Nhiệt độ bề mặt đại dương trên Thế giới đạt mức cao kỷ lục
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 16:33, 14/04/2023
Các nhà khoa học khí hậu cho biết dữ liệu sơ bộ từ Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cho thấy nhiệt độ trung bình của bề mặt đại dương kể từ đầu tháng 4 là 21,1 độ C, phá kỷ lục 21 độ C vào năm 2016.
Dữ liệu được thu thập chủ yếu bởi các quan sát vệ tinh, nhưng cũng được xác minh bằng cách đo đạc từ tàu và phao.
Mức độ ấm lên ở các đại dương là chỉ số quan trọng để đánh giá tình trạng biến đổi khí hậu, vì đây là nơi hấp thụ tới hơn 90% lượng nhiệt toàn cầu. 3 năm diễn ra La Nina đã giúp bề mặt Thái Bình Dương giảm nhiệt độ và hạn chế tác động của phát thải khí nhà kính. Nhưng các nhà khoa học nhận định El Nino có thể xuất hiện trở lại vào cuối năm nay, làm tăng nguy cơ thời tiết khắc nghiệt và thiết lập kỷ lục nhiệt toàn cầu.
Các quan sát hiện tại cho thấy sóng nhiệt biển từ trung bình đến mạnh ở một số khu vực, bao gồm phía Nam Ấn Độ Dương, Nam Đại Tây Dương, ngoài khơi Tây Bắc châu Phi, xung quanh New Zealand, ngoài khơi phía Đông Bắc Australia và phía Tây Trung Mỹ.
Một nghiên cứu năm ngoái cho thấy các đại dương đang tích tụ nhiều nhiệt hơn, cung cấp năng lượng cho những hình thái thời tiết cực đoan.
Sóng nhiệt biển có tác động mạnh đến sinh vật biển và tẩy trắng các rạn san hô nhiệt đới. Các thí nghiệm cho thấy đại dương ấm lên cũng làm thay đổi mạng lưới thức ăn, thúc đẩy sự phát triển của tảo nhưng hạn chế sự phát triển của những loài con người đánh bắt làm thực phẩm.
Các nhà khoa học cảnh báo tình trạng ấm lên còn dẫn tới tình trạng nước biển dâng và những hình thái thời tiết khắc nghiệt hơn như các trận bão lớn. Khi ấm lên, khả năng hấp thụ carbon của các đại dương cũng giảm, dẫn tới lượng carbon do con người thải ra tồn đọng trong bầu khí quyển nhiều hơn, càng khiến tình trạng ấm lên toàn cầu trở nên trầm trọng hơn.