Chỉ có biển mới biết, “Rác đi đâu về đâu”!?
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 17:30, 28/03/2023
Nhiều địa phương, mặc dù đã được công nhận là địa phương đạt chuẩn NTM nhưng rác vẫn được đổ tràn lan bên vệ đường, tại các khu vực công cộng và ranh giới giữa hai địa phương…
Một số khu phố nhỏ ở nông thôn, miền núi, mới nhìn qua cảnh quan môi trường rất “sáng- xanh - sạch - đẹp”, nhưng nếu “ghé mắt” vào các nơi như: dưới cầu, sông suối, ao hồ công cộng…thì sẽ thấy vô số là rác thải các loại, nhiều nhất là bao ni lông, rất khó phân hủy.
Ngoài ra, còn có những trường hợp rác được mang từ xa đến “đổ trộm” , càng góp phần làm “đa dạng” và “phong phú” thêm các “tụ điểm” rác tại địa phương. Thực tế cho thấy, qua các trận lụt, các dòng sông, suối đã “chuyển” ra biển một khối lượng rác khổng lồ, mà chỉ có biển mới biết, “rác đi đâu về đâu”. Dấu tích của rác trôi theo con nước còn vướng mắc lại trên các nhánh gai của hai bên bờ tre dọc theo bờ sông, suối…nhiều vô kể, trắng xoá cả gốc bụi tre. Cuối cùng, biển là cái túi đựng rác khổng lồ, “góp phần” cho nguồn thuỷ sản cạn kiệt dần do môi trường biển bị phá huỷ.
Cứ sau mỗi lần có bão lụt, các địa phương có bờ biển đón nhận lượng rác khổng lồ từ các dòng sông, suối mang ra, rồi số “rác nổi” theo sóng trôi dạt vào bờ.
Cách đây mấy năm, chúng tôi có dịp chứng kiến các ngư dân đang đánh bắt bằng lưới quây (vây) trên vịnh biển. Các lão ngư nơi đây cho hay, hiện nay trong làn nước biển ở vịnh này quá nhiều rác nằm lơ lửng trong nước, nên các loại cá lớn nhỏ đã bỏ đi.
Một lão ngư trú ven biển cho hay, cách đây mấy năm, mỗi lần kéo lưới quây, chúng tôi thu được từ 20 – 30kg các loại. Sau các trận lụt, chúng tôi cố đánh bắt nhiều lần, nhưng lần nào cũng khoảng vài ký cá vụn và mỗi lần kéo, cá đâu không thấy, chỉ thấy toàn là rác khó phân hủy…
Thời gian qua, tại địa phương, các cấp, các ngành ở nông thôn, miền núi đã quan ngại đến thực trạng rác nói trên, đã cho thu dọn nhiều lần, có đặt bảng “cấm đổ rác“ tại các trọng điểm, có tuyên truyền vận động, giáo dục…Tuy nhiên, những biện pháp trên cũng chưa mang tính tích cực; có nơi, có lúc còn xem nhẹ, nên các dòng sông, con suối vẫn phải nhận và “tích trữ” rác dài dài.
Theo một nghiên cứu do tổ chức 5 Gyres Institute (Mỹ) thực hiện, đã công bố gần đây nhận định rác thải nhựa đổ ra các đại dương trên thế giới đã tăng lên với số lượng “chưa từng có” kể từ năm 2005.
Theo đó, tình trạng ô nhiễm nhựa trên đại dương có thể tăng gấp 2,6 lần vào năm 2040 nếu các chính sách ràng buộc về mặt pháp lý trên toàn cầu không được đưa ra. Tổ chức này ước tính, đã có khoảng 171 nghìn tỷ hạt nhựa trôi nổi trên các đại dương vào năm 2019.
Tổ chức môi trường Greenpeace cho biết, nếu không có một hiệp ước toàn cầu mạnh mẽ, lượng nhựa có thể tăng gấp đôi trong vòng 10 đến 15 năm tới và tăng gấp 3 lần vào năm 2050. Ngày 4/3, các nước thành viên của Liên Hợp Quốc đã thông qua văn bản của hiệp ước quốc tế đầu tiên nhằm bảo vệ vùng biển quốc tế sau nhiều năm đàm phán.
Hiện nay, có nhiều Tour du lịch sinh thái của người nước ngoài có khuynh hướng về với nông thôn, miền núi để tham quan, tìm hiểu. Song, tình hình môi trường ở khu vực nông thôn, miền núi này nếu không được quan tâm, cải thiện đúng mức thì ảnh hưởng rất lớn đến cảnh quan, uy tín của môi trường du lịch Việt Nam.
Môi trường xanh, sạch, đẹp là tài sản quý báu, vô giá… cho thế hệ con cháu nên người dân chúng ta phải biết ý thức, giữ gìn, không nên vứt rác bừa bãi ở tất cả mọi nơi, mọi lúc để giữ gìn môi trường “sáng-xanh- sạch- đẹp”, không khí trong lành, cảnh quan văn hóa, văn minh.