Ô nhiễm bụi khu vực Bắc bộ diễn biến xấu

Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 10:30, 22/03/2023

Tình trạng ô nhiễm bụi trong không khí tại một số địa phương, đặc biệt là Bắc Bộ đang diễn biến xấu, ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
22-bui-min.jpg
Thời tiết giao mùa, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm, bức xạ nhiệt,...dẫn đến ô nhiễm không khí gia tăng.

Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), bên cạnh tình trạng ô nhiễm bụi trong không khí thì các điều kiện thời tiết giao mùa có nhiều biến động bất lợi, chênh lệch ngày, đêm về nhiệt độ, độ ẩm, hướng và tốc độ gió, bức xạ nhiệt... khiến khả năng khuếch tán các chất ô nhiễm trong không khí bị hạn chế, đặc biệt là bụi là nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí gia tăng.

Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia do Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố, giai đoạn 2016 – 2021 cho thấy, môi trường không khí tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. HCM hay các đô thị phát triển công nghiệp như Phú Thọ, Bắc Ninh… tiếp tục ghi nhận bị ô nhiễm ở một số thời điểm trong năm, chủ yếu là ô nhiễm bụi. Mức độ ô nhiễm tại các đô thị miền Bắc cao hơn miền Trung, miền Nam.

Kết quả đánh giá chất lượng không khí thông qua chỉ số VN AQI cho thấy, tại các đô thị lớn ở miền Bắc, ghi nhận một số ngày trong năm có giá trị VN AQI ở mức kém và xấu. Điển hình như tại các trạm quan trắc môi trường không khí tự động liên tục ở Hà Nội, tính trung bình 4 năm (2018 - 2021) có 28,45% số ngày quan trắc có giá trị AQI đạt mức tốt, 47,10% ở mức trung bình, 5,70% ở mức xấu, thậm chí một số ngày chất lượng không khí ở ngưỡng rất xấu (AQI 201 - 300).

Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã có văn bản đề nghị các Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương tập trung nguồn lực tăng cường các biện pháp kiểm soát ô nhiễm bụi trong không khí, đồng thời báo cáo UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo thực hiện tăng cường tần suất quan trắc môi trường không khí trong chương trình quan trắc định kỳ và hệ thống các trạm quan trắc tự động, liên tục trên địa bàn; công bố kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí trên cổng thông tin điện tử và phương tiện truyền thông của tỉnh, thành phố, đồng thời kết nối về Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Cục cũng đề nghị các địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát, yêu cầu nghiêm các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo đảm xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, đặc biệt là các cơ sở có phát sinh nguồn bụi, khí thải lớn; đôn đốc, giám sát các cơ sở sản xuất thuộc đối tượng phải lắp đặt quan trắc khí thải tự động và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định.

UBND cấp huyện, xã và các đơn vị chức năng cần tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân không đốt chất thải rắn, rơm rạ sau thu hoạch để giảm phát sinh khí thải, bụi gây ô nhiễm môi trường; khẩn trương kiểm tra thực tế, xác định và ngăn chặn kịp thời các hoạt động đốt ở trên địa bàn; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với hành vi đốt chất thải rắn sinh hoạt sai quy định.

Cục cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan tổ chức kiểm tra, đôn đốc các chủ dự án, đơn vị quản lý, thi công các công trình xây dựng, giao thông, cải tạo hạ tầng đô thị thực hiện nghiêm các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu phát tán bụi, khí thải ra môi trường xung quanh (che chắn công trình, phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng, phun nước, rửa đường, rửa xe ra vào công trình…).

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1973/QĐ-TTG ngày 23/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, từ năm 2022 đến năm 2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để hoàn thiện cơ chế tài chính, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực quản lý chất lượng môi trường không khí; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát các cơ chế, chính sách hiện hành, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới cơ chế, chính sách phát triển ngành nghề truyền thống ít gây ô nhiễm môi trường không khí tại các làng nghề, chuyển đổi sản xuất đối với những làng nghề sản xuất gây ô nhiễm không khí; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xây dựng chương trình, đề án quốc gia phát triển phương tiện giao thông vận tải, hệ thống giao thông vận tải công cộng thân thiện với môi trường trong đó có phương tiện giao thông điện.

Hà My