Vụ Bản(Nam Định): Bãi tập kết trái phép, chính quyền đang ở đâu?
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 13:16, 11/07/2017
(Moitruong.net.vn) – Lấn chiếm hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp, đất thủy nông và khu lưu không Đê Bối, đê Đại Hà nhằm biến thành của riêng để làm bãi tập kết, trung chuyển, vận chuyển cát (VLXD) không đúng quy định gây ngập úng, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng tới người dân hai thôn Phú Cốc và thôn Mỹ Trung( thôn Xa Trung), xã Thành Lợi, huyện Vụ bản, Nam Định gây bức xúc trong dư luận một thời gian dài. Người dân kiến nghị lên các cấp chính quyền nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
>>> Huyện Vụ Bản (Nam Định): Công ty Vạn Xuân hoạt động gây ô nhiễm, người dân khốn khổ
Lấn chiếm đất công, vận chuyển VLXD gây ô nhiễm môi trường!
Theo hồ sơ phóng viên có được bãi tập kết vật liệu xây dựng thuộc quản lý của bà Phạm Thị Liên, ngụ tại thôn Phú Cốc, xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, Nam Định. Theo đó, trong bản đồ số 11A, thửa đất số 1,2 trích đo hiện trạng vị trí xin thuê thầu đất của bà Phạm Thị Liên thể hiện rõ, cuối năm 2014 UBND xã Thành Lợi ký hợp đồng cho bà Liên thuê tổng diện tích 4000 mét vuông đất tại điểm đấu nối ngã ba đê Bối và đê Đại Hà để làm bến bãi tập kết, vận chuyển cát( VLXD) phục vụ mục đích phát triển địa phương.
Ô đánh dấu chéo là diện tích bà Phạm Thị Liên được thuê thầu nhưng giờ bà đã lấn chiếm tất cả diện tích đất công trái phép
Tuy chỉ được cấp phép 4000 mét vuông đất làm bến bãi, thế nhưng, không hiểu vì lý do gì mà bà Liên lại tự ý “chiếm dụng” hơn 1000 mét vuông diện tích đất nông nghiệp, đất thủy nông( kênh, mương) và toàn bộ diện tích hơn 5200 mét vuông đất, chạy dài 190 mét thuộc phạm vi bảo vệ hành lang đê điều (khu lưu không đê) của tuyến đê Bối và đê Đại Hà để làm của riêng phục vụ cho việc tập kết VLXD.
Không dừng lại, bà Liên còn tự ý cho máy xúc, máy ủi múc đất, tạo mương, ngăn bờ trái phép khi chưa được sự chấp thuận của chính quyền địa phương khiến hàng chục mẫu ruộng canh tác lúa, hoa màu của hàng trăm hộ dân thôn Phú Cốc và Mỹ Trung bị ngập úng mỗi khi mưa xuống và thiếu nước khi có hạn, khiến một diện tích lớn đất nông nghiệp của bà con bị hoang hóa không canh tác được.
Bãi tập kết cát của hộ bà Phạm Thị Liên
Việc tự ý lấn chiếm đất công mở rộng bến bãi hút cát, tập kết cát, vận chuyển cát tràn lan khi chưa được chính quyền địa phương chấp thuận còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, người dân hàng ngày đi qua đây đều phải hứng chịu bụi bặm, mưa thì lầy lội và đặc biệt các loại xe “ siêu trường, siêu trọng” được nâng thành, cơi thùng… Chở cát phá nát mặt đê, làm nứt chân đê hai tuyến đê Bối, đê Đại Hà sung yếu của tỉnh Nam Định.
Phóng viên ghi nhận thực tế cho thấy, chỉ 30 phút hàng chục chiếc xe “ ba chân, bốn cẳng” hạng nặng chở cát ra vào liên tục bến bãi, mỗi lần xe chạy là mặt đường đê rung chuyển, bụi bay mịt mù …
Cô L.T.M cho biết, chúng tôi vô cùng bức xúc vì thái độ vô trách nhiệm của gia đình bà Phạm Thị Liên, chỉ vì một bãi tập kết cát của bà Liên mà hàng trăm hộ dân nơi đây hằng ngày phải chịu cảnh bụi bặm, lầy lội… Ai qua cung đường này đều phải kêu lên vì phải tránh bụi, mỗi lần qua đây không chỉ quần áo mà mặt chúng tôi cũng dính một lớp bụi bẩn cho dù đã đeo khẩu trang để tránh bụi.
Xe chở cát sỏi khi tham gia giao thông làm rơi vãi cát, tạo thành 1 lớp dày trên đường, khiến người tham gia giao thông đi lại rất khó khăn.
Bức xúc hơn hộ bà Liên còn tự ý cho mình quyền “tự quyết” khi cho máy xúc đào mương, khoét máng làm nước nội đồng dẫn đến không thoát được nước mỗi khi mưa về gây ngập úng làm hỏng hoa màu của hàng trăm bà con nông dân nơi đây.
Chúng tôi kiến nghị với bà Liên nhiều lần nhưng bà Liên chỉ bỏ ngoài tai, khiến người dân vô cùng bức xúc,
Chiếm hơn 6000 mét vuông đất công không phải là lớn…!
Trước tình hình đó phóng viên đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Liên, chủ bãi tập kết cát trên. Bà Liên cho hay: ” việc chúng tôi vi phạm trong việc lấn chiếm đất công là đúng và tôi sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật, chúng tôi không lấn chiếm nhiều nên cùng lắm nhà nước sẽ có biện pháp khiển trách!.
Việc chúng tôi tự ý múc đất, đào mương gây ngập úng ảnh hưởng đến canh tác hoa màu của bà con thì tôi cũng đã đền bù thỏa đáng và còn thuê lại toàn bộ những thửa ruộng bị ảnh hưởng đó của bà con. Khi thuê đất, chúng tôi để hoang không sử dụng đến trong một thời gian dài nên tiếc, cho nên tôi đã đấu nối vào khoảng đất được thuê thầu trước đó rồi làm bãi tập kết cát.
Để tránh bị ảnh hưởng tới hoa màu của bà con, hiện nay, tôi còn cho máy múc khơi mương, múc đất để phân chia đất của bãi tập kết cát với đất canh tác của người dân, còn việc người dân kiến nghị tôi vẫn chưa nắm bắt được tình hình cụ thể”.
Khi phóng viên hỏi bà Liên về việc lấn chiếm 6000 mét đất công thuộc khu lưu không đê, đất nông nghiệp, đất thủy nông và tự ý thuê đất nông nghiệp làm bến bãi trái phép khi chưa được chính quyền cho phép? Bà Liên trả lời đó là vấn đề nhỏ. Ngay sau đó, chúng tôi hỏi tiếp vậy như thế nào mới là vấn đề lớn?.
Lúc này bà Liên bối dối, lảng tránh câu hỏi và không trả lời.
Như vậy, với việc coi thường pháp luật, chính quyền sở tại và bà Liên tự cho mình cái “ quyền quyết định” thích mua đất, thuê đất, mở rộng bến bãi, không hiểu chính quyền xã Thành Lợi và Hạt Quản Lý đê điều huyện Vụ Bản đang ở đâu suốt nhiều năm qua?.
Tạp chí Môi Trường và Cuộc Sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc
Nhóm phóng viên