Tọa đàm “Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí theo nhu cầu hiện nay”

Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 21:44, 18/03/2023

Trong khuôn khổ “Hội báo toàn quốc 2023”, chiều 17/3, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Tọa đàm "Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí theo nhu cầu hiện nay".

Buổi Tọa đàm được chủ trì bởi Ông Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; ông Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; bà Nguyễn Thị Hải Vân, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí Hội Nhà báo Việt Nam. Tham dự Tọa đàm có đại diện lãnh đạo các cơ quan báo, tạp chí Trung ương và địa phương; đại diện lãnh đạo Hội Nhà báo các tỉnh, các Liên Chi hội, giảng viên các trường đào tạo báo chí, ...

3a.jpg
Ông Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm

Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cho biết: “Trong 3 năm 2020 - 2022, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức được 333 lớp học dành cho hơn 10.000 lượt học viên trên cả nước. Đây là những con số hết sức ấn tượng và là động lực quan trọng tạo đà cho Trung tâm tiếp tục bứt phá trong những năm tiếp theo”.

Tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Hải Vân, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, tính từ năm 2020 đến hết năm 2022, trung tâm đã tổ chức được 333 hoạt động cho hơn 10.000 lượt hội viên Hội Nhà báo; trong đó có 254 lớp học theo ngân sách nhà nước (chiếm 76%); 54 lớp học theo yêu cầu của các Hội địa phương, các cơ quan, bộ, ban, ngành ở Trung ương (chiếm 16%); và 25 lớp học do tổ chức nước ngoài tài trợ (chiếm 8%).

4.jpg
Quang cảnh buổi Tọa đàm

Theo đó, các đại biểu đều nhất trí cho rằng: Việc đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, phóng viên báo chí rất quan trọng và cần thiết.

Để tổ chức tốt các khóa bồi dưỡng, các đại biểu đề nghị Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cần lựa chọn đối tượng ưu tiên và đội ngũ cán bộ quản lý trong các cơ quan báo chí; mở rộng độ tuổi đào tạo, nhất là đội ngũ nhà báo trẻ; tập trung tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ phóng viên báo Đảng về kỹ năng xử lý tin, viết phóng sự; bồi dưỡng, chia sẻ kinh nghiệm tham gia Giải báo chí về xây dựng Đảng; tăng cường tập huấn về sử dụng công nghệ số trong hoạt động báo chí; tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí theo từng cụm thi đua hoặc từng vùng cho phù hợp; nghiên cứu chương trình mới, mang tính xã hội để thông tin báo chí được lan tỏa nhanh tới người dân; có sự trao đổi trước với các tỉnh để thống nhất về nội dung, chương trình, giáo viên giảng dạy… bảo đảm công tác đào tạo, bồi dưỡng hiệu quả.

Tại tọa đàm, các đại biểu đã tập trung đánh giá về các khóa bồi dưỡng của Trung tâm tổ chức, những điểm mạnh và những mặt hạn chế, tồn tại cần khắc phục. Đồng thời, đề xuất những kỹ năng cần thiết mà các cấp Hội Nhà báo, cơ quan báo chí mong muốn bồi dưỡng cho phóng viên, biên tập viên trong bối cảnh báo chí hiện nay.

Tố Cẩm