Cảnh báo thiên tai bất thường và xâm nhập mặn

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 19:30, 13/04/2023

Trong 3 ngày qua, khi miền Bắc thời tiết nồm ẩm thì tại các tỉnh phía Nam, xảy ra dông, lốc sét, mưa đá, xâm nhập mặn gây sạt lở đất và tốc mái hàng chục nhà dân,  thiệt hại về rau màu và vật nuôi.
13-lam-dong.jpeg
Nhà dân bị hư hỏng, tốc mái do dông lốc xoáy trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Trước diễn biến thất thường của thời tiết, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai, mưa dông, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh, xâm nhập mặn để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

Thông tin từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai cho biết, từ ngày 11/4 đến sáng nay (13/4), tại nhiều địa phương khu vực Bắc Bộ đã có mưa, lượng mưa phổ biến dưới 30mm. Ghi nhận tại Hà Nội, trong ít ngày qua, nồm ẩm kéo dài; đến sáng nay (13/4), mưa phùn vẫn tiếp diễn.

Trong khi miền Bắc có mưa thì tình trạng xâm nhập mặn đang diễn ra tại khu vực phía Nam. Cụ thể tại khu vực hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai: Độ mặn 4‰ xâm nhập cách cửa sông khoảng 50 - 55km. Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long: Độ mặn 4‰ xâm nhập sâu nhất trên sông Tiền 25 - 30km, sông Hậu 30-40km.

Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận cho biết, thiên tai trong vài ngày qua đã gây ra nhiều thiệt hại tại các tỉnh, thành phố. Báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng cho biết mưa lớn kèm lốc xoáy ngày 11/4 đã làm 8 căn nhà bị tốc mái; 50m2 rau màu, 140m2 ao cá bị thiệt hại và một số vật dụng gia đình khác bị hư hỏng.

Tại tỉnh Hậu Giang, theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh này, khu vực kênh Ngã Cạy, ấp Phước Hưng, xã Đông Phước A, do ảnh hưởng của dòng chảy nên ngày hôm qua đã xảy ra sạt lở với chiều dài 20m, sâu vào bờ nơi rộng nhất khoảng 4m, làm mất khoảng 80m2 diện tích đất.

Trong khi đó, báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng chống thiên tai & Phòng thủ dân sự tỉnh An Giang cho biết, dông lốc đã làm tốc mái một phần 23 căn nhà trên địa bàn huyện An Phú và thị xã Tân Châu. Ước thiệt hại khoảng 180 triệu đồng. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền các địa phương đã tổ chức thăm hỏi và hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại dọn dẹp, khắc phục điểm sạt lở và sửa chữa lại nhà ở để sớm ổn định đời sống, sản xuất.

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, sáng nay, ngày 13/4, ở khu vực phía Đông Bắc Bộ và vùng biển phía Bắc vịnh Bắc Bộ có mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù. Tầm nhìn xa từ 2 - 4km, giảm xuống dưới 1km trong sương mù; khu vực đèo núi, trên sông tầm nhìn xa có nơi xuống dưới 100m. Rủi ro thiên tai do sương mù: cấp 1.

Về thời tiết ngày và đêm 13/4, khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, nhiều mây, sáng và đêm có mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù. Riêng khu vực Tây Bắc ngày nắng, có nơi có nắng nóng.

Khu vực Đà Nẵng đến Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam Bộ, có mây, ngày nắng, có nơi có nắng nóng, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai, mưa dông, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh, xâm nhập mặn để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó. Tổ chức trực ban, thường xuyên nắm bắt tình hình thiên tai; báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

“Hiện, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai vẫn đang tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chuyển các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai tới các địa phương để triển khai các biện pháp ứng phó…” - ông Phạm Đức Luận cho biết thêm.

Hạ Vy