Nghệ An: Thực trạng và giải pháp bảo vệ về tài nguyên nước tại địa phương

Nước và cuộc sống - Ngày đăng : 08:30, 21/03/2023

Nước là tài nguyên vô cùng quan trọng và cần thiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống con người và các sinh vật sống. Tài nguyên nước ngày càng được coi trọng và được cộng đồng hiểu về tầm quan trọng của nó. Ngày Nước thế giới năm 2023 với chủ đề “Thúc đấy sự thay đổi” để giải quyết cuộc khúng hoảng nước và vệ sinh môi trường và vì nước ảnh hưởng đến tất cả chúng ta trong đó có Nghệ An, nên cần tất cả mọi người hành động để thay đổi.

Nguồn nước khá dồi dào

Trong thời gian qua, lĩnh vực tài nguyên nước được thực hiện quản lý thống nhất tại một cơ quan chuyên trách từ trung ương đến địa phương, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước có nhiều chuyển biến rõ rệt, cụ thể: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước dần được hoàn thiện; nhiều chương trình, mục tiêu lớn về tài nguyên nước được hoạch định, xây dựng và triển khai thực hiện; cơ cấu tổ chức quản lý ngày được kiện toàn; công tác quy hoạch, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước cũng được chú trọng triển khai thực hiện. Công tác quản lý tài nguyên nước đã đạt được những kết quả nhất định nhưng vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn. Mặt khác, trong những năm gần đây, khí hậu diễn biến bất thường, đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt, sản xuất nhân dân và hoạt động phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà”.

W_nuoc-nghe-an-5-.jpg
Sông Lam, nguồn cung cấp nước mặt dồi dào cho địa phương

Địa bàn Nghệ An có lượng mưa trung bình lớn so với các tỉnh khác ở miền Bắc. Lượng mưa hàng năm dao động từ 1.200-2.000 mm/năm, trung bình khoảng 1.690mm. Lượng mưa nói trên phân bố không đều theo thời gian trong năm. Mùa mưa thường kéo dài trong 5 tháng (từ tháng IV – X) với lượng mưa chiếm khoảng 80% tổng lượng mưa cả năm, đặc biệt tập trung vào hai tháng 9 và 10 (tính riêng hai tháng này chiếm từ (40-60)% lượng mưa cả năm).

W_nuoc-nghe-an-4-.jpg
Hồ điều hòa thành phố Vinh có nguồn nước mặt trong lành

Với lượng mưa trung bình nói trên, ước tính trên địa bàn Nghệ An có lượng nước mưa đạt 276.653 triệu m3/năm, trung bình 75.795.3425m3/ngày. Đây là nguồn nước sinh hoạt lớn có thể khai thác đáp ứng một phần nhu cầu cấp nước sinh hoạt nông thôn.

Chất lượng nước mưa được đánh giá là tốt, thỏa mãn tiêu chuẩn chất lượng nước phục vụ sinh hoạt. Khai thác, tận dụng nguồn nước mưa là hết sức có ý nghĩa nhất là đối với cấp nước nhỏ lẻ, hộ gia đình, các vùng sâu, vùng xa.

Tổng lượng nước mặt vận chuyển qua tỉnh khoảng 28.109 m3/năm, trung bình 76.721.328 m3/ngày, bao gồm nước sông, suối, hồ, đập, kênh…. Nước mặt được cung cấp chủ yếu từ nước mưa (về mùa mưa) và một phần nước dưới đất. Đây là nguồn nước quan trọng cho sự phát triển của thảm thực vật và cũng chính là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến vi khí hậu, là một trong những nguồn nước chính cung cấp cho nước sinh hoạt và phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp trong tỉnh.

Nguồn nước mặt tại Nghệ An khá phong phú, tổng trữ lượng nước mặt 20 tỷ m3, đáp ứng được nhu cầu nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất của người dân trong tỉnh. Tuy nhiên với đặc điểm chế độ dòng chảy thay đổi mạnh giữa các mùa và sự phân bổ các nguồn nước không đồng đều giữa các vùng, miền, các địa phương nên rất dễ xảy ra các hiện tượng lũ lụt (vào mùa mưa từ tháng 8 đến tháng 10 hàng năm) và hạn hán (từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm.

