Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm và làm việc Đại học Quốc gia Hà Nội

Giáo dục - Ngày đăng : 17:00, 14/04/2023

Thăm cơ sở giáo dục có bề dày lịch sử 117 năm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra nhiều thông điệp quan trọng về đào tạo nhân lực, trong đó yêu cầu đặc biệt quan tâm nhân lực nghiên cứu, phát triển chip.
14-ttg-dh.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm và làm việc Đại học Quốc gia Hà Nội

Sáng nay, ngày 14/4, tại Hoà Lạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới thăm, làm việc với Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) và trao tặng cây xanh cho sinh viên ĐHQGHN. 

Cùng đi có các Bộ trưởng: Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Lao động Thương Binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân, cùng lãnh đạo các bộ, ngành cơ quan Trung ương, thành phố Hà Nội và đại diện các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp lớn.

Mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nghe lãnh đạo ĐHQGHN báo cáo về tình hình tổ chức, hoạt động nói chung, trong đó có công tác đào tạo nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như tình hình đào tạo và nghiên cứu khoa học lĩnh vực vi mạch tích hợp bán dẫn của ĐHQGHN.

Hiện nay, ĐHQGHN đã cơ bản hoàn thiện mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực theo định hướng của Chính phủ với 9 trường đại học, 5 viện nghiên cứu thành viên và 22 đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học, dịch vụ trực thuộc. Tổng số viên chức và người lao động là 4.667 người, bao gồm 2.634 CBKH cơ hữu. Trong số 2.251 giảng viên cơ hữu của ĐHQGHN có 62 GS và 414 PGS, chiếm tỉ lệ 20%; tỉ lệ cán bộ khoa học có trình độ tiến sĩ, tiến sĩ khoa học trên tổng số giảng viên cơ hữu của là 66%. Công bố quốc tế đã trở thành văn hóa học thuật của ĐHQGHN, với số bài báo quốc tế trong hệ thống ISI/SCOPUS không ngừng gia tăng theo các năm, từ 400 bài năm 2012 lên khoảng 1600 bài năm 2022.

ĐHQGHN luôn duy trì vị trí top 801-1000 trong bảng xếp hạng ĐH thế giới của QS Rankings và không ngừng gia tăng thứ hạng tương quan với các cơ sở giáo dục đại học khác trong những năm gần đây.

Tại Khu đô thị đại học này hiện nay bước đầu được định hình và không ngừng hoàn thiện. Cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng quy mô đào tạo 6.000 sinh viên và đang được mở rộng hướng tới phục vụ 25.000 sinh viên vào năm 2025. Tới nay đã có 24/35 đơn vị trong ĐHQGHN chuyển trụ sở tới và hiện diện tại Hòa Lạc, thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt của Ban lãnh đạo, tập thể thầy và trò ĐHQGHN.

14-ttgdh.jpg
Thủ tướng Chính phủ thăm giờ học văn hóa quốc tế có sinh viên nước ngoài theo học

Với tư cách là một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học hàng đầu, ĐHQGHN đã chủ động xây dựng và triển khai Chiến lược KHCN và đổi mới sáng tạo của ĐHQGHN giai đoạn 2021-2030 nhằm định hướng phát triển KH&CN trong thời gian tới lên một tầm cao mới, đồng thời là đột phá để phát triển ĐHQGHN trở thành đại học thông minh, đổi mới sáng tạo.

Đã xây dựng và ban hành quy chế đào tạo các bậc học tiệm cận chuẩn mực quốc tế. Mở mới các chương trình đào tạo bậc đại học theo hướng liên ngành, xuyên ngành nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước.

Tiếp tục ưu tiên nguồn lực để triển khai các chương trình, đề tài KHCN trọng điểm quốc gia . Tích cực tham gia tư vấn chính sách cho các cơ quan Trung ương; phối hợp đề xuất một số chính sách thí điểm để thương mại hóa, đưa kết quả nghiên cứu từ đầu tư công vào sản xuất kinh doanh.

Trường đã đẩy mạnh triển khai các hướng nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, công nghệ ưu tiên phù hợp với xu hướng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời, tập trung nguồn lực triển khai một số chương trình nghiên cứu trọng điểm quốc gia về năng lượng, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, điện tử y sinh...

Đặc biệt, ĐHQGHN là một trong các đơn vị tiên phong, có năng lực tham gia, dẫn dắt hoạt động đào tạo, nghiên cứu và phát triển ứng dụng về công nghiệp thiết kế vi mạch tích hợp bán dẫn. Mỗi năm cung cấp cho thị trường lao động gần 1.200 sinh viên có chuyên môn liên quan đến thiết kế vi mạch, nâng tổng số sinh viên đã tốt nghiệp các ngành này đến nay lên trên 12.000 người.

