Phong tục truyền thống cần biết trong Tết Thanh minh

Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 14:30, 04/04/2023

Ngày Tết Thanh minh là dịp mà con cháu nhớ đến ông bà tổ tiên, đây là một truyền thống gắn liền với dân tộc Việt từ bao đời nay.
thanh-minh.jpg
Ảnh minh họa.

Ngày Tết Thanh minh 2023 rơi vào thứ Tư, ngày 5/4 Dương lịch (tức ngày 15/2 Âm lịch) và kết thúc vào khoảng ngày 20 đến 21/4 Dương lịch (thời điểm bắt đầu tiết Cốc vũ).

Thanh minh là một từ Hán – Việt, trong đó “thanh” có nghĩa là khí trong, còn “minh” là sáng sủa. Thanh minh có nghĩa là trời mát mẻ, quang đãng.

Vào ngày Tết Thanh minh, dù là người già hay trẻ đều ra phần mộ của dòng họ để quét dọn, sửa sang và bày mâm cúng để bày tỏ lòng thành kính, biết ơn tổ tiên.

Lễ cúng Tết Thanh minh cần chuẩn bị những gì?

Trong ngày này ngoài việc tảo mộ thì tục cúng hay chuẩn bị mâm cúng cũng là một phần quan trọng được người Việt coi trọng. Mọi người trong gia đình sẽ đi chợ mua đồ để chuẩn bị mâm cúng, tùy theo phong tục và địa phương mâm cúng chuẩn bị sẽ khác nhau, nhưng chủ yếu vẫn là một mâm cơm bình thường để mời cơm ông bà tổ tiên cùng nhau ăn uống sum vầy chứ không khoa trương hay mở yến tiệc linh đình.

Sắm lễ thường gồm: Mâm cơm cúng đầy đủ gồm xôi, gà, canh măng, miến xào.

Hương, hoa, đèn, trầu cau, tiền vàng, hoa quả.

Ở ngoài mộ: Khi làm lễ tảo mộ ở ngay ngoài mộ phần gia chủ tiến hành sắp xếp đồ cúng, lưu ý hoa quả, tiền vàng được đặt chung, nhưng lễ mặn thì đặt riêng. Sau đó thắp nhang, đèn, chỉ nên cắm 1 hoặc 3 nén (kiêng kỵ cắm 2 nén) và vái 3 lần để tỏ lòng thành với quan thổ công thổ địa rồi mới mời gia tiên trở về và bắt đầu đọc bài khấn vái cho tiết Thanh minh.

Đợi hương tàn, mọi người tiến hành ra khu lăng mộ của gia đình thắp hương và xin phép ông bà cho mình được dọn dẹp. Lễ cúng hoàn tất, mọi người dọn dẹp, sửa sang. Khi tuần hương được 2/3 lúc này mọi người có thể tạ lễ, hóa vàng, xin lộc và ra về.

Ở tại gia: Cúng lễ tiết Thanh minh tại nhà cần lưu ý dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, đặc biệt là bàn thờ gia tiên. Chuẩn bị mâm cỗ sẵn ở nhà để tiến hành cúng sau khi đã thanh minh tại mộ. Thắp hương khấn vái tương tự như các tục cúng khác. Cần thành tâm và giữ thái độ trang trọng khi làm lễ để thể hiện lòng thành kính đối với ông bà tổ tiên.

Những điều cần kiêng kỵ trong Tết Thanh minh

Theo quan niệm dân gian, trong ngày Tết Thanh minh, gia chủ không nhất thiết phải chú trọng chuyện mâm cao cỗ đầy nhưng phải biết những điều kiêng kỵ để tránh vận xui.

Theo đó, khi đi tảo mộ vào dịp Tết Thanh minh, mọi người không đi qua nơi hoang vu, hẻo lánh, cỏ cây rậm rạp, mà nên đi trên những con đường rộng rãi, thoáng đãng nhiều người qua lại. Nên đi cùng nhiều người.

Phụ nữ đến tháng, phụ nữ có thai hay người bị phong hàn thấp khớp thì không nên đi tảo mộ vì khu vực nghĩa trang có nhiều âm khí, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.

Lúc đến nghĩa trang, khi đi ngang mộ phần người khác cần tránh giẫm đạp lên mộ, làm đổ đồ cúng của người khác. Không nên bàn tán chỉ trỏ vào mộ người khác vì như vậy là thiếu sự tôn trọng với người đã mất. Trẻ nhỏ, thanh thiếu niên cần đặc biệt lưu ý chuyện này.

Bởi vì tảo mộ là khoảng thời gian gia đình tụ tập lại với nhau nên mọi người thường chụp ảnh kỷ niệm. Tuy nhiên điều này không được khuyến khích tại khu vực nghĩa trang.

Trước khi tu sửa dọn dẹp mộ phần, cần thắp hương khấn gia tiên để xin phép. Khi dọn dẹp mộ phần nên dọn sạch sẽ trước sau cũng như kiểm tra tình trạng mộ để tránh chuột rắn rết bò vào bên trong. Nếu như xung quanh mộ có nước thì phải dọn sạch.

Vào tết Thanh minh, mọi người không nên để tóc phủ trước trán. Người xưa cho rằng, trán là cánh cửa vận mệnh của con người, là nơi đèn thần soi rọi, không nên để tóc che phủ vào ngày này.

Ngoài ra, cũng không nên tổ chức các sự kiện hiếu, hỉ, tiệc tùng linh đình, ồn ào vào Tết thanh minh, vì đây là ngày cần toàn tâm toàn ý với các bậc tiên tổ.

Nguyên Lâm