Sau năm 2030, 2/3 người dân thế giới đối mặt nguy cơ mất an ninh về nước

Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 11:30, 24/03/2023

Theo thông cáo của Viện Đại học nước, môi trường và sức khỏe của Liên hợp quốc (UNU-INWEH), nếu không có các biện pháp quyết liệt ngay từ bây giờ, 2/3 người dân thế giới sẽ đối mặt với nguy cơ mất an ninh về nước sau năm 2030.
24-thieu-nc.jpg

Thông cáo báo chí đi kèm với Đánh giá An ninh nước toàn cầu nêu rõ thế giới còn xa mới đạt Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) 6 về việc đảm bảo mọi người đều được tiếp cận với nước sạch và vệ sinh.

Trong báo cáo Đánh giá An ninh nước toàn cầu 2023, công bố ngày 23/3, các chuyên gia thuộc Viện Đại học nước, môi trường và sức khỏe của Liên hợp quốc (UNU-INWEH) cảnh báo 2/3 người dân thế giới sẽ đối mặt với nguy cơ mất an ninh về nước sau năm 2030 nếu không có các biện pháp quyết liệt ngay từ bây giờ.

UNU-INWEH, được biết đến với cái tên Nhóm chuyên gia cố vấn về nước của Liên hợp quốc, được thành lập năm 1996 và là một thành viên trong các tổ chức của UNU.

Báo cáo trên được công bố vào ngày làm việc thứ hai của Hội nghị nước của Liên hợp quốc 2023, cung cấp một sự so sánh đa chiều về tình trạng an ninh nước đang ảnh hưởng tới 7,8 tỷ người tại 186 quốc gia ở giai đoạn giữa của Thập kỷ hành động về nước (2018-2028) và Chương trình nghị sự 2030 về sự phát triển bền vững.

Thông cáo báo chí đi kèm với báo cáo trên nêu rõ thế giới còn xa mới đạt Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) 6 về việc đảm bảo mọi người đều được tiếp cận với nước sạch và vệ sinh.

Người đứng đầu nhóm tác giả thực hiện báo cáo, nhà nghiên cứu an ninh nước cấp cao tại UNU-INWEH, bà Charlotte MacAlister, cho biết: “Nếu mất an ninh về nước, các quốc gia sẽ không có khả năng hỗ trợ các hệ sinh thái nước sạch, sinh kế và sự khỏe mạnh, sung túc của người dân."

Bà cũng nhấn mạnh rằng bản đánh giá toàn cầu này đã cho thấy những thách thức lớn trong quá trình phát triển mà các cuộc thảo luận chính sách cần tập trung vào trong 7 năm còn lại để thực hiện SDG 6.

Theo đánh giá của UNU-INWEH, các nhà hoạch định chính sách đang chủ yếu tập trung vào giảm thiểu tình trạng khan hiếm nước trên toàn cầu. Các tác giả cho rằng cách diễn giải chưa đủ về an ninh nước như vậy “đã khiến thế giới bị chệch hướng khỏi SDG 6 vào năm 2030."

Để cung cấp một cách hiểu thiết thực hơn về tình hình an ninh nước trên thế giới, báo cáo của Liên hợp quốc đánh giá an ninh nước dựa trên 10 nhân tố, gồm nước uống, vệ sinh, sức khỏe tốt và chất lượng nước...

Hà My