Tích cực thu hút các nguồn lực, triển khai mô hình hợp tác công - tư, xúc tiến đầu tư nhằm giới thiệu, kêu gọi đầu tư vào các hoạt động xây dựng, giảng dạy và nghiên cứu khoa học; tạo không gian, điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước tham gia.

Hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học phục vụ sự phát triển của ĐHQGHN . Bên cạnh đó, đã tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho một số nước trong khu vực và trên thế giới.

ĐHQGHN đã nỗ lực kiến tạo môi trường giáo dục chất lượng cao; đã ban hành một số chế độ, chính sách hỗ trợ giảng viên, nghiên cứu viên, cán bộ khoa học , góp phần thu hút các nhà khoa học, nhất là cán bộ trẻ có trình độ cao về làm việc tại Trường, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học cơ bản và phát triển công nghệ lõi.

Năm 2022, ĐHQGHN tiếp tục giữ vững vị thế và không ngừng gia tăng uy tín của mình tại nhiều Bảng xếp hạng quốc tế và khu vực. Nhiều công trình, cá nhân, tập thể xuất sắc được vinh danh và tặng thưởng những phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, tiếp tục thể hiện tốt vai trò và uy tín học thuật trong việc thực hiện các nhiệm vụ quốc gia. Hàng chục công trình nghiên cứu cung cấp cơ sở và luận cứ khoa học phát triển đất nước trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bảo vệ chủ quyền quốc gia. Trong thời gian qua, một số nhiệm vụ khoa học có quy mô lớn tầm cỡ quốc gia, quốc tế được ĐHQGHN triển khai như: Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm phát triển bền vững vùng Tây Bắc; Nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Xây dựng bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam”; Nhiệm vụ đặc biệt cấp Quốc gia “Dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa của các tác phẩm kinh điển phương Đông”...

Hàng năm, ĐHQGHN cung cấp 550 sinh viên tốt nghiệp các ngành liên quan trực tiếp đến thiết kế vi mạch (bao gồm: Điện tử viễn thông, Kỹ thuật máy tính, Kỹ thuật điện tử và tin học, Tin học và Kỹ thuật máy tính, Vật lý kỹ thuật, Khoa học vật liệu) và 630 sinh viên tốt nghiệp các ngành gần (bao gồm: Công nghệ thông tin, Trí tuệ nhân tạo, Khoa học máy tính và thông tin, Công nghệ thông tin ứng dụng). Tổng số đã tốt nghiệp các ngành này tại ĐHQGHN vào khoảng trên 12.000. Nhiều sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh của ĐHQGHN tốt nghiệp các chương trình này hiện đang hoạt động trong lĩnh vực thiết kế vi mạch ở các tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

ĐHQGHN hiện có 09 nhóm nghiên cứu mạnh, 06 phòng thí nghiệm được đầu tư trong lĩnh vực này. Định hướng phát triển công nghệ thiết kế vi mạch tại ĐHQGHN tập trung vào triển khai các mô hình hệ thống trên chip IoT (Internet vạn vật) kết hợp trí tuệ nhân tạo ứng dụng trong đô thị thông minh và xã hội số, chuyển đổi số, nông nghiệp số. Bên cạnh đó, các nhóm nghiên cứu cũng quan tâm đến việc thiết kế các chíp bảo mật ứng dụng trong an ninh quốc phòng, an ninh quốc gia thông qua các hợp tác nghiên cứu với Ban Cơ yếu Chính phủ, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự.

Với thế mạnh về khoa học cơ bản, khoa học vật liệu, không gian mới tại Khu đô thị Hòa Lạc, ĐHQGHN có cơ hội và tiềm năng phát triển lĩnh vực công nghiệp thiết kế vi mạch tích hợp bán dẫn nói riêng và các lĩnh vực công nghệ cao nói chung, xây dựng và tổ chức chương trình đào tạo và nghiên cứu về vi mạch tích hợp bán dẫn trong chương trình đào tạo tài năng và xuất sắc về công nghệ 4.0 của Bộ GD&ĐT.

ĐHQGHN phải trở thành nơi hội tụ nhà khoa học của Việt Nam và thế giới

14-ttg-sp.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao tặng 5.000 cây xanh cho ĐHQG Hà Nội

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực lớn, quyết tâm cao và chúc mừng ĐHQGHN về những thành tích đạt được trong thời gian qua, đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển và sự nghiệp giáo dục đào tạo của cả nước, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Thủ tướng rất vui mừng được biết, ĐHQGHN luôn bám sát khẩu hiệu hành động “Đạt đỉnh cao dựa vào tri thức”, phát huy mạnh mẽ Giá trị cốt lõi “Đổi mới sáng tạo - Trách nhiệm quốc gia - Phát triển bền vững” và có nhiều bước phát triển rất đáng ghi nhận trong thời gian qua.

