Bình Dương: Thị xã Tân Uyên chính thức trở thành Thành phố Tân Uyên

Môi trường xã hội - Ngày đăng : 15:09, 10/04/2023

Ngày 10/04, thông qua Nghị quyết số 725/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thị xã Tân Uyên đã chính thức trở thành thành phố Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương.

Trước đó vào ngày 13/02, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định thành lập một số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của một số tỉnh, trong đó có quyết định thành lập thành phố Tân Uyên trực thuộc tỉnh Bình Dương. Theo đó, quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 10/4/2023.

Thành phố Tân Uyên được thành lập trên cơ sở nguyên trạng thị xã Tân Uyên với diện tích 191,76km2, dân số 466.053 người, có 12 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 10 phường và 2 xã. Trụ sở của thành phố Tân Uyên sử dụng trụ sở làm việc của thị xã Tân Uyên trước đây.

Sau khi thành lập, thành phố Tân Uyên có 12 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 10 phường: Hội Nghĩa, Khánh Bình, Phú Chánh, Tân Hiệp, Tân Phước Khánh, Tân Vĩnh Hiệp, Thái Hòa, Thạnh Phước, Uyên Hưng, Vĩnh Tân và 02 xã: Bạch Đằng, Thạnh Hội.

binhduong.jpg
Tỉnh Bình Dương sẽ có 4 thành phố là Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An và Tân Uyên.

Cùng 3 thành phố hiện hữu là Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An; Tân Uyên là thành phố thứ 4 trực thuộc tỉnh Bình Dương. Thành phố Tân Uyên tương lai được kỳ vọng có bước tiến vượt bậc về phát triển kinh tế - xã hội, đô thị hóa và hạ tầng giao thông.

Là địa bàn nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Bình Dương, Tân Uyên tiếp giáp với 4 thành phố trực thuộc tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai. Đây là lợi thế để địa phương này thu hút đầu tư các ngành công nghiệp, dịch vụ, thương mại.

Tân Uyên là một trong những đô thị có tốc độ phát triển kinh tế mạnh của tỉnh Bình Dương, đi đầu trong phát triển công nghiệp với 5 khu, cụm công nghiệp, 1.866 doanh nghiệp trong nước, tổng vốn đăng ký là gần 32.561 tỷ đồng và 637 doanh nghiệp nước ngoài, tổng vốn đăng ký là 5,2 tỉ USD.

Ngoài ra, địa phương này có 2 dự án khu công nghiệp VSIP lớn nhất Bình Dương và cả nước. Đó là khu công nghiệp VSIP II có quy mô 2.045 ha và khu công nghiệp VSIP III quy mô hơn 1.000 ha, có tổng mức đầu tư hạ tầng dự kiến là 6.407 tỉ đồng.

Giao thông thuận lợi, công nghiệp sầm uất là những lợi thế giúp Tân Uyên trở thành cực phát triển mới của Bình Dương, thu hút nguồn lượng lớn các chuyên gia, kỹ sư trong và ngoài nước, người lao động về địa phương an cư lạc nghiệp, tạo đà cộng hưởng cho bất động sản khu vực này gia tăng giá trị.

Hồng Tú