hai 20 dự án luật khác. Bởi vậy, ông đề nghị nếu được Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 sắp tới, Ban soạn thảo cần quan tâm rà soát, bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống, chính sách pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, trong quá trình sau này, nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý, ủng hộ việc bổ sung dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp với Ngân hàng nhà nước một cách tích cực để tham gia ý kiến vào các nội dung có liên quan…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, các dự án Luật này dự kiến được trình tại Kỳ họp thứ 5, thông qua tại Kỳ họp thứ 6, các vấn đề về chính sách cần tiếp tục hoàn chỉnh trong quá trình nghiên cứu. Đây là các luật liên quan đến nhiều vấn đề chuyên môn, các Ủy ban của Quốc hội cần có sự phối hợp chặt chẽ để đảm bảo bao quát được các vấn đề, đảm bảo dự án Luật hoàn thiện đạt chất lượng cao.

Mai Hạ