Phải có quan điểm tư duy mới để phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 20:30, 14/04/2023
Sáng 14/4, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW năm 2012 về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Tham dự cuộc họp có lãnh đạo, đại diện 18 tỉnh, thành phố; các bộ: KH&ĐT, Xây dựng, Công Thương, GTVT, TT&TT, Y tế, VHTT&DL,…
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh sự cần thiết của phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển của bộ, ngành, địa phương với quốc gia. Vì vậy, các đại biểu phải đánh giá đầy đủ, toàn diện kết quả thực hiện, phân tích nguyên nhân của các hạn chế, bất cập, bài học kinh nghiệm, nhất là tính phù hợp về tư duy, quan điểm, mục tiêu và cơ chế tạo ra các nguồn lực đề ra trong Nghị quyết 13-NQ/TW, những vấn đề mới xuất hiện…
Tập trung phát triển 10 nhóm hạ tầng
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung cho biết Nghị quyết 13-NQ/TW tập trung phát triển 10 nhóm hạ tầng: Giao thông, cung cấp điện, thuỷ lợi, đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, thương mại, thông tin, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch.
Sau 10 năm triển khai Nghị quyết 13-NQ/TW, một khối lượng lớn nhiệm vụ về thể chế, đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng được hoàn thành, tạo ra diện mạo mới cho phát triển đất nước.
Nhiều chương trình, dự án công trình kết cấu hạ tầng, nhất là trong giao thông, năng lượng, thuỷ lợi, thông tin… được triển khai thực hiện theo hướng tập trung đầu tư để sớm đi vào khai thác, vận hành hiệu quả, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ hạ tầng cơ bản, đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội.
Hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư với nhiều cơ sở vật chất của ngành giáo dục, y tế, thiết chế văn hóa, thể thao… từ Trung ương đến địa phương.
Hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn đã có những thay đổi vượt bậc, hiện đại hóa một bước, theo hướng đồng bộ, ngày càng khang trang dần bắt kịp nhu cầu phát triển kinh tế xã hội chung. Đời sống người dân nông thôn được nâng lên.
Hạ tầng đô thị thay đổi nhanh chóng, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM với sự hình thành của các trục hướng tâm, đường vành đai, nút giao lập thể giao lộ lớn, tuyến tránh đô thị, tuyến đường sắt đô thị…
Sự chỉ đạo quyết liệt và sát sao của Chính phủ đã thu hút được nguồn vốn khá lớn và sử dụng ngày càng hiệu quả hơn cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng.
Cơ chế chính sách chưa theo kịp thực tiễn
Tuy nhiên, đại diện các bộ, ngành, địa phương cũng thẳng thắn cho rằng, công tác cải cách thể chế chưa đồng bộ, chậm ban hành hoặc chưa có chính sách đột phá để huy động các nguồn lực nhà nước, nguồn lực xã hội, nguồn lực từ tài nguyên để thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng. Một số lĩnh vực còn thiếu các quy định về luật, hệ thống pháp luật khác để điều chỉnh như Luật Viễn thông, Luật Quản lý phát triển đô thị… Cơ chế chính sách thì chưa theo kịp thực tiễn, nhất là cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng số, phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng, hợp tác công tư.
Công tác đầu tư, xây dựng mới, nâng cấp, duy tu sửa chữa các công trình còn gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ công trình như trong các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, đô thị.
Trong khi đó, cơ chế chính sách thu hút nguồn lực ngoài Nhà nước tham gia kết cấu hạ tầng chưa phát huy tác dụng và hiệu quả.
Kết cấu hạ tầng kỹ thuật còn thiếu tính đồng bộ, thiếu tính kết nối liên vùng và giữa các lĩnh vực làm giảm hiệu quả khai thác, vận hành. Đơn cử, lĩnh vực giao thông chưa đảm bảo kết nối tổ chức vận tải đa phương thức, mất cân đối giữa các loại hình vận tải. Hạ tầng điện chưa đồng bộ giữa nguồn điện và lưới điện. Hạ tầng thủy lợi thiếu đồng bộ, khép kín. Hạ tầng đô thị thì còn thiếu, chất lượng chưa cao. Hạ tầng xã hội vừa thiếu, vừa yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, cơ sở vật chất văn hóa, thể thao. Vấn đề hạ tầng về môi trường chưa được quan tâm, đặc biệt là ở khu vực nông thôn.
Các đại biểu cũng nêu ra một số vấn đề mới chưa được đề cập trong Nghị quyết 13-NQ/TW như hạ tầng kết nối thông tin, môi trường, huy động nguồn lực xã hội hoá...
