“Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng”

Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 16:53, 20/03/2023

Trong bài phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam (18/5/1963), Bác Hồ đã nhấn mạnh: "Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi".

Câu nói cô đọng và giản dị của Bác đã hàm chứa đầy đủ nhận thức và trách nhiệm của mỗi người chúng ta, nhất là đội ngũ trí thức đối với sự phát triển KH&CN nước nhà.

vusta-1.jpg
PGS.TS Phạm Ngọc Linh - Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam phát biểu tại buổi họp báo

Chiều ngày 20/3, tại Tòa nhà Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam ở Ngõ 19 Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội diễn ra buổi họp báo công bố lễ Kỷ niệm 60 năm Bác Hồ gặp mặt đội ngũ trí thức (18/5/1963 -18/5/2023) và 40 năm ngày thành lập Liên hiệp Hội Việt nam. Chủ trì lễ kỷ niệm có PGS. TS Phạm Ngọc Linh - Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam; Ths. Phạm Hữu Duệ - Trưởng Ban Tổ chức và Chính sách Hội và Ths. Lê Thanh Tùng - Trưởng Ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức.

Cách đây 60 năm, trong bài phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam (18/5/1963), Bác Hồ đã phân tích: "Chúng ta đều biết rằng trình độ khoa học, kỹ thuật của ta hiện nay còn thấp kém. Lề lối sản xuất chưa cải tiến được nhiều. Cách thức làm việc còn nặng nhọc. Năng suất lao động còn thấp kém. Phong tục tập quán lạc hậu còn nhiều,.... Vì vậy, nhiệm vụ của khoa học là ra sức cải tiến những cái đó. Khoa học là tổng kết những kinh nghiệm đấu tranh giữa giai cấp bị bóc lột và giai cấp bóc lột và đấu tranh giữa con người với thiên nhiên, ở đây chỉ nói riêng về khoa học tự nhiên và kỹ thuật.

Người nhấn mạnh: "Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi".

Và ngày 18/5 đã trở thành ngày lịch sử khi tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII đã thống nhất lấy đó làm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Việc chọn lựa như vậy chứng tỏ tầm quan trọng của công tác phổ biến khoa học và kỹ thuật; Là điểm xuất phát cho công tác khoa học của nước nhà. Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam là tiền thân của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tức Liên hiệp Hội Việt Nam ngày nay.

vusta-2.jpg
Quang cảnh buổi họp báo lễ Kỷ niệm 60 năm Bác Hồ gặp mặt đội ngũ trí thức (18/5/1963 -18/5/2023) và 40 năm ngày thành lập Liên hiệp Hội Việt nam

Được thành lập cách đây 40 năm (26/3/1983 - 26/3/2023) với chủ tịch đầu tiên là GS.VS. Thiếu tướng, AHLĐ Trần Đại Nghĩa, Liên hiệp Hội Việt Nam đã tổ chức tập hợp, đoàn kết và phát huy trí tuệ và sức sáng tạo của đội ngũ trí thức KH&CN. Trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, Liên hiệp Hội Việt Nam đã trở thành tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần đáng kể vào sự nghiệp phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Với 8 kỳ Đại hội, trong 40 năm qua, Liên hiệp Hội Việt Nam đã có những bước phát triển lớn mạnh, ngày càng thực hiện tốt vai trò, chức năng tập hợp, đoàn kết, phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức KH&CN người Việt Nam ở trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Đặc biệt là từ sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 42-/CT/-TW ngày 16/4/2010 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, trong đó đã khẳng định “Liên hiệp Hội Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội, có hệ thống từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Phát triển Liên hiệp Hội Việt Nam là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và của đội ngũ trí thức KH&CN..”. Từ đó, Liên hiệp Hội Việt Nam đã và đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, tiếp tục khẳng định được vai trò, vị thế tổ chức chính trị - xã hội của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam.

vusta.jpeg
PGS. TS Phạm Ngọc Linh - Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam trả lời các câu hỏi của các phóng viên quan tâm tới Lễ kỷ niệm

Tính đến nay, Liên hiệp Hội Việt Nam có 156 hội thành viên gồm: 63 Liên hiệp hội địa phương và 93 Hội ngành toàn quốc). Liên hiệp hội các tỉnh, thành phố tiếp tục được củng cố, kiện toàn; quy mô và cơ cấu tổ chức của các Hội ngành toàn quốc không ngừng được mở rộng (cùng với hội, tổng hội còn có các hiệp hội tham gia là hội thành viên). Hệ thống tổ chức KH&CN trực thuộc Đoàn Chủ tịch cũng tăng lên mạnh mẽ với gần 600 đơn vị. Liên hiệp Hội Việt Nam có 3 đơn vị trực thuộc là: Nhà xuất bản Tri thức; Quỹ hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam - Vifotec; Báo Tri thức và Cuộc sống. Toàn hệ thống đã thu hút được trên 3,7 triệu hội viên, trong đó, có khoảng 2,2 triệu trí thức.

Hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam có Đảng đoàn Liên hiệp Hội Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Ban Bí thư Trung ương Đảng, 53 đảng đoàn Liên hiệp hội địa phương đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương, 1 Đảng đoàn Hội ngành toàn quốc. Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam có 58 chi bộ trực thuộc với hơn gần 800 đảng viên; phần lớn các Liên hiệp hội địa phương đều có các tổ chức đảng trực thuộc cấp ủy địa phương. Công đoàn Liên hiệp Hội Việt Nam trực thuộc Công đoàn Viên chức Việt Nam có 17 tổ chức công đoàn trực thuộc với trên 1.000 công đoàn viên. Đoàn Thanh niên Liên hiệp Hội Việt Nam trực thuộc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Khối các cơ quan Trung ương có 11 chi đoàn trực thuộc.

Cả một chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển, cùng với chiều dài lịch sử của đất nước, đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam đã có nhiều cống hiến trong các hoạt động phát huy sức mạnh của liên minh công - nông - trí, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Các hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam trải dài trên các lĩnh vực như: phổ biến kiến thức, nghiuyên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, tôn vinh trí thức, tổ chức các giải thưởớng sáng tạo khoa học và kỹ thuật, tư vấn, phản biện và giám định xã hội…

Đơn cử như hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Từ khi thành lập đến nay, Liên hiệp Hội Việt Nam tập hợp được đông đảo chuyên gia, trí thức ở nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau và đã thực hiện hàng nghìn nhiệm vụ tư vấn, phản biện, góp ý khách quan, thẳng thắn và kịp thời nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến chủ trương, chính sách, các dự thảo văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước, nhiều dự án đầu tư trọng điểm có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Các nhiệm vụ tập trung vào góp ý các dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng các cấp, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, KH&CN, giáo dục và đào tạo, bảo vệ môi trường, y tế; các dự thảo luật quan trọng; các dự án đầu tư trọng điểm; các vấn đề nóng cần sự vào cuộc của trí thức KH&CN từ trung ương đến địa phương.

Nổi bật có thể kể đến như góp ý Báo cáo chính trị trình các Đại hội của Đảng; góp ý dự thảo Hiến pháp năm 2013; Dự án Bauxit Tây Nguyên, góp ý xây dựng sân bay Long Thành, Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, Dự án mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh, Góp ý qQuy hoạch mạng lưới đường Ssắt, đường bộ và cảngđường hàng không, sân bay thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050...; các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, KH&CN, GD&ĐT, y tế, bảo vệ môi trường,…

Có thể nói, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội ở Trung ương, địa phương và các hội ngành thành viên đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật. Đồng thời góp phần thực hiện có hiệu quả các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Hoạt động này đã và đang trở thành một kênh thông tin đáng tin cậy giúp Đảng và Nhà nước khi xem xét quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Là một bộ phận trong lực lượng cách mạng, trí thức có nhiệm vụ thi đua phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân”, đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam luôn mang trên mình nhiệt huyết cách mạng, khát vọng vươn lên, đưa khoa học và công nghệ trở thành động lực, là quốc sách hàng đầu để phát triển đất nước…

Lễ kỷ niệm 60 năm Bác Hồ gặp mặt trí thức và 40 năm ngày thành lập Liên hiệp Hội Việt Nam có ý nghĩa rất lớn của đội ngũ trí thức trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; thể hiện sự quan tâm, coi trọng, ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với trí thức khoa học và công nghệ có nhiều đóng góp trong sự nghiệp phát triển đất nước; đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức và của Liên hiệp Hội Việt Nam.

Dự kiến, Lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Liên hiệp Hội Việt Nam (26/3/1983 -26/3/2023) sẽ được Liên hiệp Hội Việt Nam long trọng tổ chức vào 8h300 ngày 24/3/2023, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội, với sự tham dự của khoảng 500 đại biểu gồm các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Lãnh đạo các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương và địa phương, các Viện nghiên cứu, trường đại học, tập đoàn doanh nghiệp KH&CN, đại diện lãnh đạo 93 Hội ngành toàn quốc và 63 Liên hiệp hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam và các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Danh hiệu thi đua, khen thưởng đạt được trong 40 năm qua:

- Huân chương Hồ Chí Minh (theo Quyết định số 336/QĐ/CTN ngày 25/3/2008);

- Huân chương Độc lập hạng Nhất (theo Quyết định số 07/KT/CT ngày 05/01/1999);

- Cờ thi đua, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều Bằng khen của các Ban, Bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Nhiều lãnh đạo Liên hiệp Hội Việt Nam qua các thời kỳ đã được trao tặng các danh hiệu cao quý như: Cố GS.VS. Vũ Tuyên Hoàng, nguyên Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, nhiều lãnh đạo Liên hiệp Hội Việt Nam được trao tặng Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động và nhiều phần thưởng cao quý khác...

Ngoài ra, Liên hiệp Hội Việt Nam cũng nhận được rất nhiều khen thưởng của các cơ quan, ban ngành như Bằng khen của Trung ương Đoàn TNCS HCM; Bằng khen của Ban Đối ngoại Trung ương,…

Lam Trinh