Dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa cúm A/H1N1 như thế nào?

Y tế - Ngày đăng : 18:30, 26/03/2023

Cúm A (H1N1) là một trong những tác nhân phổ biến nhất gây bệnh cúm mùa trên thế giới, có biểu hiện lâm sàng khá nhẹ, sốt, mệt mỏi hoặc các biểu hiện của viêm đường hô hấp.
cum-a.jpg
Chủ động phòng bệnh cúm mùa trong trường học. Ảnh minh họa

Mới đây, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC) ghi nhận nhiều học sinh trong một lớp ở trường tiểu học Võ Trường Toản, quận 10, mắc cúm A/H1N1. Triệu chứng chính của các em là sốt, ho, đau họng, mệt mỏi, nôn.

Được biết, chùm ca bệnh tại trường xuất hiện từ ngày 15 - 16/3. Có 20 học sinh bị bệnh với các triệu chứng như sốt, ho, đau họng, mệt mỏi, ói. Nhiều học sinh có dấu hiệu sốt đến 39 độ C.

Sau khi thăm khám, các bác sĩ nhận định ban đầu nghi ngờ trẻ mắc cúm và thực hiện lấy ngẫu nhiên 6 mẫu xét nghiệm cúm. Mẫu xét nghiệm được gửi về Viện Pasteur để tiến hành phân lập.

Ngày 17/3, kết quả xét nghiệm cho thấy, 6/6 mẫu có kết quả dương tính với cúm A/H1N1. Tính từ ngày 17/3 đến nay, lớp học chưa ghi nhận thêm trường hợp mới có triệu chứng.

Những tháng đầu năm, TPHCM đã ghi nhận các chùm ca bệnh hô hấp ở trường học ở quận Bình Thạnh và mới đây là Quận 10. Các chùm ca bệnh đã được ghi nhận và xử lý sớm không lây lan ra cộng đồng.

Dấu hiệu nhận biết nhiễm cúm A/H1N1

Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, bệnh cúm A/H1N1 chủng đại dịch 2009 là một trong các bệnh cúm mùa hiện nay. Bệnh gây ra bởi cơ thể nhiễm virus cúm A/H1N1.

Đây là một loại virus cúm được phát hiện vào năm 2009 và đôi khi còn được gọi là cúm lợn. Bởi, ban đầu, các nhà khoa học cho rằng, chủng cúm này có nguồn gốc từ lợn (khác với chủng cúm A/H1N1 trước đó). Cúm A/H1N1 bùng phát mạnh vào năm 2009 và có tốc độ lây lan nhanh.

Tại Việt Nam, ca bệnh đầu tiên ghi nhận ngày 26/5/2009 và bùng phát mạnh vào những tháng cuối năm 2009. Sau khi triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống, dịch bệnh được đẩy lùi trong các tháng đầu năm 2010.

Đến tháng 7/2010, Việt Nam đã cơ bản khống chế dịch cúm A/H1N1. Từ năm 2010 đến nay, cúm A/H1N1 lưu hành thường xuyên và rộng khắp ở nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam.

Cúm A/H1N1 có thể dễ dàng lây lan từ người sang người qua không khí có chứa hạt nước nhỏ li ti khi người bệnh ho, hắt hơi, cười hoặc nói chuyện. Người bệnh cũng có thể mắc virus cúm do tiếp xúc, chạm tay vào bề mặt vật dụng bị nhiễm virus.

Hoặc, chạm vào khăn giấy có nhiễm virus, sau đó đưa tay lên mũi, miệng hay dụi mắt. Việc dùng chung đồ dùng, ly uống nước, hoặc bàn chải đánh răng với người bệnh cũng có thể lây nhiễm virus cúm A/H1N1.

Giống các chủng cúm mùa khác, khi nhiễm cúm A/H1N1, người bệnh thường có các triệu chứng như: Sốt, thường trên 38 độ C, ớn lạnh; Đau viêm họng; Nhức đầu. Người bệnh cũng thường đau mình và nhức cơ, ho khan, sổ mũi, mệt mỏi và suy nhược, tiêu chảy, ói mửa.

Chủ động phòng tránh bệnh

Để phòng ngừa cúm A/H1N1, người dân, trong đó đặc biệt là trẻ nhỏ, cần giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi hợp lý, tập thể dục thể thao thường xuyên, uống vitamin A (trẻ em)...

Ngoài ra, cần rửa tay thường xuyên với xà phòng, hạn chế đưa tay trực tiếp lên mắt, mũi. Chủ động đến các cơ sở y tế khi có những triệu chứng đau ngực, khó thở…

Đặc biệt, phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng cúm đúng lịch. Chủng vi rút cúm A/H1N1 sẽ biến đổi theo các năm, do đó phụ huynh cần tiêm nhắc lại mỗi năm cho trẻ.

Đối với những trẻ lớn nên tránh thức khuya, ăn uống đủ chất, tập thể dục thể thao…

Để phòng, chống các loại bệnh liên quan đến hô hấp, HCDC khuyến cáo, các cơ sở giáo dục cần thực hiện quản lý học sinh bằng công tác điểm danh mỗi ngày, qua đó nếu phát hiện có học sinh bị bệnh truyền nhiễm hoặc ghi nhận trường hợp có từ 2 học sinh cùng có vấn đề sức khỏe trong cùng một thời gian hoặc tăng bất thường số lượng học sinh bị bệnh, nhà trường cần báo ngay cho Trạm y tế và Trung tâm y tế địa phương để có hướng xử lý kịp thời.

Đồng thời, khi có trường hợp học sinh nghỉ nhiều ngày liên tiếp mà không rõ lý do, giáo viên chủ nhiệm và nhà trường phải chủ động liên hệ phụ huynh để xác định có phải bị bệnh truyền nhiễm.

Bên cạnh đó, khi đã phát hiện có chùm ca bệnh tại trường, nhà trường tiếp tục theo dõi tình hình học sinh nghỉ bệnh hoặc có triệu chứng mới hàng ngày tại trường (kể cả ngày nghỉ), cập nhật danh sách học sinh mắc bệnh theo triệu chứng, thời gian, lớp học và báo cáo về Trạm y tế theo quy định. Trạm y tế hỗ trợ nhân viên y tế trường học khám, khai thác triệu chứng, tiền sử ăn uống, sinh hoạt của học sinh và phối hợp với Trung tâm y tế giám sát theo dõi tình hình dịch bệnh tại trường, báo cáo về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố hàng ngày.

Công tác truyền thông là vô cùng quan trọng, cần có sự kết hợp giữa Trạm y tế và nhà trường để tăng cường truyền thông về các bệnh truyền nhiễm như đặc điểm, cách nhận biết các dấu hiệu của bệnh và các biện pháp phòng, chống; cách xử lý, chăm sóc và theo dõi sức khỏe trẻ. Vận động phụ huynh đưa con đi khám bệnh sớm khi có các triệu chứng nghi ngờ và phản hồi thông tin về nhà trường để quản lý, theo dõi.

Ngoài ra, phụ huynh nên chủ động cho con đi tiêm ngừa các bệnh đã có vắc xin như cúm, thủy đậu, quai bị. Tiêm vắc xin là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất để làm giảm tỷ lệ mắc và tỷ lệ bệnh nặng do bệnh truyền nhiễm.

Nguyên Lâm