Ngày quốc tế Rừng 21/3/2023: Mối liên hệ giữa rừng và sức khỏe con người

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 12:00, 21/03/2023

Rừng là tài nguyên phong phú và vô cùng quý giá. Năm 2012, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã chỉ định ngày 21 tháng 3 là Ngày Quốc tế về Rừng và chủ đề cho 2023 là “Rừng và Sức khỏe”.
bao-ve-rung.jpg
Ngày quốc tế về Rừng năm 2023: “Rừng và Sức khỏe”

Rừng có vai trò rất quan trọng đối với cuộc sống của con người cũng như môi trường, như cung cấp oxy, điều hòa khí hậu, là nơi cư trú động thực vật, bảo vệ và ngăn chặn gió bão, chống xói mòn đất, bảo vệ sức khỏe của con người.

Ngày Quốc tế về Rừng, viết tắt là IDF (International Day of Forests) là ngày 21/3, là ngày hành động quốc tế được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 28/11/2012 theo Nghị quyết A/RES/67/200.

Kể từ ngày Quốc tế về rừng đầu tiên tổ chức vào ngày 21/3/2013 đến nay, hàng năm sự kiện này sẽ được tổ chức và có chủ đề khác nhau. Năm 2023, chủ đề Ngày quốc tế Rừng là “Rừng và Sức khỏe”, với thông điệp “Hãy cho đi, đừng chỉ nhận lại vì bảo vệ rừng cũng chính là bảo vệ sức khỏe của bạn!”.

Rừng có mối liên hệ trực tiếp với sức khỏe con người

Rừng giúp thanh lọc không khí và nguồn nước, cung cấp con người những dược liệu thiên nhiên quý giá. Bên cạnh đó, việc dành thời gian hòa mình vào rừng cây xanh sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch, giúp tâm trí con người thư giãn. Vì thế, bảo vệ rừng cũng chính là bảo vệ sức khỏe của con người. Rừng cũng đóng vai trò thiết yếu trong giảm đói nghèo và đạt được các thành tựu trong Mục tiêu phát triển bền vững.

Theo báo cáo mục tiêu rừng toàn cầu năm 2021 của Liên Hợp quốc, rừng là nơi cư ngụ của 80% các loài sinh vật trên đất liền, 75% nguồn nước sạch mà con người có thể tiếp cận được trên thế giới đến từ các lưu vực có rừng. Khoảng 1/3 dân số thế giới, tương đương 2,4 tỷ người sử dụng gỗ và củi từ rừng làm năng lượng cho việc nấu nướng và sưởi ấm. Cũng có khoảng 40% nguồn năng lượng tái tạo trên thế giới đến từ rừng, tương tự như các nguồn năng lượng mặt trời, thủy điện và nguồn năng lượng kết hợp khác.

Cũng theo báo cáo này, rừng còn có mối liên hệ trực tiếp với sức khỏe con người, rừng cung cấp nguồn thức ăn, cung cấp nguồn thuốc chữa bệnh từ thảo dược lên đến 80% ở các quốc gia đang phát triển và 25% tại các quốc gia phát triển.

Rừng cũng cung ứng các sản phẩm là nguyên liệu cho các vật tư y tế. Thống kê cũng cho thấy, 75% bệnh truyền nhiễm từ động vật và thường xuất hiện khi rừng bị tàn phá. Ở trong rừng và gần rừng có thể kích hoạt hệ thống miễn dịch, cải thiện trạng thái tâm lý và giúp cho con người thư giãn.

Giá trị quý giá của rừng

Rừng đóng vai trò quan trọng trong việc tích trữ nước cho các dòng sông, là nguồn cung cấp nước cho gần 50% các thành phố lớn nhất thế giới. Rừng tạo ra và duy trì độ phì nhiêu cho đất; giúp điều chỉnh tác động tiêu cực của các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ và hạn hán…

Tầm quan trọng của rừng còn thể hiện ở chỗ, rừng là hệ sinh thái có giá trị đa dạng lớn nhất và là nơi sinh sống của hơn một nửa các loài động vật, thực vật và côn trùng trên cạn.

Rừng cũng cung cấp nơi ở, việc làm, tạo an ninh sinh kế và các nền văn hóa liên quan đến những cộng đồng định cư trong khu vực rừng. Rừng là lá phổi xanh của trái đất, là yếu tố quyết định sự sống còn của hơn bảy tỷ dân trên hành tinh.

Những giá trị của rừng đối với cuộc sống là rất to lớn. Tuy nhiên, bất chấp tất cả những lợi ích vô giá của rừng về kinh tế, xã hội, sinh thái và sức khỏe, con người vẫn đang tàn phá rất nhiều các khu rừng cần cho cuộc sống và hơi thở của chúng ta.

Tác dụng của rừng đối với đời sống con người rất đa dạng, trước hết rừng cung cấp gỗ, lâm sản ngoài gỗ, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, phục vụ nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái...

Chính vì vậy cần phải xác định rằng việc bảo tồn và phát triển rừng là một cơ hội kinh doanh. Khi chúng ta đầu tư 30 triệu đô la cho việc chống phá rừng và suy thoái rừng thì chúng ta có thể nhận được 2,5 tỷ đô la từ các sản phẩm và dịch vụ mà nó mang lại.

Hơn nữa, việc đầu tư vào lâm nghiệp có thể tạo ra hơn 10 triệu việc làm trên toàn thế giới. Hiện nay, các nhà lãnh đạo đang chỉ ra những tiềm năng của năng lượng tái tạo, nhưng để quá trình chuyển đổi diễn ra thì vấn đề về rừng phải là một ưu tiên trong thể chế và chính sách.

Giá trị của rừng mang lại đã rõ. Một trong các tác dụng của hệ sinh thái rừng tập trung vào đối mặt với tương lai là việc cô lập và lưu trữ khí nhà kính carbon dioxide (CO2). Tuy nhiên nạn phá rừng đã gián tiếp khiến cho tình trạng biến đổi khí hậu đang trở nên trầm trọng đe dọa đến cuộc sống trên khắp hành tinh.

Do đó khí hậu đang thay đổi và sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực cho con người, tác động tới môi trường toàn cầu nhưng rõ rệt nhất là việc sụt giảm nguồn nước ngầm, bão tố, lũ lụt, nắng hạn…thường xuyên xảy ra, đã ảnh hưởng đến đời sống dân cư, hủy hoại sản xuất nông nghiệp và làm suy thoái đa dạng sinh học và tài nguyên nước…

Sẽ không phải là quá muộn để chúng ta bắt đầu xây dựng một cuộc sống xanh trong tương lai, mà ở đó những cánh rừng là trọng tâm của sự phát triển bền vững và các nền kinh tế xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chủ đề hoạt động của Ngày Quốc tế về Rừng qua các năm:

2014 - Rừng của ta - Tương lai của chúng ta

2015 - Rừng - Khí hậu - Thay đổi

2016 - Rừng và nước - Duy trì sự sống và sinh kế

2017 - Rừng và năng lượng

2018 - Rừng và Thành phố bền vững

2019 - Rừng và Giáo dục - Học cách yêu rừng

2020 - Rừng và Đa dạng sinh học: Quá quý giá để mất đi

2021 - Khôi phục rừng: Con đường dẫn tới khôi phục kinh tế và hạnh phúc

2022 - Rừng và sản xuất và tiêu dùng bền vững

2023 - Rừng và Sức khỏe

Nguyên Lâm