Nguồn nước ngầm trên địa bàn Nghệ An khá phong phú, nhưng phân bố không đều, miền đồi núi chất lượng nước tốt và lưu lượng khá lớn. Nhưng cũng có vùng thiếu nước ngầm như cá huyện Nghĩa Đàn và Quỳ Hợp. Miền đồng bằng chỉ có nước ngầm mạch nông, lưu lượng nhỏ nên không đủ khả năng khai thác tập trung để phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho các cụm dân cư

Ô nhiễm nguồn nước ngày càng gia tăng


Nước mặt đang là nguồn cung cấp và sử dụng chính, đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho nhân dân nhất là vùng vùng nông thôn, miền núi.

W_nuoc-nghe-an-1-.jpg
Dòng Kênh Bắc chảy qua các phường xã thành phố Vinh bị ô nhiễm nặng nề

Tuy nhiên hiện nay môi trường nước mặt ở Nghệ An đang phải chịu tác động bởi nhiều nguồn thải như chất thải sinh hoạt, khu công nghiệp, hoạt động nông nghiệp, khai thác khoáng sản, nuôi trồng thủy sản,... Cùng với quá trình công nghiệp hóa, khai thác đất rừng chưa theo quy hoạch, sự biến đổi khí hậu đang làm nghèo dần các nguồn nước, hệ thống thủy văn bị cạn kiệt cũng như xu hướng ô nhiễm nguồn nước mặt ngày càng gia tăng.

W_nuoc-nghe-an-2-.jpg
Nước mặt dòng Kênh Bắc, thành phố Vinh bị ô nhiễm đen ngòm

Chính những nguyên nhân này đang làm cho chất lượng môi trường các hồ nước mặt, các nguồn nước mặt khác đang ngày càng xấu đi, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống và sức khỏe của người dân. Đã xuất hiện ô nhiễm nguồn nước với các chỉ tiêu SS, COD, BOD5, NH4+ vượt quy chuẩn cho phép. Một số nguồn nước mặt xuất hiện giá trị các kim loại nặng (As, Cd, Pb, Hg).

Môi trường nước dưới đất chưa được thường xuyên quan trắc và đánh giá. Tuy nhiên nước ngầm nói chung và tại các khu dân cư tập trung có xu hướng nhiễm bẩn do chất thải sinh hoạt ngấm xuống, do ảnh hưởng của chế độ khai thác nước ngầm không hợp lý tại các công trình khai thác dẫn đến nguồn nước ngầm ven biển có khả năng bị nhiễm mặn.

Chất lượng nước dưới đất nhìn chung có tổng khoáng hóa nằm trong tiêu chuẩn cho phép, ngoại trừ một số điểm, tiểu vùng nhỏ có ảnh hưởng của nước mặn như Diễn Kim, Diễn Vạn, Diễn Bích (Diễn Châu), Quỳnh Minh, Quỳnh Lương, Quỳnh Thanh, Quỳnh Yên,....(Quỳnh Lưu)... Hầu hết nguồn nước ngầm đều có thành phần sắt vượt mức cho phép...

Môi trường nước thải cũng là một nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước, nước thải sinh hoạt và chăn nuôi có độ đục và độ màu rất cao, vượt quá tiêu chuẩn cho phép, đặc biệt các chỉ tiêu BOD, COD.

Nước thải từ các bệnh viện chưa qua xử lý, hoặc xử lý không đạt yêu cầu có nguy cơ gây ô nhiễm cao. Đây là loại nước thải được liệt vào danh mục chất thải đặc biệt nguy hại bởi các chất hoá học và các chế phẩm phát sinh từ hoạt động khám, chữa bệnh, nước thải sinh hoạt của cán bộ công nhân viên và bệnh nhân, nước phục vụ ăn uống, nước rửa sàn, nước rửa dụng cụ y tế... Thành phần các chất ô nhiễm chủ yếu bao gồm: COD, BOD, hàm lượng chất rắn lơ lửng, hàm lượng nitơ, phốt pho, hóa chất sử dụng trong xét nghiệm y tế, chất kháng sinh... Đặc biệt nước thải bệnh viện chứa vô số các loại vi trùng, virus và các mầm bệnh sinh học khác.

