Đất ngập nước ở Việt Nam và vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu - Bài 3: Bảo tồn đi liền với "thích ứng"
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 09:30, 06/04/2023
Tạo sinh kế cho người dân nơi vùng đất ngập nước
Là một tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong những năm qua, Long An đã chịu ảnh hưởng nặng nề do tác động của BĐKH, như: mưa, lũ, ngập úng kéo dài và tình trạng xâm nhập mặn. Những tác động này đã ảnh hưởng không nhỏ đối với môi trường sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân địa phương.
Trước thực trạng đó, UBND tỉnh Long An đã ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH tỉnh Long An giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Trong đó, một trong những giải pháp quan trọng mà địa phương đã triển khai thực hiện đạt hiệu quả, đó là đẩy mạnh trồng rừng và trồng cây xanh phân tán nhằm tăng khả năng, sức chống chịu với thiên tai, bão lũ cũng như tạo sinh kế cho người dân vùng đất ngập nước.
Theo ngành chức năng Long An, trong thời gian qua, ngoài công tác trồng rừng, tỉnh Long An cũng luôn quan tâm đến công tác bảo vệ và chăm sóc rừng. Trong đó, ngoài lực lượng Kiểm lâm và chính quyền địa phương, tỉnh còn xác định công tác bảo vệ rừng phải dựa vào người dân. Do vậy, việc chăm lo cho đời sống của người dân là một phần không thể thiếu trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Điển hình là Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen có tổng diện tích đất lâm nghiệp gần 2.000 ha, chủ yếu là rừng tràm với lớp thực bì dày, rất dễ gây cháy. Nơi đây đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền sâu rộng trong người dân nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng, tự giác chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng. Đặc biệt, có 100% hộ dân sinh sống quanh khu vực cam kết không xâm nhập vào rừng khai thác lâm sản và săn bắt chim, thú rừng trái phép, không được mang các thiết bị, dụng cụ có nguy cơ cháy, nổ vào rừng.
Qua đó, người dân cũng được nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và hệ sinh thái, vốn là chìa khóa để giải quyết những vấn đề ở địa phương một cách bền vững; đồng thời, ứng phó tốt hơn với những bất thường từ thiên nhiên, nhờ vào diện tích che phủ rừng và khả năng tích trữ nguồn nước được cải thiện, giảm thiểu tác hại của lũ lụt và hạn hán cho toàn vùng Đồng Tháp Mười và hạ lưu sông Mekong.
Ngoài ra, Việt Nam còn có các mô hình cộng đồng quản lý trực tiếp các khu đất ngập nước có giá trị đa dạng sinh học cao như các vườn chim ở Bạc Liêu (Vườn Chim Sỹ Sáu), Cà Mau, Kiên Giang và các khu vực ở phía Bắc. Nhiều địa phương hoặc hộ gia đình đã chủ động khoanh vi, bảo vệ các khu đất ngập nước hoặc đề nghị thành lập khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước như khu bảo tồn ở Phú Mỹ (Kiên Giang), Đông Xuyên (Bắc Ninh).
Theo Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, hiện có nhiều dự án trực tiếp hoặc gián tiếp đến bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước nhằm tăng cường hiệu quả quản lý đất ngập nước và thực thi Công ước Ramsar.
Một trong những hiệu quả nổi bật của các dự án là xác định được các vùng đất ngập nước quan trọng cần khoanh vi, bảo tồn; hỗ trợ kiện toàn hành lang pháp lý nhằm tăng cường năng lực quản lý đất ngập nước, thành lập các khu bảo tồn đất ngập nước; kiểm kê các vùng đất ngập nước để đề xuất các giải pháp bảo tồn và sử dụng bền vững trên toàn quốc.
Kết nối và mở rộng hợp tác quốc tế
Tại Hội nghị các bên tham gia lần thứ 14 (COP 14) Công ước Ramsar diễn ra vào cuối năm 2022, các quốc gia thành viên đã thống nhất thông qua các Nghị quyết và cam kết bảo tồn, sử dụng khôn khéo các vùng đất ngập nước trước các áp lực phát triển và biến đổi khí hậu toàn cầu. Đây chính căn căn cứ để thúc đẩy các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị quan trọng của các vùng ĐNN vào nỗ lực chung ứng phó BĐKH toàn cầu, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững, hưởng ứng lời kêu gọi của Đại Hội đồng Liên hợp quốc về Thập kỷ “Phục hồi hệ sinh thái” (giai đoạn 2021 – 2030).
Trong khuôn khổ Hội nghị COP 14, Đoàn Việt Nam đã tham dự nhiều sự kiện chính thức và bên lề Hội nghị nhằm học hỏi, trao đổi kiến thức và kinh nghiệm về quản lý và bảo tồn đất ngập nước. Các đại biểu quốc tế đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong xây dựng khung pháp lý bảo tồn đất ngập nước (ĐNN); các quy định của Luật Bảo vệ Môi trường và Nghị định số 66/2019/NĐ-CP về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng ĐNN; hiện trạng bảo tồn chim hoang dã di cư và các nhiệm vụ đặt ra tại Chỉ thị số 04/CT-TTg của Chính phủ; các nội dung ưu tiên trong bảo tồn ĐNN và chim nước di cư tại Chiến lược quốc gia về ĐDSH.
Đại diện Việt Nam cũng chia sẻ các lĩnh vực tiềm năng hợp tác nhằm thúc đẩy Sáng kiến đường bay khu vực (RFI) tại Việt Nam, trong đó, nhấn mạnh tầm quan trọng và nhu cầu nghiên cứu, xây dựng cơ chế chia sẻ dịch vụ hệ sinh thái các vùng ĐNN, nhằm tạo ra cơ chế tài chính bền vững, phục vụ bảo tồn các vùng ĐNN quan trọng của Việt Nam. Trên cơ sở này, Việt Nam cũng sẽ tăng cường sự hợp tác với các quốc gia thành viên Công ước Ramsar, học tập các mô hình thành công trong quản lý ĐNN, thực hiện Công ước Ramsar cũng như huy động các nguồn lực quốc tế hỗ trợ về bảo tồn và sử dụng khôn khéo ĐNN ở Việt Nam.
Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam góp sức với việc phục hồi và bảo tồn các vùng đất ngập nước
Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam với ba định hướng là “Đưa nước sạch đến với người nghèo"; "Biến chất thải thành tài nguyên"; "Cùng cộng đồng ứng phó với biến đổi khí hậu".
Với việc thực hiện định hướng "Cùng cộng đồng ứng phó với biến đổi khí hậu" của Hội, hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh Vì một Việt Nam xanh của Thủ tướng chính phủ giai đoạn 2021-2025. Hưởng ứng Cam kết của Việt Nam tại COP26 phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và 2 cam kết tham gia sáng kiến Giảm phát thải khí methan toàn cầu và cam kết thực hiện tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất.
Tại gala kỷ niệm 20 năm thành lập Hội, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam đã tổ chức lễ khởi động dự án trồng 10 triệu cây xanh, bắt đầu từ năm 2023. Điểm khởi động tại Khu bảo tồn đất ngập nước RAMSAR Láng Sen tỉnh Long An, là khu Ramsar thứ 7 của Việt Nam. Dự án sẽ kêu gọi các hội viên, các doanh nghiệp, các quỹ tín dụng xanh đồng hành và tài trợ.
Việc bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái của các vùng đất ngập nước (khu Ramsar), góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, lưu trữ carbon, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.