Nghệ An: Cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng gây ô nhiễm, người dân bức xúc

Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 19:20, 21/03/2023

Từ năm 2016 đến nay, hộ gia đình bà Nguyễn Thị Quy trú tại xóm 16 xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu mở cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng (đóng táp lô) ngay trong khu dân cư ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân địa phương.

Điều đáng nói là cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng này được xây dựng tự phát, không có hồ sơ thủ tục cấp phép của chính quyền, không có phương án kế hoạch bảo vệ môi trường, địa điểm gần sát nhà ông Hồ Hữu Thủy nên ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình ông.

W_san-xuat-vat-lieu-xay-dung-1.jpg
Cơ sở sản xuất gạch táp lô của hộ gia đình bà Nguyễn Thị Quy

Ông Thủy cho hay, hơn 10 năm nay gia đình bà Quy sản xuất gạch sò táp lô ngay cạnh nhà tôi khiến cuộc sống sinh hoạt của gia đình bị ảnh hưởng nặng nề, ngày tiếp ngày chúng tôi phải chịu đựng ô nhiễm môi trường do cơ sở sản xuất của bà Quy gây ra như bụi, tiếng ồn, nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, không sử dụng được. Tội nhất là trẻ em, các cháu nhiều đêm đang học bài, đang ngủ bỗng giật mình thon thon thót vì tiếng xe chạy, tiếng bốc gạch lên xe.

Tại buổi làm việc với bà Nguyễn Thị Quy, trao đổi với phóng viên Moitruong.net.vn bà Quy cho biết cơ sở này xây dựng trên đất ở của gia đình, công suất khoảng 1 vạn viên/ngày. Tôi thấy họ (người dân) làm thì làm theo thôi chứ không ai cho phép.

Được biết thời gian qua, ông Thủy đã làm đơn kiến nghị gửi các cấp chính quyền phản ánh gia đình bà Quy làm sò táp lô lấn chiếm hành lang giao thông, đổ bột đá, xi măng làm ô nhiễm môi trường, đặt máy làm sò táp lô, bốc sò táp lô lên xe gây tiếng ồn ảnh hưởng đến sinh hoạt của gia đình và việc học tập của con cái.

W_san-xuat-vat-lieu-xay-dung-5.jpg
Đơn phản ánh của ông Hồ Hữu Thủy gửi các cơ quan báo chí

Về phía chính quyền địa phương, sau khi nhận được đơn kiến nghị của ông Thủy, ngày 01/6/2022, UBND huyện Quỳnh Lưu đã thành lập đoàn kiểm tra xác minh nội dung phản ánh của công dân
Tại thời điểm đoàn kiểm tra, gia đình bà Quy đang sản xuất sò tap lô, có 01 máy hoạt động, đặt cách nhà ông Thủy khoảng 5 mét nên khi đứng trong nhà vẫn nghe tiếng ồn của máy. Tại khu vực tập kết vật liệu rơi vãi trên hành lang an toàn giao thông và lề đường gây bụi bặm ảnh hưởng đến môi trường và an toàn giao thông.

Sau khi kết thúc kiểm tra, Đoàn đã kết luận: “Nội dung ông Hồ Hữu Thủy phản ánh gia đình bà Quy làm sò táp lô lấn chiếm hành lang giao thông, đổ bột đá, xi măng làm ô nhiễm môi trường, đặt máy làm gạch táp lô gây tiếng ồn ảnh hưởng đến việc học tập của con cái là có cơ sở”.

Vì vậy UBND huyện đã yêu cầu gia đình bà Quy trong quá trình sản xuất tuyệt đối không lấn chiếm, vi phạm hành lang an toàn giao thông tuyến đường Quốc lộ 1A. Có biện pháp khắc phục hạn chế gây ô nhiễm môi trường như tưới nước, che chắn khói bụi để không ảnh hưởng đến các gia đình khác. Thời gian sản xuất trong giờ hành chính, có kế hoạch, biện pháp bốc sò lên ô tô hợp lý như thay đổi thời gian, giảm tiếng ồn. Đồng thời sớm có phương án di dời cơ sở sản xuất đến khu vực đã được UBND xã Quỳnh Văn quy hoạch.

W_san-xuat-vat-lieu-xay-dung.jpg
Thông báo kết luận 1234 của UBND huyện Quỳnh Lưu về việc xử lý nội dung công dân phản ánh

Về phía UBND xã Quỳnh Văn, ông Hồ Văn Anh, Chủ tịch UBND xã cho biết: Hộ xây dựng cơ sở vật liệu xây dựng của bà Quy là tự phát chứ xã không cho phép. Theo Báo cáo kết quả làm việc với ông Hồ Văn Thủy và bà Nguyễn Thị Quy của UBND xã Quỳnh Văn ngày 30 tháng 8 năm 2022 thì sau khi có đơn phản ánh của gia đình ông Thủy về việc gây ô nhiễm trong quá trình sản xuất sò táp lô, gia đình bà Nguyễn Thị Quy đã trả lại đất thuê phía Nam không sản xuất sò nữa. Bà Quy chỉ sản xuất khu vực phía Bắc bên cạnh nhà ông Thủy và từ 2 máy sản xuất táp lô đã giảm xuống còn 1 máy và đã dịch máy cách xa nhà ông Thủy 11 mét. Đồng thời, thực hiện việc sản xuất sò buổi sáng từ 6h 30 phút đến 10h 30 phút, buổi chiều từ 15h đến 17h30 phút, bán, bốc sò từ 4 giờ sáng và có máy chuyển tải sò lên xe ( không ném vứt gây tiếng động như trước). Việc xử lý bụi được tưới nước để làm giảm thiểu môi trường, mặt bằng sản xuất, bãi phơi sò gia đình bà Quy được lót phía dưới đá cấp phối bằng tấm bạt để chống thẩm thấu nước qua lòng đất khi tưới nước.

