Kiên Giang: Tăng cường bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học

Đa dạng sinh học - Ngày đăng : 20:00, 05/04/2023

Từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Kiên Giang tăng cường bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học, góp phần phát triển kinh tế-xã hội theo hướng kinh tế xanh, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn cho biết tỉnh mở rộng, nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống các di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên bền vững, bảo tồn tính đa dạng sinh học cao. Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh có 80% khu bảo tồn thiên nhiên, di sản thiên nhiên được đánh giá hiệu quả quản lý chất lượng; che phủ rừng toàn tỉnh đạt 11%.

Tỉnh bảo tồn hiệu quả các loài hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý, hiếm, loài di cư được ưu tiên bảo vệ, không có thêm loài hoang dã bị tuyệt chủng, thống kê, lưu giữ, bảo tồn các nguồn gen hoang dã và giống cây trồng, vật nuôi.

da-dang-sinh-hoc.jpg
Tỉnh Kiên Giang tăng cường bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học

Đến năm 2050, trên địa bàn tỉnh, các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài nguy cấp, quý, hiếm được bảo tồn thực sự có hiệu quả, đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái sử dụng bền vững, mang lại lợi ích thiết yếu cho người dân.

Tỉnh quản lý rừng bền vững, bảo tồn hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, bảo đảm an ninh môi trường, nguồn nước, chống suy thoái đất đai, giảm thiểu tác động của thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Triển khai các mục tiêu trên, Kiên Giang kiện toàn, tăng cường năng lực hệ thống quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, tổ chức hoạt động và nâng cao năng lực của các Ban quản lý, tổ chức được giao quản lý khu di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên.

Tỉnh đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý, hệ thống quan trắc đa dạng sinh học, tuyên truyền, giáo dục về môi trường, đa dạng sinh học trong cộng đồng, tạo sự đồng thuận, chung tay bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học.

Tỉnh quy hoạch bảo tồn các giống cây trồng, vật nuôi bản địa có giá trị khoa học, kinh tế và ưu tiên bảo vệ các loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm; kiểm soát, phòng ngừa loài ngoại lai xâm hại trong các hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển, rừng đặc dụng, đất ngập nước, đất nông nghiệp.

Đồng thời, Kiên Giang khuyến khích và áp dụng các mô hình đồng quản lý khu bảo tồn, chú trọng sự tham gia và lợi ích của cộng đồng dân cư sinh sống trong vùng đệm, xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển vùng đệm của các khu bảo tồn và thực hiện mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình bền vững trong vùng đệm.

Cùng với đó, tỉnh điều tra, đánh giá, xác định các khu vực đa dạng sinh học cao, vùng đất ngập nước quan trọng để thực hiện các biện pháp bảo tồn đa dạng sinh học hiệu quả; thực hiện các biện pháp bảo vệ, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng phá, khai thác trái phép rừng, bảo vệ các khu vực tập trung sinh sản của các giống loài, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống và đường di cư của loài thủy sản.

Kiên Giang thả bổ sung vào môi trường kênh rạch, sông, hồ tự nhiên các loài thủy sản bản địa, đặc hữu có giá trị kinh tế, khoa học và nghiên cứu hình thành các khu vực cư trú nhân tạo cho loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm...

Trước mắt, tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng có liên quan triển khai chương trình truyền thông, tài liệu tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; xây dựng phần mềm và tạo lập cơ sở dữ liệu môi trường của tỉnh.

Chi cục Kiểm lâm chủ trì thực hiện dự án nâng cao năng lực quản lý, chăm sóc, cứu hộ các loài động vật hoang dã do buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp bị xử lý tịch thu; động vật hoang dã do tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp, hiến tặng, kết hợp xây dựng phòng trưng bày, lưu giữ mẫu vật, hình ảnh các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm, đặc hữu có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Vườn Quốc gia U Minh Thượng chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện dự án tăng cường năng lực cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học về đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật trang thiết bị thực hiện điều tra, kiểm kê, quan trắc lập báo cáo đa dạng sinh học, hỗ trợ hoạt động bảo tồn tại Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển động, thực vật hoang dã…; phục hồi rừng trên đất than bùn bị cháy và suy thoái, các sinh cảnh đất ngập nước đặc trưng Khu Ramsar Vườn Quốc gia U Minh Thượng; bảo tồn các loài hoang dã, nhất là các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài di cư; lưu giữ và bảo tồn nguồn gen 4 loài nguy cấp, quý, hiếm.

Kiên Giang có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp khoảng 80.000ha, chiếm 12,58% diện tích tự nhiên của tỉnh, với diện tích đất có rừng hơn 76.900ha.

Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang được UNESCO công nhận tổng diện tích 1.188.106ha, là khu dự trữ sinh quyển lớn thứ 2 trong 9 khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam.

Khu dự trữ gồm phần đất liền, biển và hải đảo thuộc địa bàn 10 huyện, thành phố của tỉnh là Vĩnh Thuận, An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành, Kiên Hải, Phú Quốc, Hà Tiên.

Kiên Giang còn có Khu bảo tồn biển Phú Quốc diện tích hơn 40.900ha phục hồi sinh cư (san hô) và các nhóm nguồn lợi quan trọng trong các hệ sinh thái như bàn mai, bào ngư, hải sâm cát, ốc đụn, cá ngựa... góp phần gia tăng quần đàn sinh sản, tăng sinh khối và khả năng bổ sung tự nhiên, phục hồi hệ sinh thái, tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên cho ngư trường.

Hoàng Anh