Xây dựng Hà Nội phát triển theo hướng đô thị xanh, thông minh và hiện đại
Môi trường đô thị - Ngày đăng : 20:00, 13/04/2023
Đây là những định hướng được nêu ra tại Hội nghị thẩm định Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội diễn ra vào ngày 12/4/2023.
Xây dựng Hà Nội thành thành phố Văn hiến - Văn minh - Hiện đại
Tại Hội nghị, đơn vị tư vấn đã trình bày những nội dung chính trong báo cáo thuyết minh Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, phạm vi lập điều chỉnh quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội với 30 đơn vị hành chính cấp huyện. Về ranh giới, phía Bắc giáp tỉnh Thái Nguyên và Vĩnh Phúc; phía Nam giáp tỉnh Hà Nam và Hòa Bình; phía Đông giáp các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và Hưng Yên; phía Tây giáp tỉnh Hòa Bình và Phú Thọ. Quy mô lập quy hoạch khoảng 3.359,84km2.
Mục tiêu lập quy hoạch nhằm phát triển Thủ đô Hà Nội là Thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; đưa Hà Nội trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực; thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Xây dựng và thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách để phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị hiện đại, thông minh, liên kết vùng đô thị; sử dụng các công cụ quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các công cụ thị trường khác để điều tiết, kiểm soát chặt chẽ sự gia tăng dân số đô thị; thực hiện đồng bộ các chính sách giải nén, giảm tải cho đô thị, đưa người dân ra các đô thị xung quanh, thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh, mô hình thành phố trực thuộc thành phố; quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng tại khu vực trung tâm; rà soát và triển khai đồng bộ các chương trình cải tạo, chỉnh trang tái thiết đô thị; ưu tiên phát triển các đô thị nhỏ và vùng ven; đầu tư phát triển các đô thị có giá trị về văn hóa, lịch sử, di sản, du lịch, đô thị gắn với những địa bàn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch kết hợp hài hòa với phát triển nông thôn.
Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của Hà Nội; nghiên cứu tăng tỉ lệ đất phát triển đô thị; xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc và phía Tây; xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài; tập trung triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng, ổn định dân cư hai bên bờ sông Hồng và sông Đuống; quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng.
Về tính chất, Hà Nội là Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, đô thị đặc biệt trực thuộc Trung ương; Thủ đô với bề dày lịch sử nghìn năm văn hiến Thăng Long – Hà Nội; là nơi tập trung, bảo tồn và phát huy các giá trị tinh hoa văn hóa vật thể và phi vật thể; là Thủ đô có quy mô tầm cỡ thế giới với hội nhập các giá trị bản sắc văn hóa, lịch sử truyền thống đặc trưng; trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, y tế, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Đồng thời có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị quốc gia; là một trong những trung tâm kinh tế - giao dịch - du lịch và thương mại của khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương; trung tâm liên kết vùng, có vai trò tiên phong dẫn dắt đổi mới, sáng tạo và tạo hiệu ứng lan tỏa của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước; phát triển thành phố theo mô hình chùm đô thị, là đô thị thông minh, đô thị xanh, sạch, đẹp; phát triển gắn kết hài hòa giữa đô thị và nông thôn; hài hòa giữa bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa và phát triển; phân bổ dân cư, cơ cấu lao động và phân bổ sử dụng đất đai phù hợp phát triển kinh tế, đảm bảo phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng an ninh khu vực vùng Thủ đô và cả nước.
Làm rõ hơn những nội dung mới
Ý kiến của Thường trực Hội đồng thẩm định cho rằng nhiệm vụ Đồ án được chuẩn bị công phu, nội dung cơ bản đạt được các yêu cầu. Tuy nhiên, đơn vị tư vấn cần bổ sung các căn cứ chính trị và pháp lý liên quan; bổ sung các quy hoạch cấp trên và quy hoạch ngành liên quan; tên quy hoạch và thời hạn quy hoạch điều chỉnh đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2060 (để đảm bảo tuân theo quy định).
Đồng thời bổ sung một số căn cứ về hiện trạng sử dụng đất, dự báo các chỉ tiêu theo thời hạn quy hoạch, kết nối vùng trong Vùng Thủ đô.
Bên cạnh đó, cần làm đậm thêm các nội dung về quy hoạch không gian ngầm; dự thảo quyết định thu gọn hơn một số nội dung…
Các thành viên Hội đồng cũng đã đóng góp thêm một số ý kiến để hoàn thiện Nhiệm vụ Quy hoạch, liên quan đến: chuyển đổi số, đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu; thống nhất các số liệu; đối chiếu để tránh chồng chéo các khu vực lập quy hoạch của quốc phòng và các quy hoạch liên quan.
Nhiệm vụ Quy hoạch cũng cần làm rõ dự báo chỉ tiêu về dân số; một số vấn đề liên quan đến bảo tồn di tích, dự báo nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của các địa phương lân cận; xác định rõ không gian đô thị, từ đó xác định không gian nội thị, đô thị vệ tinh, không gian nông thôn; các lưu vực sông Hồng, sông Đuống…
Đồng thời, làm rõ hơn vấn đề phát triển công nghiệp, đánh giá quy hoạch cũ đã làm được những gì, những gì chưa làm được và nguyên nhân; làm rõ nét hơn trục đô thị - cảnh quan sông Hồng; mối quan hệ giao thông trong Vùng Thủ đô; vấn đề sân bay thứ 2…
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đánh giá Nhiệm vụ Quy hoạch có sự chuẩn bị công phu và thống nhất điều chỉnh tên gọi Đồ án là Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2060; đồng thời, yêu cầu đơn vị tư vấn rà soát các căn cứ pháp lý liên quan, rà soát dự báo dân số, dự báo đất đai cho phát triển đô thị, thống nhất với các quy hoạch khác liên quan.
Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cũng yêu cầu Đồ án cần có sự đánh giá thực trạng (các chỉ tiêu, mô hình cấu trúc đô thị, định hướng sắp xếp dân cư, hệ thống đô thị) của quy hoạch trước đó; trên cơ sở đó để định hướng các nội dung điều chỉnh cho phù hợp.
Cùng với đó, đơn vị tư vấn làm rõ hơn các yêu cầu mới đặt ra cần giải quyết trong điều chỉnh quy hoạch lần này; làm rõ hơn những nội dung mới của Đồ án; nghiên cứu lại hệ thống đô thị: nội thị, ngoại thị; cấu trúc đô thị; vấn đề không gian ngầm; cảnh quan môi trường sinh thái…
Đồng thời làm rõ hơn nội dung về mối quan hệ vùng, tương tác giữa các địa phương trong Hà Nội, giữa Hà Nội với các địa phương xung quanh, và với quốc tế.
Các thành viên Hội đồng thống nhất thông qua Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với điều kiện có tiếp thu, chỉnh sửa ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng.
Các bạn có thể tham khảo thêm các sản phẩm băng cảnh báo cáp ngầm An Thịnh HN chất lượng, giá cả phải chăng