Ngành du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu phòng chống rủi ro, thiên tai
Môi trường du lịch - Ngày đăng : 17:00, 01/04/2023
Theo Sở Du lịch, địa hình Bà Rịa-Vũng Tàu được biển bao bọc. Các loại hình du lịch, dịch vụ chủ yếu phát triển chạy dọc hơn 300km đường bờ biển. Dù vị trí địa lý của Bà Rịa-Vũng Tàu được đánh giá an toàn, ít bão gió nhưng không vì thế mà chủ quan, lơ là. Nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu những năm gần đây gây hiện tượng thời tiết cực đoan, không theo quy luật, thiên tai ngày càng nhiều không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà còn gây rủi ro cho phát triển ngành du lịch. Do đó, tăng cường khả năng PCTTTKCN là một nhiệm vụ quan trọng cấp bách, thường xuyên trong ngành du lịch với phương châm phòng ngừa là chính.
Hằng năm, Sở Du lịch đều có văn bản yêu cầu các khu, điểm du lịch phải xây dựng phương án PCTTTKCN, phân công, phân cấp, xác định rõ trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu DN trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ”; tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức về công tác phòng, chống, ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho người lao động. Sở Du lịch cũng đến từng khu, điểm, cơ sở lưu trú kiểm tra, nhắc nhở để chủ động về phương tiện, con người, xử lý tình huống sẵn sàng ứng cứu khi cần thiết.
Bà Nguyễn Thị Lệ, Trưởng phòng Quản lý Phát triển Du lịch Sở Du lịch, cho biết, trong tháng 3, Đoàn công tác của Sở Du lịch đã tiến hành kiểm tra công tác chuẩn bị, ứng phó PCTTTKCN năm 2023 tại một số khu, điểm kinh doanh ven biển trên toàn tỉnh.
Quá trình kiểm tra, Đoàn ghi nhận các cơ sở trên đều nêu cao chủ động ứng phó phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Phương án PCTTTKCN được xây dựng chú ý yếu tố con người, quy trình xử lý sự cố và mua sắm phương tiện, trang thiết bị thiết yếu, chuyên dụng đáp ứng hiệu quả công tác ứng phó sự cố thiên tai. Các cơ sở có hồ hơi, bãi tắm đều trang bị phương tiện cứu đuối và đội ngũ cứu hộ giỏi bơi lội và nghiệp vụ cứu người.