Với vai trò là đại học đa ngành, đa lĩnh vực, có truyền thống, có đội ngũ cán bộ khoa học hùng hậu, đã và đang đào tạo nhiều lĩnh vực quan trọng, then chốt cả về lý thuyết hàn lâm và khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng, Thủ tướng đề nghị ĐHQGHN phát huy bề dày lịch sử và những thành tựu đạt được, kinh nghiệm hay, bài học quý, những mô hình, cách làm hiệu quả; tiếp tục xây dựng và củng cố tập thể đoàn kết, vững mạnh, không ngừng đổi mới sáng tạo để xây dựng ĐHQGHN thành một cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học theo mô hình hiện đại, có tầm cỡ, uy tín trong khu vực và quốc tế.

Phát triển toàn diện cả bề rộng và chiều sâu, tập trung vào một số lĩnh vực khoa học cơ bản, đào tạo chuyên ngành, mũi nhọn, chất lượng cao, có thế mạnh của Việt Nam, phù hợp với xu thế của thế giới.

Gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển đồng thời cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội - nhân văn, khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng, đặc biệt là góp phần phát triển, hoàn thiện nền tảng tư tưởng, cung cấp luận cứ khoa học, tin cậy cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định chiến lược, xây dựng chủ trương, đường lối, kế hoạch phát triển KTXH của đất nước.

Bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, tập trung giải quyết những vấn đề lớn, điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc cả về lý luận và thực tiễn ở cấp quốc gia cũng như cấp địa phương. Thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thương mại hóa các kết quả, sản phẩm nghiên cứu khoa học trên cơ sở tăng cường hợp tác công tư. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin hướng tới xây dựng đại học số, đại học thông minh.

Tập trung phát triển đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên chất lượng cao, đẳng cấp khu vực, quốc tế. Đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học theo nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.

Tiếp tục phát huy, nhân rộng các hình thức tuyển sinh phù hợp, hiệu quả, trong đó có hình thức Đánh giá năng lực học sinh trung học phổ thông. Có cơ chế khuyến khích sinh viên vào học các ngành khoa học cơ bản, ngành đặc thù, ngành hiếm để vừa phục vụ bảo tồn, phát huy bản sắc, giá trị riêng có của quốc gia, dân tộc, vừa phục vụ sự phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Đặc biệt quan tâm, tăng cường đầu tư cho lĩnh vực phát triển nhân lực nghiên cứu về công nghệ vi mạch tích hợp bán dẫn ở Việt Nam; chú trọng hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và thương mại hóa trong lĩnh vực này.

Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, sớm hoàn thành dứt điểm nhiệm vụ xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc, hình thành một Khu Đô thị đại học xanh, hiện đại, thông minh, ngang tầm khu vực theo mô hình 5 trong 1.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành có liên quan và UBND thành phố Hà Nội tích cực phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện để sớm giải quyết hiệu quả những khó khăn, vướng mắc của ĐHQGHN.

“Chúng ta đang sống trong một thế giới không ngừng biến chuyển, đổi thay. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ và tác động rất lớn đến mọi mặt của đời sống. Tự hào được học tập tại ngôi trường có bề dày lịch sử, là những thanh niên thông minh, năng động, mỗi người trong các cháu cần nuôi dưỡng đam mê, ấp ủ hoài bão, thắp sáng ngọn lửa nhiệt huyết để cùng với bạn bè, đồng nghiệp phấn đấu vươn lên, làm chủ cuộc sống và có nhiều đóng góp tích cực cho bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội".

Thủ tướng nói đồng thời nhắc nhở: "Bác Hồ kính yêu của chúng ta từng căn dặn: Thanh niên sẽ làm chủ nước nhà. Phải học tập mãi, tiến bộ mãi, mới thật là thanh niên. Các cháu ở đây, cùng với thế hệ sinh viên trên cả nước phải luôn chăm chỉ, cần cù, có ý thức học hỏi, tu dưỡng đạo đức, trau dồi, nắm chắc kiến thức, thành thạo chuyên môn, cập nhật thông tin để học giỏi, nghĩ thông, làm tốt, luôn có tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thực sự trở thành những công dân tốt, công dân số, công dân toàn cầu, góp phần xây dựng đất nước ngày càng hùng cường, thịnh vượng; nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.”

Trong giai đoạn phát triển mới, Thủ tướng mong muốn và tin tưởng ĐHQGHN sẽ quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, là một trong những nơi hội tụ các nhà khoa học hàng đầu Việt Nam và thế giới, cái nôi đào tạo nên những nhà trí thức lớn, những doanh nhân thành đạt, xứng đáng vai trò nòng cốt, đầu tàu trong hệ thống giáo dục đại học nước nhà.

Mai Hạ