Hòa Bình: Thực trạng quản lý hoạt động thăm dò, cấp phép khai thác mỏ khoáng sản
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 22:45, 13/07/2017
(Moitruong.net.vn) – Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Hòa Bình đã cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho 99 điểm mỏ khai thác các loại khoáng sản là đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường; nguyên liệu xi măng, ngoài ra là một số mỏ khoáng sản kim loại nhưng trữ lượng không lớn.
Khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng
Cụ thể, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng và xi măng có trữ lượng lớn, phân bố khá đồng đều trên địa bàn tỉnh, được khai thác và chế biến tại chỗ nên đã tạo thêm được công ăn việc làm cho lao động địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến môi trường.
Các loại đất sét dùng để sản xuất gạch nung, gạch tuynen của tỉnh cũng có trữ lượng đáng kể và phân bố hầu hết ở các địa bàn trong tỉnh. Đây là loại khoáng sản cần thiết để sản xuất gạch ngói phục vụ cho nhu cầu xây dựng tại chỗ rất có hiệu quả. Tuy nhiên, việc phát triển các lò gạch thủ công nhỏ lẻ đã tác động xấu đến môi trường. Hiện nay trên địa bàn tỉnh đang phát triển các lò gạch tuynen có công nghệ sản xuất tiên tiến, vì vậy cần bổ sung quy hoạch vùng nguyên liệu để các cơ sở sản xuất hoạt động lâu dài, ổn định, phù hợp với giai đoạn phát triển kinh tế – xã hội mới của tỉnh.
Các mỏ than, kim loại, phi kim được khai thác chủ yếu theo quy mô nhỏ, không chế biến tại chỗ. Đa số các mỏ không được thăm dò, đánh giá về chất lượng và trữ lượng trước khi cấp phép khai thác nên nhiều mỏ chưa tìm thấy quặng để hoạt động. Các loại khoáng sản này khai thác chủ yếu mang tính phân tán, tận thu, đôi chỗ còn có hiện tượng khai thác trái phép của nhân dân địa phương, công nghệ khai thác thủ công, lạc hậu, sản phẩm cuối cùng chủ yếu là quặng thêm đem bán gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý về hoạt động cũng như nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước, ít đem lại hiệu quả kinh tế – xã hội, làm ảnh hưởng xấu đến cảnh quan môi trường.
Các dự án khai thác vàng, đồng, antimon, chì – kẽm gặp nhiều khó khăn trong việc xác định vỉa, ổ quặng để mở công trình khai thác, có dự án phải chuyển đổi phương pháp khai thác những vẫn chưa có hiệu quả. Mặt khác, các giấy phép khai thác loại này với thời hạn ngắn (từ 3 – 5 năm) nên đến nay đa số các mỏ hết hạn hoặc sắp hết hạn nhưng hiệu quả các dự án vẫn chưa có. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 01 mỏ quặng đồng kết hợp xây dựng nhà máy chế biến đồng tại chỗ sản xuất ra đồng tấn.
Ngoài ra, nguồn Nước khoáng nóng là tài nguyên mang tính đặc thù của tỉnh Hòa Bình và các tỉnh miền Bắc Việt Nam. Khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên ưu đãi này của tỉnh sẽ góp phần vào sự thay đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh. Nước khoáng Mớ Đá hay còn gọi là nước khoáng Kim Bôi là loại nước khoáng quen thuộc trên thị trường các tỉnh phía Bắc cần thiết phải được đầu tư một cách cơ bản, hợp lý nhằm khai thác triệt để nguồn nước đã xuất lộ và mở rộng ra các điểm nước khoáng liền kề để nâng cao hiệu quả sử dụng trong các lĩnh vực du lịch, chữa bệnh, giải khát. Hiện nay các đơn vị khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên này đang thực hiện các thủ tục trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện cấp giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định.
Thực trạng quản lý hoạt động thăm dò, cấp phép khai thác mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hòa Bình còn nhiều bất cập. Vì vậy, để phát triển công nghiệp khai khoáng phải đảm bảo hài hòa lợi ích thu được từ khai thác và chiến biến khoáng sản và công tác bảo vệ môi trường tạo tiền đề phát triển bền vững cho địa phương.
Thùy An