Tuy nhiên, các nội dung trên vẫn không được ông Thủy nhất trí và tiếp tục yêu cầu bà Quy phải dừng sản xuất sò và chuyển vị trí khác. Bởi vì ông Thủy khẳng định nội dung trong đơn thư nói giảm xuống còn 1 máy và chuyển cách nhà ông 11 mét nhưng thực tế ở ngoài vẫn chưa thực hiện và nói chung chung. Không thấy quy định ghi rõ gia đình bà Quy phải thực thi. Trong khi đó Quyết định của ông Hoàng Danh Lai, Bí thư huyện ủy huyện Quỳnh Lưu trả lời trong buổi tiếp dân vào ngày 02/8/2022 là phải giải quyết vụ việc dứt điểm.

W_san-xuat-vat-lieu-xay-dung-3.jpg
Nước giếng đổi màu vì ô nhiễm

Mới đây, vào ngày 27 tháng 2 năm 2023, ông Hồ Hữu Thủy tiếp tục có Đơn phản ánh gửi đến cơ quan báo chí về việc gia đình bà Nguyễn Thị Quy làm sò táp lô gây ảnh hưởng đến sinh hoạt cuộc sống gia đình. Trong đơn ông đề nghị UBND xã Quỳnh Văn và UBND huyện Quỳnh Lưu đình chỉ và di dời cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng của bà Quy ra khỏi khu dân cư để đảm bảo môi trường và cuộc sống an lành cho gia đình ông Thủy cũng như người dân địa phương.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Danh Lai, Bí thư huyện ủy Quỳnh Lưu cho rằng: Huyện ủy chưa nhận được đơn mới của ông Thủy, tuy nhiên ông vẫn biết xóm sản xuất vật liệu xây dựng ở Quỳnh Văn hiện đang là vấn đề nan giải, huyện xã đã có quy hoạch làng nghề ở một khu vực khác nhưng cũng đang gặp khó khăn về cơ sở vật chất.

Ông Lai nhấn mạnh: Trước mắt nếu cơ sở nào không đảm bảo về vấn đề bảo vệ môi trường thì phải dừng sản xuất. Lâu nay chúng tôi không nhận được đơn thư phản ánh của ông Thủy nữa tưởng là ổn rồi, họ chấp hành nghiêm rồi. Nhưng nếu bây giờ dân có ý kiến, có đơn thì phải tiếp tục kiểm tra, chỉ đạo UBND huyện phải xử lý sâu sát, triệt để chứ không phải ra văn bản rồi để đó. Ông Lai chia sẻ thêm: Tôi cũng không đồng tình với quan điểm làm kinh tế vì miếng cơm manh áo của mình mà làm ảnh hưởng đến cuộc sống bao người khác.

W_san-xuat-vat-lieu-xay-dung-2.jpg
Hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng của hộ gia đình bà Nguyễn Thị Quy gây tiếng ồn là nỗi ám ảnh của gia đình ông Thủy

Việc để tồn tại một cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng gây ảnh hưởng nặng nề tới cuộc sống của người dân trong khu vực dân cư một thời gian dài đã gây xói mòn lòng tin của người dân vào sự chỉ đạo, giải quyết vụ việc triệt để, khách quan của chính quyền địa phương các cấp. Đồng thời ảnh hưởng đến tiêu chí 17 (Môi trường và an toàn thực phẩm) trong 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Tại Điều 53, khoản 2 Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 quy định cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng thuộc 5 trường hợp sau phải có khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư bao gồm: (a) Có chất dễ cháy, dễ nổ; (b) Có chất phóng xạ, chất thải phóng xạ hoặc thiết bị bức xạ; (c) Có chất độc hại đối với người và sinh vật; (d) Có nguy cơ phát tán bụi, mùi khó chịu, tiếng ồn tác động xấu đến sức khỏe con người; (đ) Có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước.

Theo đó, các cơ sở này nếu chứa các chất có nguy cơ gây cháy nổ hoặc chứa các chất phóng xạ độc hại có thể ảnh hưởng tới con người và sinh vật, gây ô nhiễm không khí, nguồn nước thì phải thiết lập khoảng cách an toàn đối với khu dân cư. Trong đó, khoảng cách an toàn về môi trường là khoảng cách tối thiểu để đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh, an toàn, môi trường của nguồn phát sinh ô nhiễm (hoặc nhà, công trình bao chứa nguồn phát sinh ô nhiễm).

Thiết nghĩ đã đến lúc UBND xã Quỳnh Văn, UBND huyện Quỳnh Lưu căn cứ vào các nội dung của Luật bảo vệ môi trường để tìm một giải pháp giải quyết triệt để nhằm sớm di dời cơ sở sản xuất vật liệu của gia đình bà Nguyễn Thị Quy ra khỏi khu dân cư để vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh cho hộ bà Quy, vừa đảm bảo môi trường an lành cho người dân địa phương.

Tòa soạn Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin trong những bài tiếp theo.

Kế Hùng