Nghệ An: Phá rừng tự nhiên để trồng rừng nguyên liệu!?
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 10:09, 14/07/2017
(Moitruong.net.vn) – Nhiều hộ dân ở xã Hùng Thành, huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) sau khi được giao rừng đã phá rừng tự nhiên để trồng rừng nguyên liệu khiến dư luận bất bình.
Đứng ở xóm Sơn Thành, xã Hùng Thành ngước nhìn về phía Tây, đập vào mắt PV là những đám rừng bị phá trụi, bên cạnh sườn núi những mảng đất bị máy xúc ngoạm nham nhở để làm đường đi sâu vào cánh rừng tự nhiên. Leo gần 1 ki lô mét đường dốc dựng đứng, tại thửa 155, thuộc khoảnh 4, tiểu khu 879, rừng Hố Búng, Hố Su phóng viên bắt gặp nhiều khúc gỗ rừng rải rác dọc đường vì chưa kịp chuyển đi. Nhìn tận mắt không khỏi xót xa vì những đám rừng ở đây bị đốt đen trụi đến xơ xác. Những đám đất rừng đen sì còn trơ tua tủa những gốc cây lớn nhỏ còn sót lại. Tại đây, nhiều gốc cây có đường kính từ 20 đến 40 cm bị cưa hạ không tiếc. Rải rác trên triền đồi một vài can dầu hỏa mà những kẻ phá rừng dùng để đốt cây đang được tấp lá cây dấu sát bên đường.
Một số người dân ở xã Hậu Thành lên đây tận thu những cành củi còn sót lại đã không khỏi tiếc nuối cho những cánh rừng dẻ tự nhiên nhiều năm tuổi. Quệt vội những dòng mồ hôi trên mặt, người đàn ông đang tận thu những cành cây làm củi, cho biết: Trước đây rừng tốt, rậm lắm, những giờ đây thành đồi trọc để họ trồng keo lấy gỗ làm nguyên liệu hết rồi.
Một người khác đi mót củi xen vào: Rừng đẹp mấy thì đẹp, tốt mấy thì tốt, không có nguồn thu nhập hàng ngày thì nhiều người còn chặt phá nữa vì người ta chẳng cần thấy lợi ích lâu dài của rừng đầu nguồn.
Xã Hùng Thành, huyện Yên Thành là xã vùng xa của huyện. Địa phương này có gần 800 ha rừng, trong đó rừng phòng hộ là 400ha. Hiện, rừng tự nhiên có khoảng 130ha. Đây là diện tích rừng mà nhiều năm qua, chính quyền xã Hùng Thành đang ra sức gìn giữ.
Được biết, trong tháng 5 và tháng 6, năm 2017, ông Đường Xuân Nhiên, ở xóm Sơn Thành, xã Hùng Thành là người được giao đất rừng từ trước đã tiến hành chặt cây làm đường để khai thác keo nguyên liệu. Lúc đầu, ông Nhiên tuân thủ chỉ phát dọn thực bì để có diện tích làm đường cho xe tải lên chở keo. Nhưng được đà, hộ dân này đã phát lấn sang diện tích rừng tự nhiên và đốt mở rộng diện tích trồng keo nguyên liệu.
Những cây gỗ lớn đã bị tẩu tán khỏi hiện trường, chỉ còn sót lại củi nhỏ
Khi chúng tôi nêu sự việc chặt phá rừng ở Hố Búng, Hố Su, Chủ tịch UBND xã Sơn Thành, ông Trần Văn Trung, cho biết: “Xã đã lập biên bản yêu cầu ông Đường Xuân Nhiên phải dừng ngay việc phá rừng, giữ nguyên hiện trạng không được đốt và từng bước phục hồi lại diện tích rừng đã bị chặt phá. Xã cũng đã tiến hành xử phạt hành chính đối với hộ dân này với số tiền là..3 triệu đồng”. Khi PV đặt câu hỏi vì sao sự việc diễn ra trong nhiều ngày nhưng xã không ngăn chặn kịp thời? Ông Trung, cho hay: “Họ chặt tỉa dần dần trong nhiều ngày nên chúng tôi không biết để ngăn chặn. Hiện, chúng tôi cũng chưa báo cáo huyện vì muốn xử lý nội bộ”(?).
Theo ghi nhận của PV tại hiện trường, diện tích rừng tự nhiên bị chặt hạ khá lớn, trong đó có một phần đã bị đốt sạch. Tuy nhiên, trong biên bản kiểm tra hiện trạng được lập bởi Kiểm lâm phụ trách địa bàn và UBND xã Hùng Thành lại chỉ ghi 0,35ha?.
Điều đáng nói ở đây là việc chặt đốt rừng tự nhiên xảy ra cách khu dân cư chưa đầy 1km, diễn ra trong nhiều ngày mà việc ngăn chặn đối tượng phá rừng lại diễn ra hết sức chậm chạp. Dư luận không khỏi đặt câu hỏi về vai trò của kiểm lâm địa bàn, của cán bộ địa phương ở đâu trong sự việc nói trên?.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Thực – Hạt trưởng Hạt kiểm Lâm huyện Yên Thành, nói ngắn gọn: “À, việc đó đã lập biên bản và xử phạt rồi”. Còn ông Nguyễn Vương Ngọc – Phó chủ tịch UBND huyện Yên Thành, cho biết: “Hiện nay huyện chưa nắm được thông tin vì chưa thấy xã và kiểm lâm báo cáo. Tôi sẽ cho kiểm tra lại thông tin để có hướng xử lý tiếp theo”.
Sự việc tự ý chặt phá rừng tự nhiên đầu nguồn để chuyển sang trồng keo nguyên liệu diễn ra tại xã Hùng Thành là sự việc nghiêm trọng. Nếu không được ngăn chặn và xử lý thật nghiêm để răn đe kịp thời thì sẽ tạo ra tiền lệ xấu, nhiều hộ dân khác được giao khoán chăm sóc, bảo vệ rừng tự nhiên sẽ được đà làm theo. Khi đó, nguy cơ mất nhiều ha rừng tự nhiên đầu nguồn là điều khó tránh khỏi.
Kế Hùng