Về một số khó khăn khi triển khai thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho biết, các bộ ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc bố trí vốn cho các dự án hạ tầng trọng tâm. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW trong bối cảnh tăng trưởng thấp nên khả năng tích lũy để đầu tư cho hạ tầng suy giảm, rơi vào tình trạng thiếu nguồn lực.
Cần có tầm nhìn dài hạn
Nhấn mạnh bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình triển khai Nghị quyết 13-NQ/TW, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho rằng công tác tổ chức thực hiện cần có sự đồng bộ chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để tạo sự đồng thuận, ủng hộ trong toàn xã hội.
Công tác hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật vẫn là vấn đề các cấp, ngành cần quan tâm; nhất là tính đồng bộ, thống nhất giữa các luật chuyên ngành; phân cấp, phân công trách nhiệm rõ ràng, đơn giản hóa thủ tục. Bên cạnh đó, công tác lập quy hoạch kết cấu hạ tầng cần có tầm nhìn dài hạn, mang tính liên vùng, liên tỉnh; nâng cao năng lực của chủ thể tham gia thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, quản lý đầu tư…
Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương cần ưu tiên bố trí vốn các công trình cấp bách, trọng điểm, hệ thống hạ tầng sử dụng chung, bảo đảm tính đồng bộ, kết nối liên vùng, kết nối giữa các lĩnh vực hạ tầng.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng các ý kiến tại cuộc họp đã nhìn nhận tổng quát, đồng bộ về kết quả thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW, cũng như thay đổi trong nhận thức về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng.
"Chúng ta đã làm nhanh hơn, dành nhiều nguồn lực hơn, có ý thức hơn nhưng thực trạng, yếu kém của hệ thống kết cấu hạ tầng mà Nghị quyết 13-NQ/TW nêu ra như thiếu đồng bộ, kém tính kết nối, hiện đang là điểm nghẽn của quá trình phát triển, vẫn còn nguyên giá trị", Phó Thủ tướng nói và chỉ ra nguyên nhân của tình trạng này là tư duy phát triển kết cấu hạ tầng chậm đổi mới, thiếu tính liên thông, thiếu khả năng tích hợp, đồng bộ, thống nhất, tầm nhìn dài hạn của các công trình, dự án hạ tầng.
Phó Thủ tướng nêu ví dụ, trong phát triển hạ tầng giao thông thời gian qua chưa có sự kết hợp hài hoà các loại hình đường bộ, đường thuỷ, đường sắt; chưa tích hợp đầy đủ hạ tầng giao thông với thuỷ lợi, viễn thông, điện lực; hay "đánh giá tác động, ảnh hưởng của các dự án hạ tầng giao thông tới những công trình thuỷ lợi, môi trường và ngược lại".
Cải cách triệt để các thủ tục hành chính
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu phải có quan điểm mới, tư duy mới, nhiệm vụ mới để phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, tích hợp hiện đại, đi trước và mở ra không gian phát triển mới. Trong đó, nguồn lực nhà nước tập trung cho những công trình hạ tầng thiết yếu, đóng vai trò chủ đạo, dẫn dắt vốn đầu tư tư.
Cơ chế, chính sách trong phát triển kết cấu hạ tầng phải đi trước về tư duy, tầm nhìn quy hoạch từ tổng quát đến chi tiết, từ kết nối tầm quốc gia, quốc tế đến vùng, địa phương, tích hợp các quy hoạch ngành; đa dạng các hình thức huy động nguồn lực xã hội như đầu tư công quản trị công, đầu tư công quản trị tư; đầu tư tư quản trị công; đầu tư tư quản trị tư… Đồng thời, cải cách triệt để các thủ tục hành chính về đầu tư, đất đai, xây dựng, giao thông, năng lượng… đối với các dự án kết cấu hạ tầng.
Bên cạnh đó, trong từng lĩnh vực hạ tầng cũng phải xác định điểm đột phá. Phó Thủ tướng lấy ví dụ đối với hạ tầng đô thị, bên cạnh đường bộ cần quan tâm hơn nữa đến đường sắt, đường thuỷ; tập trung đầu tư cho hạ tầng thông tin, viễn thông đang ngày càng trở nên quan trọng trong phát triển đô thị thông minh.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh phát triển hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, văn hoá…, kiến tạo không gian sáng tạo cho hoạt động văn hoá, thông tin báo chí, công nghiệp kinh tế xanh, công nghệ cốt lõi,…; có lộ trình phát triển những loại hình hạ tầng mới về thông tin, viễn thông, môi trường, năng lượng tái tạo…