Đồng Tháp Mười: Dự án đào ao, trồng sen hay khai thác khoáng sản?
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 13:49, 28/05/2017
(Moitruong.net.vn) – Do Long An cấm lấy đất nông nghiệp khai thác đất hầm cho xây dựng, một số cá nhân ở vùng chuyên lúa Đồng Tháp Mười đã có “sáng kiến” là xin “đào ao nuôi cá” hoặc “trồng sen”, rồi dùng xe cuốc đào những hầm đất sâu hun hút để lấy đất bán ra ngoài với số lượng hàng chục ngàn mét khối…
Hiện trạng “ao cá”, “ao sen” tại xã Kiến Bình. Ảnh: P.D
Ngày 26.5, ông Phan Nhân Duy – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An cho biết, sẽ kiểm tra lại các dự án trồng sen, nuôi cá trên địa bàn xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh. “Chúng tôi sẽ kiểm tra diện tích khai thác tận thu cũng như độ sâu của các dự án này và sẽ xử lý nếu có sai phạm” – ông Duy nói.
Theo khảo sát của chúng tôi, hơn một tuần nay, nhiều xe ben ùn ùn kéo về xã Kiến Bình để chở đất sét đem đi nơi khác. Tại dự án “trạm dừng chân” nằm trên đường N2 của một cán bộ huyện, một hầm đất đã hình thành với chiều sâu từ 5 – 7 mét, rộng hàng chục ngàn mét vuông. Những chiếc xe cuốc loại lớn vẫn vươn cần móc đất đổ lên những chiếc xe ben. Cứ xe nào đầy là tài xế cho xe chạy ra khỏi hầm đưa đi nơi khác. Do đào sâu mà vẫn không đụng mạch nước ngầm nên việc khai thác đất sét tại dự án này diễn ra rầm rộ.
Còn tại dự án ao cá, chủ đầu tư là ông N.V.O đã cho xe cơ giới đắp một con đường rộng hơn chục mét, dài hàng trăm mét để nối “ao cá” ra quốc lộ 62. Trên đường đi, ông O cho lắp hệ thống tưới tự động để chống bụi. Ao cá này đã bị đào lấy đất sét với chiều sâu khoảng 5-7 mét, rộng hàng chục ngàn mét vuông.
Nhiều hộ gia đình đã đưa các phương tiện máy móc chuyên nghiệp vào múc đất chở đi tiêu thụ.
Ông Trương Văn Cung – nông dân xã Kiến Bình cho biết, vùng đất này người dân chỉ đào ao sâu khoảng 1,5m để nuôi cá. Một số hầm đất bỏ hoang, nước sâu và rất lạnh, không thể nuôi cá.
Ông Nguyễn Thanh Truyền – Bí thư huyện ủy Tân Thạnh – cho biết, sẽ yêu cầu các cơ quan chuyên môn kiểm tra 2 dự án ao cá và “trạm dừng chân” tại xã Kiến Bình vì có hiện tượng chủ đầu tư đem đất ra ngoài. “Tôi có nghe lùm xùm và đang yêu cầu kiểm tra. Tại huyện Tân Thạnh, chỉ những mỏ đất nằm trong quy hoạch, được cấp phép mới cho khai thác. Bước đầu, Phòng TNMT báo lại có 2 dự án. Dự án ao cá tỉnh cấp phép đào sâu 5 mét và được tận thu 35.000m3. Dự án còn lại trồng sen, được đào sâu 8 mét. Nếu có tình trạng trá hình, núp bóng, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm” – ông Truyền nói.
Xe ben chở đất ra khỏi dự án. Ảnh: P.D
Liên quan dự án “ao cá”, bà Đinh Thị Phương Khanh – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An – cũng cho biết, sẽ rà soát lại hồ sơ dự án và thực trạng ao nuôi. “Không thể có chuyện ao nuôi cá sâu 7 – 8 mét. Dự án này chúng tôi đang cho kiểm tra” – bà Khanh nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đất ruộng và đất tràm tại xã Kiến Bình đang có giá khoảng 400 triệu đồng/ha. Trong khi đó, nếu khai thác đất hầm để bán, mỗi hécta có thể thu về 4 tỉ đồng. Sau khi trừ chi phí, chủ hầm vẫn còn lãi khoảng 3 tỉ đồng.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An, cả huyện Tân Thạnh hiện nay chỉ có một dự án mỏ đất. Tuy nhiên, do thủ tục khai thác khoáng sản phải thông qua rất nhiều khâu nên dự án này chưa thể hoạt động.
Theo Phương Dung/Lao Động