[Góc nhìn tuần qua]: Di dời khỏi chung cư cấp D - Cần vì lợi ích chung
Góc nhìn tuần qua - Ngày đăng : 11:00, 01/04/2023
Vấn đề cải tạo chung cư, tập thể cũ đã được Hà Nội đặt ra từ hơn 20 năm trước, mục tiêu đến năm 2015 sẽ hoàn thành. Nhưng đến nay, mới chỉ có 19 tập thể cũ được cải tạo; 14 đang triển khai. Cuối năm 2022, thành phố Hà Nội khởi động lại đề án này, bắt đầu với những chung cư cũ cấp độ D - nguy hiểm. Và mới đây nhất là quyết định trong 3 tháng đầu năm di dời toàn bộ hộ dân khỏi nhà chung cư xuống cấp nguy hiểm.
Cải tạo chung cư cũ đang là nhiệm vụ hết sức cấp thiết với 1 số đô thị lớn, đặc biệt là với Thủ đô Hà Nội, nơi có tới hơn 1.500 nhà chung cư cũ nhưng mới chỉ cải tạo được khoảng 1%. Kế hoạch của thành phố là hết quý 1 năm nay phải di dời được người dân ra khỏi 4 chung cư cấp D, cấp nguy hiểm có thể sập đổ bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, việc triển khai vẫn còn rất ngổn ngang. Nguy cơ chậm tiến độ đã hiện hữu, bởi một số người dân nhất quyết không chịu rời khỏi chung cư cấp D - chung cư xuống cấp ở mức nguy hiểm nhất ở Hà Nội.
Để cải tạo các tòa nhà chung cư cũ, phương án được đưa ra là các hộ dân sẽ bàn giao nhà cho doanh nghiệp để thực hiện việc cải tạo. Người dân sẽ được tái định cư tại nơi ở cũ, doanh nghiệp xin nâng tầng để kinh doanh số căn hộ còn lại sau khi đã trả nhà cho các hộ dân cũ. Thế nhưng một trong những lý do khiến các tòa nhà chưa thể xây dựng. Đó là do giữa các bên chưa có tiếng nói chung.
Một trong những giải pháp để có thể giải quyết những vướng mắc này là việc cần phải sửa đổi Luật Nhà ở. Đây được coi là hành lang cho việc cải tạo nhà nguy hiểm, chung cư cũ được thuận lợi. Bên cạnh đó, những bài học từ việc cải tạo các chung cư cũ trước đó cũng là cơ sở quan trọng cần lưu tâm. Nhà ở luôn là nhu cầu thiết yếu nhất của mỗi gia đình, chỉ khi nào người dân có thể an cư thì mới lạc nghiệp. Các đô thị cũng mới có thể thay đổi bộ mặt và phát triển văn minh, an toàn hơn.