Quan hệ Việt Nam - Malaysia: Hợp tác kinh tế là động lực đưa quan hệ song phương đi vào thực chất

Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 14:00, 30/03/2023

Kể từ ngày 30/3/1973, Việt Nam và Malaysia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, nửa thế kỷ đã trôi qua, quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước phát triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực, mang lại lợi ích to lớn và thiết thực cho hai nước cũng như đóng góp vào việc xây dựng môi trường hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng chung trong khu vực.
30-vn-malassia.png
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Malaysia Dato’ Sri Ismail Sabri Yaacob.

Kể từ ngày 30/3/1973, Việt Nam và Malaysia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, nửa thế kỷ đã trôi qua, quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước phát triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực, mang lại lợi ích to lớn và thiết thực cho hai nước cũng như đóng góp vào việc xây dựng môi trường hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng chung trong khu vực.

Với mối quan hệ ngày càng phát triển toàn diện và thực chất giữa hai nước, Việt Nam và Malaysia sẽ cùng chung tay hướng tới tương lai của tình hữu nghị, thống nhất và đoàn kết, nhằm đưa quan hệ hợp tác song phương đi vào thực chất và hiệu quả hơn, đóng góp vào việc xây dựng và duy trì môi trường hòa bình, ổn định và thịnh vượng

Nâng tầm quan hệ song phương

Sau 50 năm thiết lập, củng cố và phát triển, quan hệ chính trị-ngoại giao giữa Việt Nam và Malaysia không ngừng phát triển trên các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội. Nhân chuyến thăm chính thức Malaysia của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào tháng 8/2015, hai nước đã nhất trí nâng tầm quan hệ song phương lên Đối tác Chiến lược, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài và toàn diện giữa hai nước.

Trong các chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Malaysia Mahathir (8/2019) và Thủ tướng Ismail Sabri (3/2022, Lãnh đạo cấp cao hai nước đều cam kết làm sâu sắc hơn nữa hợp tác chính trị thông qua thúc đẩy và duy trì thường xuyên các cuộc tiếp xúc cấp cao, củng cố các cơ chế hợp tác song phương hiện có, đặc biệt là Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, khoa học và công nghệ (JCM) và Ủy ban hỗn hợp Thương mại (JTC). Ngoài ra, hai bên đang triển khai hàng chục thỏa thuận hợp tác đã ký kết, trong đó có Kế hoạch hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược giai đoạn 2021 - 2025 nhằm thúc đẩy hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực.

Giao lưu nhân dân ngày càng mở rộng trên nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục, du lịch, văn hóa và hợp tác lao động, góp phần thúc đẩy sự hiểu biết và sự gắn bó giữa nhân dân hai nước. Hàng nghìn người Việt Nam đang sinh sống, học tập và lao động tại Malaysia đang là cầu nối gắn kết nhân dân hai nước.

Về quốc phòng và an ninh, hai nước duy trì trao đổi đoàn các cấp và giao lưu, đào tạo, trao đổi kinh nghiệm giữa các quân, binh chủng; duy trì và củng cố cơ chế trao đổi thông tin và phối hợp giữa các lực lượng hải quân và cảnh sát biển nhằm ứng phó hiệu quả với các vấn đề phát sinh trên biển. Hai bên cũng tăng cường trao đổi thông tin liên quan đến công tác phòng, chống khủng bố, tội phạm mạng, tội phạm xuyên quốc gia.

Quan hệ Việt Nam - Malaysia: Hợp tác kinh tế là động lực đưa quan hệ song phương đi vào thực chất

Malaysia là một trong số 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương tăng đều qua các năm, trong đó năm 2022 đạt gần 14,8 tỷ USD (Việt Nam xuất khẩu sang Malaysia 5,57 tỷ USD và nhập khẩu 9,1 tỷ USD). Việt Nam và Malaysia đều rất coi trọng tăng cường hơn nữa hợp tác thương mại theo hướng phát triển cân bằng và bền vững, nỗ lực đạt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 18 tỷ USD vào năm 2025.

Hai bên nhất trí tạo thuận lợi mở cửa thị trường cho các sản phẩm xuất khẩu chủ đạo của nhau, bao gồm các mặt hàng nông sản và thủy sản, các sản phẩm Halal, thực phẩm chế biến, linh kiện và thành phẩm điện tử... Về đầu tư, Malaysia nằm trong số 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với số vốn đầu tư 13,08 tỷ USD trong hơn 700 dự án. Các doanh nghiệp Malaysia ngày càng tham gia đầu tư nhiều và hiệu quả tại Việt Nam trong các lĩnh vực hạ tầng chất lượng cao, năng lượng, công nghệ cao, kinh tế số, chuyển đổi số và đô thị thông minh…

Bên cạnh đó, các hoạt động hợp tác giữa hai nước thời gian qua trong các lĩnh vực khác, nhất là hợp tác lao động cũng phát triển mạnh mẽ và mang lại hiệu quả thiết thực. Từ năm 2003, hai chính phủ đã ký thỏa thuận hợp tác lần đầu tiên về việc đưa người Việt Nam sang làm việc tại Malaysia, ký lại năm 2015 và năm 2022 trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của cựu Thủ tướng Ismail Sabri.

Tăng cường phối hợp lập trường tại các diễn đàn khu vực, quốc tế

30-vn-malasya.png
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Malaysia Dato’ Sri Ismail Sabri bin Yaakob.

Việt Nam và Malaysia là các đối tác chặt chẽ trong ASEAN cũng như trong các cơ chế liên khu vực như Liên hợp quốc, các cơ chế do ASEAN dẫn dắt (ASEAN+1, ASEAN+3, Hội nghị cấp cao Đông Á…), APEC và ASEM. Cả hai cũng là thành viên của các hiệp định thương mại thế hệ mới, bao gồm Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) và Khu vực Thương mại Tự do ASEAN (AFTA). Hai nước cam kết tăng cường hợp tác chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các cơ chế đa phương này nhằm duy trì các nhân tố đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, bền vững và bao trùm cũng như hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực và trên toàn thế giới.

Hai nước cũng chia sẻ tầm quan trọng của việc tiếp tục tăng cường đoàn kết, duy trì lập trường chung của ASEAN trong vấn đề Biển Đông, cũng như kêu gọi việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, thúc đẩy đàm phán sớm đạt được COC hiệu quả và thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS-1982), góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực. Hai bên ủng hộ việc đẩy mạnh hợp tác trên biển và đại dương trong các lĩnh vực ưu tiên như phát triển bền vững kinh tế biển, quản lý nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường biển.

Trong các vấn đề khu vực và quốc tế khác như vấn đề Myanmar, hai nước sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với nhau và với các nước thành viên ASEAN để khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN, đề cao các nguyên tắc của Hiến chương ASEAN, Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế; tăng cường hiệu lực và hiệu quả của việc tìm kiếm các giải pháp tốt nhất.

Sau cuộc Tổng tuyển cử lần thứ 15 vào tháng 11/2022, quan hệ Việt Nam và Malaysia được kỳ vọng sẽ tiếp tục có những bước tiến mới sau khi Malaysia thành lập Chính phủ mới từ tháng 12/2022. Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Anwar Ibrahim, Malaysia dự kiến sẽ tiếp tục theo đuổi quan hệ đối tác kinh tế lớn hơn với Việt Nam trong bối cảnh Malaysia là một trong những nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam, đồng thời sẽ khuyến khích Việt Nam đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực năng lượng và thực phẩm tại Malaysia.

Với mối quan hệ ngày càng phát triển toàn diện và thực chất giữa hai nước, Việt Nam và Malaysia sẽ cùng chung tay hướng tới tương lai của tình hữu nghị, thống nhất và đoàn kết, nhằm đưa quan hệ hợp tác song phương đi vào thực chất và hiệu quả hơn, đóng góp vào việc xây dựng và duy trì môi trường hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.

Mai Hạ