Cháo bí ngô mẹ nấu, ký ức khó quên về làng cũ

Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 18:00, 27/03/2023

Một sáng ban mai, bản thân có đôi chút thời gian nhàn tản dạo quanh vườn nhà, tình cờ phát hiện có vài bông bí mới nở. Sắc vàng của hoa rung rinh trong nắng sớm khiến lòng tôi bất giác ngẩn ngơ nhớ quê hương. Kí ức về bát cháo bí ngô nóng hổi mẹ thường nấu cho đàn con dùng cho ấm bụng ở làng cũ, trong phút chốc chợt quay về trong tâm trí tôi.

Làng tôi khi xưa do nằm ven sông Hồng, sở hữu điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp nên trồng rất nhiều hoa màu, rau trái. Bí ngô vốn là loại hoa màu có thể trồng quanh năm nhưng tươi tốt và cho nhiều quả nhất là vào cuối xuân đầu hè. Thông thường, cứ khoảng đầu xuân, mẹ tôi lại tỉ mẫn mang những hạt bí đỏ ra ngâm cho nứt vỏ rồi ươm xuống đất thành mấy khóm. Chỉ ít lâu sau, cả khu vườn nhà tôi đã ngập tràn sắc xanh non mơn mởn của những ngọn bí mập mạp với những tua cuốn chắc khỏe bò lan khắp mặt đất.

Tôi nhớ mãi cảm giác háo hức của những buổi sáng mùa xuân, khi hơi lạnh vẫn còn lảng bảng trong không gian, bước chân ra vườn phụ mẹ tưới bí ngô, để rồi ngỡ ngàng khi phát giác vô số những nụ hoa thon dài bừng nở trong nắng sớm một màu vàng tươi óng ánh. Để rồi từ rất nhiều hoa cái nhú ra từ nách lá, hàng loạt quả bí ngô non dần được thành hình.

Mỗi khi ra thăm vườn, mẹ hay khẽ nhắc chúng tôi việc không được chỉ tay vào những chiếc hoa cái đang nở vì sợ nó bị “đui”, không đậu được quả. Mỗi khi nghe mẹ nhắc chừng như thế, cả bọn lại giật mình thon thót, cố gắng đi nhẹ nhàng, nói khẽ khàng vì sợ nhỡ không may vì mình mà vườn bí ngô không kết được trái nào, chắc buồn hiu hắt cả năm. Mà cũng chẳng biết có phải do chúng tôi nghiêm túc thực hiện lời mẹ dặn hay không mà vườn bí ngô nhà tôi năm nào cũng sai trĩu, quả lăn lóc khắp nơi.

Khi vườn bí ngô đậu quả, mẹ tôi thường đợi cho đến lúc dây bí già héo mới cắt quả mang vào nhà. Lúc này vỏ bí đã già cứng như một lớp gỗ mỏng chuyển màu vàng gạch và phủ một lớp trắng bờn bợt như phấn bên ngoài. Mỗi lần thu hoạch quả, tôi thường ì ạch giúp mẹ bê từng trái bí ngô vừa cắt vào xếp cẩn thận xuống dưới gầm giường, để dành dùng dần trong những tháng tiếp theo.

chao-bi-ngo.jpg
Cháo bí ngô mẹ nấu trở thành một phần không quên trong ký ức tuổi thơ

Cũng bởi, làng tôi cách cửa biển Ba Lạt khoảng chục cây số. Thi thoảng, những cơn bão biển kéo đến bất chợt khiến đời sống người dân thật sự chông chênh. Tôi nhớ bố thường để dành sẵn những tấm gỗ bịt ô gió, mấy cuộn dây thép, dây thừng neo cửa. Bố bảo đây là “của để dành” nhưng không phải để tích lũy mà nhằm sử dụng vào mỗi mùa bão về. Một cơn bão về thường thì kéo dài hai đến ba ngày mưa giông gió giật, trong đó có một đêm căng thẳng nhất mà căn nhà phải gồng mình chống đỡ là đêm tâm bão đi qua. Để đảm bảo an toàn cho cư dân, người ta sẽ cắt điện toàn khu vực. Những lúc như thế mẹ tôi sẽ dùng bếp củi để nấu món cháo bí ngô.

Những trái bí ngô chín già to tròn khi ấy sẽ được mẹ dùng dao rựa bổ ra làm tư, lấy một phần đem nấu cháo với hai bò gạo nếp mỗi bữa. Màu bí ngô vàng đỏ rất đẹp, phảng phát hương thơm đặc biệt. Chỉ cần một quả bí ngô gọt sạch lớp vỏ cứng bên ngoài, cắt lại thành từng miếng nhỏ như bao diêm, cho thêm ít gạo và đỗ xanh, là đã có một món cháo thơm bùi, ấm lòng bọn trẻ mùa mưa bão.

Bao giờ cũng thế, trong lúc mẹ nấu cháo, tôi hay tỉ mỉ ngồi bóc và tách hạt bí ngô ra để sau cơn bão sẽ đem phơi khô, trước khi ăn sẽ đem rang lên thơm phức, ngồi lai rai với vài chén trà mạn. Nồi cháo bí ngô nghi ngút khói trong đêm mưa bão lạnh làm chị em tôi rất háo hức. Chúng tôi hay tranh nhau vét phần cháo hơi khê dưới đáy xoong gang. Cũng bởi, dù phần cháo có hơi đặc lại so với phần còn lại nhưng lại vị thơm nồng, để lại dư vị ngòn ngọt nơi cổ họng.

Sau mỗi cơn bão hai ba quả bí ngô lại được đem ra dùng. Đôi khi không nhất thiết phải là mùa bão, có những hôm mưa to cả ngày, chợ thì xa không đi mua thức ăn được, mẹ tôi cũng hay đem một trái bí ngô ra làm nồi cháo ăn trong ngày mưa gió. Hương cháo bí thơm nồng quyện cùng mùi thơm của gạo nếp trong cái lành lạnh chiều mưa dần dần trở thành một phần không quên trong ký ức tuổi thơ tôi.

Thi thoảng, lại miên mẫn nhớ những buổi sáng quang đãng sau cơn bão dài, tôi thường chạy ra xung quanh làng để xem toàn cảnh thiệt hại và mót quả rụng, khi thì vài quả nhãn lúc là một vài nải chuối nhỏ đã bị hư quá nửa. Nhưng ám ảnh nhất vẫn là cảnh tượng vườn chuối nhà tôi đổ rạp, lộ ra khoảng trời xanh hun hút, và khuôn mặt buồn rượi đến não lòng của bố mẹ tôi. Nhìn thấy cảnh tượng đau lòng ấy, tôi cứ thế đứng nhìn ngẩn ngơ, lúng túng chẳng biết nói gì, chỉ mơ hồ nhận thấy nỗi buồn thương mênh mang từ hai đấng sinh thành.Thế mới hay, nghề trồng trọt bao giờ cũng là nghề chịu nhiều vất vả và gian nan nhất. Người nông dân dãi dầu mưa nắng, vất vả “một nắng hai sương” trên từng cánh đồng, góc vườn nhưng chỉ cần một cơn bão đi qua, mọi thứ lại quay về con số không.

Ngày tôi lên thành phố học, ngoài cái hòm tôn, bên trong đựng toàn sách vở, bên trên, mẹ còn buộc thêm cho tôi một bao gạo nhỏ đựng bằng túi cám con cò và hai quả bí ngô lấy dưới gầm giường ra cho tôi mang đi. Cuộc sống xa nhà của tôi trong những tháng năm sau đó dù vất vả nhưng chưa bao giờ thiếu thốn cái ăn cái mặc.Những bát cháo bí ngô nấu vội cho qua cơn đói ở kí túc xá hay để bồi bổ cho não lúc mệt mỏi vì thi cử, kì lạ thay luôn là hoài niệm khó quên trong lòng tôi. Cũng bởi, hơn tất cả đó không chỉ là đơn thuần là món ăn mà còn là biết bao sự quan tâm, tình yêu thương vô bờ bến của bố mẹ dành cho bản thân.

Mãi cho đến khi trưởng thành, trở thành một người trung niên, tôi vẫn không bao giờ quên được bát cháo bí ngô mẹ nấu ngày nào. Hôm nay, khi trời chiều Sài Gòn từng đám mây đen vần vũ kéo về, tiếng sấm đì đùng cuối chân trời cùng những cơn gió lạnh phả vào mặt báo hiệu một cơn mưa tầm tã đang tới gần. Mắt tôi lại nhòe đi, những ký ức về mùa bão năm xưa cùng hương thơm nồi cháo bí ngô mẹ nấu ngày nào nơi quê nhà ùa về, len lỏi trong từng giác quan của tôi. Bất giác thấy môi mình mằn mặn biết bao nỗi nhớ nhà…

Nguyễn Tuấn Khang