An Giang: Nhiều dự án được Australia hỗ trợ nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu
Kinh tế môi trường - Ngày đăng : 08:30, 06/04/2023
Nhiều dự án đang phát huy hiệu quả
Một trong những dấu ấn trong mối quan hệ giữa tỉnh An Giang và các đối tác Australia trong thời gian qua là Dự án kiểm soát lũ Bắc Vàm Nao, triển khai tại huyện Phú Tân. Dự án góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong vùng, ổn định đời sống của hơn 200.000 người, giúp kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 11,89% (trước khi triển khai dự án) xuống còn 7,3% (khi dự án vận hành). Dự án giúp vùng cù lao Phú Tân tránh được thiệt hại do lũ gây ra, giảm ô nhiễm môi trường nước.
Trong tổng kinh phí đầu tư khoảng 200 tỷ đồng (giai đoạn từ tháng 1/2002 - 9/2007), nguồn vốn từ Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Australia hỗ trợ 68,5 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng và các nguồn vốn khác. Dự án kiểm soát lũ Bắc Vàm Nao tập trung xây dựng mới cống hở, cống bọng, cầu; sửa chữa các cống hiện hữu và khép kín đê vành đai, giúp giữ được mực nước vừa phải trong toàn vùng dự án, bảo vệ an toàn cho thu hoạch lúa, nếp hè thu, tiêu nước nhanh để xuống giống sớm vụ đông xuân vào mùa lũ; gia tăng lượng nước vào các kênh, rạch trong đồng ruộng vào mùa khô hàng năm.
Nhờ vậy, đã giúp nhân dân cù lao Phú Tân và vùng đầu nguồn lũ Tân Châu sản xuất ăn chắc, tăng lên 3 vụ/năm thông qua vận hành đóng, mở/cống theo từng thời điểm. Ngay trong mùa nước nổi, dự án tạo cơ hội cho trên 58.000 lao động có việc làm tại chỗ, tăng thêm thu nhập cho người dân nông thôn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, không chỉ Dự án kiểm soát lũ Bắc Vàm Nao, mà quan hệ hợp tác giữa An Giang và các đối tác Australia còn có những bước phát triển đáng ghi nhận. Điển hình trong số đó là hiệu quả từ Dự án nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn (2007 - 2011); 4 dự án thuộc Chương trình viện trợ trực tiếp của Chính phủ Australia (DAP) về lĩnh vực nước sạch, vệ sinh môi trường…
“Các chương trình, dự án mà Chính phủ Australia, các tổ chức và cá nhân Australia đã hỗ trợ cho tỉnh An Giang đều có tính thực tiễn cao, góp phần giải quyết trực tiếp những khó khăn về kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng xa, giúp cải thiện cuộc sống, nâng cao nhận thức và năng lực của người dân trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu” - ông Thư đánh giá.
Tiếp tục hỗ trợ những dự án thích ứng với biến đổi khí hậu
Vừa qua, đoàn công tác do ông James Alenxander Deane, Bí thư thứ hai của Đại sứ quán Australia tại Hà Nội dẫn đầu đã đến thăm, làm việc với tỉnh An Giang. Cùng đi với đoàn có Quản lý chương trình Đại sứ quán Australia Nguyễn Thùy Linh; Trưởng nhóm chuyên gia về khí hậu Liesl Keam; bà Froniga Greig và bà Trần Thị Minh Lương, chuyên gia GEDSI (bình đẳng giới, khuyết tật và hòa nhập xã hội); ông Nguyễn Châu Thành, chuyên gia MEL (giám sát, đánh giá và học hỏi)...
Sau khi làm việc với UBND tỉnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư chủ trì buổi tiếp, đoàn đã làm việc với Trường Đại học An Giang, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, tham quan và tìm hiểu tại Nông trại Ếch Ộp (phường Mỹ Quý, TP. Long Xuyên).
Ông James Alenxander Deane cho biết, chuyến thăm An Giang có ý nghĩa đặc biệt, nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Australia (26/2/1973 - 26/2/2023). Riêng đối với An Giang, là tỉnh trọng điểm sản xuất nông nghiệp của vùng ĐBSCL và cả nước, nhưng cũng chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH).
Qua khảo sát thực tế, Australia sẽ tiếp tục hỗ trợ cho An Giang thêm các công trình, dự án, đặc biệt ưu tiên những dự án sử dụng giải pháp thích ứng BĐKH, lồng ghép các chương trình, mục tiêu khác nhau để đạt mục tiêu chung, trong đó có sự phối hợp, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế khác.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư trân trọng cảm ơn sự quan tâm của cá nhân ông James Alenxander Deane, Chính phủ Australia, Đại sứ quán Australia tại Hà Nội cũng như các đối tác Australia với tỉnh An Giang.
Ông Thư cho biết, cũng như đất nước Australia đang chịu tác động của BĐKH, biểu hiện rõ nét là lũ lụt, hạn hán ngày càng nghiêm trọng, vùng Bảy Núi - An Giang cũng chịu tác động lớn của hạn hán, thiếu nước mùa khô; vùng đầu nguồn An Giang thường xuyên “đói” lũ, thiếu phù sa, thiếu cát bù đắp do một số nước thượng nguồn sông Mekong ngăn đập thủy điện.
Vùng ĐBSCL đang cần lượng cát lớn để thi công các công trình giao thông, đường cao tốc trọng điểm. Tuy nhiên, nếu khai thác cát quá nhiều, lượng cát không bù đắp được dẫn đến thay đổi dòng chảy, nguy cơ sạt lở đất bờ sông càng nhiều. Đây là mâu thuẫn mà các cơ quan quản lý, các nhà khoa học vẫn đang trăn trở tìm giải pháp.
Trên cơ sở gợi mở của ông James Alenxander Deane và đoàn công tác Đại sứ quán Australia tại Hà Nội, ông Trần Anh Thư đề nghị Australia hỗ trợ An Giang những công trình, dự án mang tính giải pháp tạo sinh kế lâu dài cho người dân ở những vùng dễ bị tổn thương do BĐKH. Trong đó, ưu tiên công trình hồ trữ nước nước ngọt vùng núi, hồ trữ lũ vùng Tứ giác Long Xuyên; chia sẻ công nghệ quản trị tổng thể dòng sông, đảm bảo hoạt động khai thác cát không ảnh hưởng dòng chảy, sạt lở bờ sông.
Các đối tác Australia có thể nghiên cứu hỗ trợ An Giang và vùng ĐBSCL xây dựng hệ thống đê ngăn triều để ứng phó với nước biển dâng, thay vì cứ phải nâng cao độ công trình, đường sá như hiện nay (khi nâng cao lại tốn nhiều cát); nghiên cứu vật liệu thay thế cát sông (bùn nạo vét từ kênh thủy lợi, vật liệu tái chế, vật liệu tổng hợp...).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, tỉnh đang triển khai mô hình sản xuất lúa giảm phát thải theo tiêu chuẩn SRP. Phía Australia có thể hỗ trợ nhân rộng mô hình này, tiến tới bán tín chỉ carbon nhằm tăng thu nhập cho người trồng lúa, từ đó khuyến khích phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng BĐKH…
Với sự quan tâm của Australia và các tổ chức quốc tế, An Giang kỳ vọng sẽ có được thêm những dự án quy mô lớn, tầm nhìn xa hơn để thích ứng trước tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH).