Ấn Độ sẽ phải chi khoảng 900 tỷ USD để thực hiện các bước chuyển đổi sang năng lượng sạch

Kinh tế môi trường - Ngày đăng : 19:30, 25/03/2023

Nhóm các chuyên gia nghiên cứu có trụ sở tại New Delhi ngày 23/03 vừa dự báo mức chi phí khoảng 900 tỷ USD trong 30 năm tới để Ấn Độ thực hiện các bước chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Theo hãng AP, sẽ có hơn 500 triệu người lao động tại Ấn Độ mất việc nếu nước này ngừng đốt than ngay ngày mai. Tuy nhiên, theo dự tính với 900 tỷ USD được chi trong 30 năm tới, nước này chắc chắn có thể bảo đảm được không ai bị bỏ lại phía sau trong nỗ lực lớn chuyển sang năng lượng sạch nhằm ngăn chặn biến đổi khí hậu do con người gây ra.

Khoản tiền 900 tỷ USD là chi phí được đưa ra trong 2 bản báo cáo của Diễn đàn quốc tế về môi trường, bền vững và công nghệ (iFOREST) - tổ chức tư vấn có trụ sở tại New Delhi - công bố ngày 23/03, trong đó ước tính cụ thể tốn phí Ấn Độ cần để chuyển đổi từ than đá và các loại nhiên liệu gây ô nhiễm khác sang nhiên liệu sạch mà không ảnh hưởng tới sinh kế của hàng triệu người đang làm việc tại các mỏ than và nhà máy nhiệt điện.

ando.jpg
Ước tính chi phí 900 tỷ USD để Ấn Độ từ bỏ than đá. Ảnh: AFP

iFOREST cũng nhấn mạnh rằng các phân tích về khí hậu và năng lượng cần cân nhắc việc đảm bảo mọi người có thể cùng tham gia chuyển đổi sang năng lượng sạch vốn rất cần thiết để ngăn chặn những tác hại tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu đồng thời đảm bảo các cơ hội việc làm mới cho những lao động trong các ngành sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

iFOREST cho rằng 600 tỷ USD sẽ lấy từ các đầu tư vào các ngành mới và hạ tầng; 300 tỷ USD là các khoản trợ cấp và vay để hỗ trợ người lao động trong lĩnh vực than đá và các cộng đồng bị ảnh hưởng.

Ấn Độ là một trong những nước phát thải khí lớn nhất thế giới, sau Trung Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). 75% nhu cầu điện năng, 55% nhu cầu năng lượng chung của nước này phụ thuộc vào than đá. Đầu tháng này, Chính phủ Ấn Độ đã ban hành các sắc lệnh khẩn cấp, nêu rõ các nhà máy than đá sẽ hoạt động hết công suất trong mùa Hè tới để tránh tình trạng thiếu điện. Theo số liệu của chính phủ, việc sử dụng than đá dự kiến đạt đỉnh vào quãng thời gian 2035-2040.

Năm 2021, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thông báo mục tiêu nước này sẽ đạt trung hòa khí thải vào năm 2070. Ngày 20/3 vừa qua, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) António Guterres kêu gọi các nước đẩy nhanh mục tiêu trung hòa khí thải, đặc biệt là các nước đang phát triển cần đặt mục tiêu năm 2050.

Tuy nhiên, một số nhà lãnh đạo Ấn Độ cũng bày tỏ sự hoài nghi đối với các quỹ khí hậu do các quốc gia phát triển hứa hẹn bởi đến hiện tại, những cam kết lời hứa hỗ trợ 100 tỷ USD/năm để giúp giải quyết các thách thức khí hậu từ năm 2009 từ các nước đang phát triển và thu nhập thấp vẫn chưa được đáp ứng.

Hồng Tú