Tập trung nâng cao chất lượng thương phẩm trái sầu riêng, xây dựng mã số vùng trồng
Kinh tế môi trường - Ngày đăng : 16:30, 22/03/2023
UBND tỉnh Đồng Tháp vừa có công văn chỉ đạo yêu cầu Sở NN-PTNT tập trung định hướng, tích hợp phát triển cây ăn trái trong quy hoạch; đề xuất cơ chế, chính sách; thu hút doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến liên kết với nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng vùng trồng cây ăn trái tập trung; xây dựng mã số vùng trồng (MSVT), mã số cơ sở đóng gói; áp dụng quy trình công nghệ canh tác tiên tiến, an toàn...
Theo Đề án phát triển bền vững cây ăn quả chủ lực đến năm 2030 của Bộ NN-PTNT, diện tích sầu riêng cả nước là 65.000-75.000 hecta. Tuy nhiên, hiện nay con số đã đạt khoảng 80.000 hecta và vẫn đang tiếp tục tăng lên. Tình trạng nông dân ồ ạt trồng các loại cây ăn quả rồi rơi vào vòng luẩn quẩn được mùa mất giá từng xảy ra tại các tỉnh, thành ĐBSCL.
Những năm qua, diện tích trồng sầu riêng tại các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long tăng nhanh. Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân không tự phát mở rộng diện tích trồng sầu riêng khi chưa có liên kết sản xuất và tiêu thụ.
Tại Tiền Giang, diện tích trồng sầu riêng đã tăng thêm 3.000 hecta, nâng tổng diện tích loại cây ăn trái này lên 20.000 hecta, đứng đầu cả nước, tập trung chủ yếu ở huyện là Cái Bè và Cai Lậy. Các xã vùng lũ phía Bắc Quốc lộ 1 cũng chuyển đổi đất lúa năng suất thấp sang trồng sầu riêng nên toàn tỉnh vượt 5.000 hecta so với kế hoạch đến năm 2025.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, địa phương không khuyến khích phát triển thêm diện tích mà cần tập trung nâng cao chất lượng trái sầu riêng thương phẩm.
Nông dân ở Đồng Tháp cũng đang đầu tư trồng sầu riêng vì có giá bán cao, tổng diện tích trên 2.380 hecta, tập trung nhiều ở các huyện Cao Lãnh, Châu Thành, Lai Vung và Tháp Mười. Dự kiến đến năm 2025, diện tích sầu riêng tăng thêm khoảng 3.000 hecta.
Trước đây, cây mít Thái giá cao, nông dân đổ xô trồng rồi giá mít xuống còn 5.000 đồng/kg nên nhiều nhà vườn phải đốn bỏ. Hay như vừa qua, diện tích cam sành của tỉnh Vĩnh Long vượt quy hoạch, cung vượt cầu, rớt giá thê thảm phải nhờ giải cứu. Đối với cây sầu riêng, cần có giải pháp bền vững để tránh dẫn đến hệ lụy trồng - chặt, bởi sầu riêng chỉ tiêu thụ một phần trong nội địa, còn lại phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc. Sầu riêng của Việt Nam đang cạnh tranh với nhiều nước xuất khẩu, nhất là Thái Lan, Malaysia, Philippines.
Tại Cần Thơ, diện tích cây sầu riêng từ 537 hecta vào năm 2015 đến nay đã lên gần 3.000 hecta. Sầu riêng có 42 vùng trồng được liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu với quy mô hơn 850 hecta, chiếm 30% diện tích.
Ngày 17/3 vừa qua, Sở NN-PTNT TP Cần Thơ tổ chức lễ xuất khẩu chuyến hàng sầu riêng đầu tiên theo Nghị định thư ký kết giữa Bộ NN-PTNT với Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Lô hàng xuất khẩu đầu tiên khoảng 20 tấn của hợp tác xã Sầu riêng Trường Phát (quận Ô Môn) do Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Ngọc Minh LS thực hiện.
Ông Trần Thiện Thanh, Phó Giám đốc hợp tác xã Sầu riêng Trường Phát cho biết: “Trước đây, các thành viên chỉ canh tác theo tập quán và kinh nghiệm, không quan tâm nhiều đến an toàn thực phẩm, sản phẩm làm ra chỉ bán cho thương lái tiêu thụ nội địa nên giá cả không ổn định, lợi nhuận không cao. Nhưng từ lúc được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn quy trình sản xuất, quản lý dịch hại, chúng tôi đã có lô hàng đầu tiên của Cần Thơ xuất khẩu”.
Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, nông dân chưa có sự quan tâm nhiều đến vấn đề MSVT vì chưa thấy rõ lợi ích, nhất là khi kết nối tiêu thụ với doanh nghiệp thu mua. Hiện nay, việc áp dụng kỹ thuật của một số nhà vườn còn chưa được quan tâm đúng mức, gây rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu và uy tín nông sản Việt Nam.
Lãnh đạo Sở NN-PTNT TP Cần Thơ lưu ý mặc dù sầu riêng đang hút hàng nhưng nguy cơ dội chợ là được nhìn thấy. Vì vậy, nông dân và doanh nghiệp cần thực hiện tốt hợp đồng để cùng thắng lợi trong hôm nay và cùng vượt khó trong thời gian sắp tới.
Nông dân nên áp dụng kỹ thuật để có được sản phẩm theo yêu cầu của doanh nghiệp, chú ý thu hoạch khi trái tới tuổi, đảm bảo cách ly thuốc bảo vệ thực vật theo quy định. Thực tế, đây là nguyên nhân chính dẫn đến rủi ro của các lô hàng xuất khẩu, ảnh hưởng đến chất lượng trái cây.