Thái Nguyên: Tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 17:30, 20/03/2023

Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025.

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 42/KH-UBND triển khai Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Căn cứ Quyết định số 925/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; sau khi xem xét báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 739/STNMT-BVMT ngày 09/3/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025 (sau đây viết tắt là Kế hoạch).

Kế hoạch yêu cầu sự tham gia đồng bộ của nhiều Sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố để tạo được sự phối hợp chặt chẽ trong công tác bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn.

ve-sinh-moi-truong-thai-nguyen.jpg
Vệ sinh môi trường, thu gom rác trên địa bàn TP Thái Nguyên

Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành trung ương có liên quan thực hiện các nhiệm vụ sau: Lồng ghép các nội dung về bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, làng nghề; đảm bảo an toàn thực phẩm nông làm thủy sản trong xây dựng các hương ước, quy ước, quy chế của thôn, xóm, địa phương.

Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức và khuyến khích sự tham gia giám sát của người dân và cán bộ nông thôn mới các cấp về cấp nước sạch, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm; kịp thời biểu dương, khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ môi trường.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành, liên quan hướng dẫn thực hiện tiêu chí, chỉ tiêu môi trường trong xây dựng nông thôn mới để các địa phương căn cứ thực hiện; xây dựng quy định, hướng dẫn và triển khai các nội dung về phân loại thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, bảo vệ môi trường làng nghề, xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn tập trung.

Chỉ đạo Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Thái Nguyên ưu tiên bố trí vốn vay để thực hiện xây dựng các mô hình; đẩy mạnh chỉ đạo thực hiện thanh tra, kiểm tra hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn nông thôn và xử phạt nghiêm minh các hành vi gây ô nhiễm môi trường theo đúng quy định của pháp luật.

UBND các huyện thành phố cần xây dựng và rà soát, hoàn thiện các đề án, kế hoạch có liên các nội dung Kế hoạch nêu trên. Tổ chức xây dựng và triển khai thực hiện các mô hình thuộc Kế hoạch; bố trí mặt bằng, hạ tầng thiết yếu theo quy định để thuận lợi cho việc triển khai xây dựng mô hình về nước sạch nông thôn, bảo vệ môi trường, di chuyển các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong làng nghề.

Đặc biệt, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn nông thôn và xử phạt nghiêm minh các hành vi gây ô nhiễm môi trường theo đúng quy định của pháp luật.

Phát huy vai trò chủ đạo của các địa phương trong xử lý triệt để các vấn đề môi trường phát sinh trên địa bàn, trong đó bố trí đầy đủ, kịp thời vốn đối ứng, mặt bằng khi được lựa chọn tham gia thực hiện các mô hình thí điểm, mô hình nhân rộng; tổ chức đầu tư, khai thác, quản lý, vận hành có hiệu quả và bền vững các công tác quản lý, vận hành mô hình sau đầu tư; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng.

Xác định rõ vai trò và trách nhiệm của người dân, các tổ chức chính trị xã hội, chủ thể sản xuất, kinh doanh, cộng đồng dân cư cấp thôn, bản và chính quyền địa phương các cấp thông qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cơ chế chính sách, các biện pháp giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường, phát huy vai trò kiểm tra giám sát của hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.

Chất thải rắn sinh hoạt cần xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện đề án/kế hoạch cấp huyện về tổ chức thực hiện công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân theo yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường 2020 phù hợp với đặc thù của địa phương, đảm bảo thực hiện chậm nhất là ngày 31/12/2024.

Đánh giá hiện trạng xử lý chất thải rắn thải sinh hoạt tại các khu vực xử lý chất thải tập trung trên địa bàn các huyện, thành phố; xem xét, lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường và hạn chế dần việc chôn lấp trực tiếp.

Xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt không hợp vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường khu vực xung quanh; rà soát, thống kê, đánh giá tình trạng hoạt động, hiệu quả hoạt động và hiệu quả xử lý nước thải, khí thải của các lò đốt chất thải rắn sinh hoạt đã được đầu tư trên địa bàn; xây dựng kế hoạch, lộ trình sớm dỡ bỏ, thay thế, di dời hoặc cải tạo nâng cấp các lò đốt,...

Minh Lâm