Giá nước tăng 11% để giảm thất thoát nước nhanh

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 09:45, 24/10/2017

(Moitruong.net.vn) – Theo Sawaco, muốn kéo giảm tỉ lệ thất thoát nước xuống dưới 10% vào năm 2020 thì buộc phải tăng giá nước lên hơn 11%, bù vào kinh phí đầu tư.

Ông Lê Hữu Quang, Trưởng Phòng Kinh doanh – Dịch vụ khách hàng cho biết kinh phí đầu tư để kéo giảm tỉ lệ thất thoát nước xuống dưới 10% vào năm 2020 đặc biệt lớn và phải tăng giá nước 11% để bù chi phí

Sáng 24/10, lãnh đạo Thành ủy và UBND TP Hồ chí Minh đã làm việc với Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) về tình hình hoạt động của đơn vị này trong 9 tháng đầu năm 2017.

Ông Lê Hữu Quang, Trưởng Phòng Kinh doanh – Dịch vụ khách hàng chỉ ra nhiều bất cập trong việc mua nước sỉ từ các đối tác của Sawaco. Theo quy hoạch cấp nước, Sawaco mua sỉ nguồn nước của các doanh nghiệp đối tác chiếm 70% nhu cầu nước sạch hòa mạng lưới cấp nước của TP. Có 5 nhà máy nước được mua sỉ gồm BOO Bình An, Thủ Đức 2, Kênh Đông, Thủ Đức 3 và Tân Hiệp. Tổng lượng nước mua sỉ là 1.150.000 m3/ngày đêm.

“Thực tế là giá thành nước mua từ các đối tác bên ngoài luôn cao hơn giá thành từ các nhà máy nước của Sawaco và tăng theo hàng năm do biến động, trượt giá. Giá nước mua tăng nhưng giá nước bán ra chưa được điều chỉnh dẫn đến tổng công ty gặp nhiều khó khăn và sẽ khó khăn hơn nữa nếu giá nước tiếp tục chậm điều chỉnh” – ông Quang dẫn chứng.

Ngoài ra, theo Sawaco, hóa đơn kỳ 9/2017, số khách hàng được gắn đồng hồ nhưng không sử dụng chiếm 8% (109.000 khách hàng) và 11% khách hàng sử dụng nước với số lượng ít (dưới 4 m3/tháng) với khoảng 150.000 khách hàng. Những khách hàng sử dụng ít và không sử dụng nước sạch do được khai thác nước ngầm. Do đó, lượng nước sản xuất ra nhiều nhưng không được tiêu thụ buộc Sawaco giảm công suất nhà máy nước thuộc tổng công ty để đảm bảo sản lượng bao tiêu của các nhà đầu tư bên ngoài trong khi giá lại rẻ hơn.

Ông Quang cho biết nếu kéo giảm tỉ lệ thất thoát nước theo chỉ đạo của Thành ủy xuống còn 10% vào năm 2020 thì khối lượng, giá trị đầu tư những năm đầu đặc biệt lớn trong khi hiệu quả những năm sau mới mang lại. Nếu đưa những khoản chi phí này vào giá thành thì giá nước phải tăng trên 11%. Do đó, khi trình các sở để thẩm định thấy rất khó để thông qua.

Hiện Sawaco đang xây dựng phương án tăng giá nước dự phòng theo kịch bản tỉ lệ thất thoát đến năm 2020 còn 23% thì giá trị đầu tư không quá lớn và giá sẽ “mềm” đi. “Sau đó, chúng ta lấy kinh phí có được do giảm thất thoát nước để tiếp tục đầu tư và kéo giảm thất thoát nước giảm hơn nữa. Chứ nếu bây giờ cái gì cũng muốn, vừa giảm thất thoát nước vừa không tăng giá quá cao thì rất khó” – ông Quang dẫn chứng.

Đại diện Sở Tài chính TP cho biết từ năm 2016 đã xây dựng giá nước mới nhưng sau đó Thành ủy có chỉ đạo về tỉ lệ nước sạch đến năm 2020 dưới 10% nên sở làm lại và theo phương án này thì giá tăng ít nhất 11%. Về đề xuất thu phí duy trì đồng hồ hàng tháng đối với các hộ dân không sử dụng, Sở Tài chính sẽ làm việc lại với Sawaco.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP nhận định vấn đề nước sạch ở TP rất phức tạp. Việc tăng giá nước theo lộ trình cần phải tính đúng, tính đủ trong khi tỉ lệ thất thoát nước vẫn cao (26,3%) thì người dân chưa hài lòng.

Về việc xử lý nước ngầm, Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến cho rằng cần phải có những vùng cấm khai thác nếu ảnh hưởng đến môi trường, khí hậu chứ không thể vì lo ngại ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp mà ảnh hưởng đến lợi ích chung của cộng đồng. Nếu không làm nghiêm túc thì ảnh hưởng cả cuộc vận động dùng nước sạch bởi đầu tư tốn công tốn của mà người dân vẫn không sử dụng nước sạch. “UBND TP sẽ đi thực tế đột xuất đến các hộ dân ở một quận và một huyện ngoại thành để xem tình hình sử dụng nước sạch như thế nào” – Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến khẳng định.

Theo NLĐ

Theo NLĐ