Trong thành phần của nước thải sinh hoạt có chứa các hợp chất ô nhiễm rất đặc trưng và điển hình BOD, Coliform cao. Dòng này chứa chủ yếu các chất cặn bã, chất rắn lơ lửng, các chất hữu cơ, dầu mỡ, vi sinh vật gây bệnh, khi đi vào môi trường nước mặt sẽ gây ra các tác động chủ yếu: Nước thải sinh hoạt đi vào nguồn tiếp nhận gây cạn kiệt nguồn oxy của nguồn nước tại vị trí xả, ảnh hưởng đến thuỷ vực và hệ sinh thái khu vực. Trong nước thải sinh hoạt có chứa một lượng chất rắn lơ lửng làm cho các nguồn sông suối nhận nước thải bị bồi lắng. Các chất dinh dưỡng N, P là nguyên nhân gây ra hiện tượng phú dưỡng.

Siết chặt khai thác nước ngầm


Ông Võ Văn Ngọc, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Nghệ An cho biết: “Nhân ngày nước thế giới năm 2023 , Sở TN & MT đề nghị, các Sở, Ban ngành cấp tỉnh và UBND huyện , thị xã, thành phố Vinh chỉ đạo các phòng đơn vị liên quan triển khai các hoạt động phù hợp để hưởng ứng Ngày nước thế giới”.

W_nuoc-nghe-an-3-.jpg
Hiện tượng sụt lún tại xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp do khai thác nước ngầm quá mức

Thời gian qua, một số địa phương tại Nghệ An chưa chú trọng, đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên dưới đất, tình trạng khai thác nước dưới đất tràn lan không có các loại giấy phép như Giấy phép hành nghề khoan giếng; Giấy phép khai thác nước duới đất ( đối tượng phải xin cấp giấy phép cấp tỉnh trở lên có quy mô khai thác > 10 m3/ ngày đêm ) hoặc không kê khai đăng ký khai thác nước dưới đất cấp huyện < 10m3/ngày đêm.

Việc rà soát xử lý, trám lấp các giếng không sử dụng và kiểm soát các hoạt động khoan, đào, thăm dò, khai thác nước dưới đất nếu được kiểm soát chặt chẽ sẽ góp phần giảm đáng kể tình trạng hạ thấp mực nước dưới đất quá mức, xâm nhập mặn, ô nhiễm và sụt lún bề mặt đất…từ đó sẽ có giải pháp bảo vệ tài nguyên nước dưới đất kịp thời”.

Thực hiện Công văn số 2553/BTNMT- TNN ngày 13/5/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên nước dưới đất, Sở Tài nguyên Môi trường Nghệ An đã đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố Vinh về việc tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên nước dưới đất.

Qua đó chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác bảo vệ nguồn tài nguyên nước dưới đất, thường xuyên tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tài nguyên nước.

Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát đến xã, phường, thị trấn các hoạt động khoan đào, nhất là đối với các hoạt động khoan đào thí nghiệm trong thăm dò địa chất, khai thác khoáng sản, xử lý nền móng công trình, xây dựng công trinh ngầm, tháo khô mỏ theo quy định tại Thông tư số 75/20/2017 – BTNMT ngày 29-12-2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Thực hiện tốt quy định việc bảo vệ nước dưới đất trong các hoạt động khoan, đào, thăm dò, khai thác nước dưới đất của Bộ nhằm sớm phát hiện, xử lý, khắc phục kịp thời các sự cố; tiếp tục rà soát, đôn đốc các chủ giếng thực hiện trám lấp các loại giếng khoan không sử dụng trên địa bàn.

Việc bảo vệ tài nguyên nước, khai thác sử dụng nguồn nước hiệu quả, tiết kiệm là trách nhiệm của toàn xã hội mà mỗi cá nhân chúng ta cùng chung tay góp sức vì một tương lai về tài nguyên nước bền vững.

Kế Hùng